Doanh số của Tập đoàn máy móc xây dựng Từ Châu (XCMG) đã tăng gấp 8 lần, từ năm 2008 đến năm 2010 nhờ đợt phát triển cơ sở hạ tầng để đưa đất nước vượt cuộc khủng hoảng hơn thập niên trước. Họ còn có thêm nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu sang Venezuela và Nigeria.
Hiện tại nhiều nước đang nỗ lực trả nợ cho các ngân hàng nhà nước Trung Quốc và không thể mua thêm máy móc. Trung Quốc đã gần như đóng cửa hoàn toàn biên giới, khiến hoạt động xuất khẩu của XCMG gần như đình trệ, theo The New York Times.
Giới lãnh đạo Trung Quốc cũng đang hướng nội, ưu tiên xóa đói giảm nghèo là mục tiêu kinh tế hàng đầu của đất nước năm nay. Nhiều khu vực nghèo nhất của Trung Quốc là những xóm làng hẻo lánh, và việc mở rộng các tuyến đường bộ, đường sắt đến chúng đòi hỏi phải xây dựng cầu và đường hầm lớn, dẫn tới nhu cầu cao hơn đối với máy móc của XCMG.
Hồi tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã kêu gọi chi tiêu xây dựng gần nơi người dân sinh sống. Chủ trương ấy rất thiết thực với hàng triệu công nhân nông thôn đã mất việc làm tại các nhà máy sản xuất tìm công việc mới mà không di cư đến các thành phố xa xôi.
37 thành phố của Trung Quốc đang xây dựng tổng cộng 150 tuyến tàu điện ngầm mới và XCMG đang sản xuất các thiết bị cần thiết cho một nửa số dự án.
Hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc - nơi đã kết nối hơn 700 thị trấn và thành phố, đang mở rộng nhanh đến mức hàng năm họ mua số lượng thiết bị gấp ba lần so với thị trường châu Âu và châu Mỹ cộng lại.
Phục hồi kinh tế bằng cách đầu tư vào cơ sở hạ tầng ở Trung Quốc là cách làm ngược với hầu hết chính phủ phương Tây. Các nhà kinh tế phương Tây thường khuyên Bắc Kinh chuyển tiền trực tiếp đến người tiêu dùng thay vì xây dựng thêm đường sắt và đường cao tốc.
"Chi tiền cho người dân là biện pháp hiệu quả hơn so với chi hai phần ba số tiền cho sắt thép, xăng dầu, gạch và những thứ khác", Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, bình luận.
Một số chính quyền địa phương Trung Quốc từng nỗ lực phục hồi đà chi tiêu của người tiêu dùng bằng cách phát hành phiếu giảm giá và các khoản chi khác. Nhưng sau đó chính phủ đã bác bỏ ý tưởng, giục các tỉnh, thành dồn tiền cho cơ sở hạ tầng.
Hàng loạt địa phương đang vay rất nhiều để trả tiền xây dựng dù chưa trả xong những khoản nợ khổng lồ trước đó. Các dự án ở vùng sâu vùng xa cũng không thể mang lại chút lợi nhuận kinh tế nhỏ nhoi để trả nợ. Hàng chục nhà ga đường sắt cao tốc mới đã được xây dựng tại các thị trấn nhỏ, nơi rất thưa khách. Một số nhà ga đón chưa tới 3 chuyến tàu dừng lại mỗi ngày.
Dù vậy, mọi công trình đó thúc đẩy hoạt động kinh doanh của XCMG. Tập đoàn đang trên đà vượt qua John Deere để trở thành nhà sản xuất lớn thứ ba thế giới trong lĩnh vực này, chỉ sau Caterpillar và Komatsu. Ông Wang dự báo XCMG sẽ là đơn vị lớn nhất ngành trong 15 năm nữa. "Đây sẽ là giấc mơ của tôi", ông nói và cho rằng đó là mục đích của đời ông.
Sự bùng nổ không ngừng của các nhà máy trực thuộc ở Từ Châu là dấu hiệu rõ nét cho sự thành công của XCMG. Chỉ riêng nhà máy sản xuất cần cẩu đã lên kế hoạch sản xuất thêm 2 chủ nhật mỗi tháng. Thù lao của công nhân tăng gấp đôi lương vào ngày làm thêm.
Ở những nơi khác của Từ Châu cũng như Trung Quốc, tình hình không sôi động như vậy. Người mua sắm và thợ sửa chữa từng chen chúc tại chợ vật liệu xây dựng thành phố. Vào một buổi chiều gần đây, nó hoàn toàn vắng vẻ ngoại trừ cửa hàng của các nhà cung cấp.
Shan Kehu, một nhân viên bán vữa, nói rằng, đối tượng khách hàng duy nhất vào cửa hàng là những kẻ cơ hội, tìm cách tích trữ hàng hóa với giá giảm.
Các chợ đầu mối thực phẩm cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Cao Fang, một nhà cung cấp vật tư cho nhà hàng, phàn nàn rằng các quán ăn đã ngừng mua đồ dùng và đĩa. Tại một quầy khác, một nửa số nải chuối đã quá chín để bán.
"Tình hình đã khá cải thiện, nhưng vẫn chưa bằng mức độ bình thường trước đây", Xin Xiaoli, một người bán trái cây, thổ lộ.