Mỹ với kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên 23 năm trước

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện tại vẫn chưa phải là đỉnh điểm so với năm 1994, khi chính quyền Clinton đã phê chuẩn kế hoạch không kích phủ đầu Triều Tiên.

Bán đảo Triều Tiên đã liên tục căng thẳng giữa thông tin Bình Nhưỡng chuẩn bị thử hạt nhân lần thứ 6, hành động được Tổng thống Trump coi là "lằn ranh đỏ" và dã đe dọa tấn công.

Tình hình tưởng chừng căng như dây đàn đặc biệt sau vụ Mỹ nã 59 quả Tomahawk vào Syria cách đây 2 tuần cũng như tuyên bố Washington điều thêm tàu sân bay Carl Vinson tới gần Triều Tiên (thông tin sau được xác nhận là không chính xác).

Dự định tấn công

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên Washington dự định sử dụng vũ lực để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Đầu năm 1994, Mỹ đã từng lên kế hoạch tấn công khi có nhiều bằng chứng cho thấy Bình Nhưỡng đang làm giàu uranium tại cơ sở ở Yongbyon đủ để chế tạo 2 quả bom hạt nhân.

Căng thẳng gia tăng khi Bình Nhưỡng từ chối cho các thanh sát viên của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) kiểm tra cơ sở hạt nhân của nước này, theo điều khoản Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) Bình Nhưỡng tham gia năm 1985.

my voi ke hoach tan cong phu dau trieu tien 23 nam truoc
Mỹ từng dự định phá hủy cơ sở hạt nhân Triều Tiên bằng vũ khí dẫn đường công nghệ cao. Ảnh minh họa: Không quân Mỹ.

Chính quyền Tổng thống Bill Clinton lúc đó đã lên kế hoạch không kích vào cơ sở hạt nhân của Triều Tiên nhằm ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.Trong hồi ký của mình, cựu Tổng thống Clinton viết: “Tôi đã quyết tâm ngăn chặn Triều Tiên phát triển kho vũ khí hạt nhân, ngay cả khi nguy cơ chiến tranh là rất lớn”.

Bờ vực chiến tranh

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lúc đó, William Perry, đã truyền tải thông điệp của Tổng thống Clinton bằng những bình luận mạnh mẽ nhất đến giới truyền thông. Cựu tổng thống Mỹ cho biết thêm: “Để Bình Nhưỡng tin chắc rằng chúng tôi nghiêm túc, Bộ trưởng Perry tiếp tục đưa ra những phát ngôn cứng rắn, thậm chí nói rằng chúng tôi sẽ không loại trừ tấn công quân sự”.

Thực tế chính quyền Clinton lúc đó không nói suông, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Perry xác nhận chính quyền đã nghiêm túc xem xét tiến hành “không kích chính xác” vào cơ sở hạt nhân của Triều Tiên. Bán đảo Triều Tiên lúc đó đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh khác.

Theo Global Security, để chứng minh rằng chính quyền Clinton quyết tâm ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng, tháng 3/1994, Mỹ và Hàn Quốc thống nhất triển khai tên lửa phòng không Patriot đến Hàn Quốc để đối phó với mối đe dọa của Triều Tiên.

Kế hoạch của Mỹ đã chuẩn bị một cách chi tiết và chỉ chờ lệnh khai hỏa từ Washington. Bán đảo Triều Tiên khi đó đứng bên bờ vực của một cuộc chiến thực sự và có thể kéo theo cuộc đại chiến lớn với sự tham gia của Trung Quốc, tương tự cuộc chiến khốc liệt 1950-1953.

Theo một số báo cáo giải mật, năm 1994, Trung Quốc đã lên kế hoạch hỗ trợ quân sự dành cho Triều Tiên. Khoảng 50.000-75.000 quân, thuộc 3 sư đoàn của đại quân khu Thẩm Dương, 10.000 quân dự bị khác chuẩn bị tăng cường từ đại quân khu Tế Nam, sẽ tiến vào Triều Tiên nếu Mỹ can thiệp quân sự.

Cuộc giải cứu của cựu Tổng thống Jimmy Carter

Vào thời khắc nguy hiểm nhất, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã liên lạc với Tổng thống Clinton, cho biết ông muốn tới Bình Nhưỡng nhằm cố gắng giải quyết cuộc khủng hoảng trên đảo Triều Tiên. Tổng thống Clinton đã do dự trước lời đề nghị của ông Carter.

Tổng thống đã trao đổi với Phó tổng thống Al Gore và các thành viên Hội đồng An ninh quốc gia về đề xuất của ông Carter, đa số các thành viên không phản đối miễn là giúp nước Mỹ đạt được mục đích.

my voi ke hoach tan cong phu dau trieu tien 23 nam truoc
Các vụ thử hạt nhân của Triều Tiên. Đồ họa: USGS.

Trong hồi ký, ông Clinton thừa nhận, lý do ông rút lại ý định không kích Bình Nhưỡng sau khi đọc báo cáo ước tính thiệt hại kinh hoàng cho cả đôi bên, nếu chiến tranh xảy ra. Với sức mạnh quân sự áp đảo, Mỹ có thể chiến thắng nhưng có thể phải trả cái giá khủng khiếp, đặc biệt là tổn thất về con người.

Thủ đô Seoul của Hàn Quốc nằm cách chỉ 50 km từ khu phi quân sự (DMZ), trong tầm của pháo binh Triều Tiên. Bên cạnh đó, chiến dịch quân sự có thể dẫn đến việc Trung Quốc can thiệp, kéo theo cuộc chiến vượt ngoài tầm kiểm soát.

Chuyến công du của cựu ông Carter đã góp phần giải tỏa áp lực cho cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Tháng 10/1994, Mỹ, Triều Tiên và Trung Quốc nhất trí ký Thỏa thuận Khung chuyển đổi chương trình hạt nhân của Triều Tiên để phục vụ cho mục đích hòa bình.

Theo thỏa thuận, lò phản ứng nước nặng của Triều Tiên sẽ được thay thế bằng lò phản ứng nước nhẹ, Mỹ cam kết không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực chống lại Triều Tiên. IAEA được phép kiểm tra đột xuất và thường xuyên các cơ sở hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, việc thực hiện Thỏa thuận Khung diễn ra khó khăn ngay từ bước đầu, cho đến khi Triều Tiên đơn phương rút khỏi thỏa thuận vào năm 2003 và đẩy nhanh chương trình chế tạo bom hạt nhân. Từ năm 2006-2016, Bình Nhưỡng đã tiến hành 5 vụ thử hạt nhân.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.