Theo Thông tư 18/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, FE Credit được xem là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Thông tư này yêu cầu cụ thể về thời gian nhắc nợ, đòi nợ tối đa 5 lần mỗi ngày, không đòi nợ, nhắc nợ sau 21h. Đồng thời, các công ty tài chính không nhắc nợ, đòi nợ, gửi thông tin về việc thu hồi nợ của khách hàng đối với tổ chức, cá nhân không có nghĩa vụ trả nợ, trừ trường hợp có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Đáng chú ý, quy định được xem là có tác động nhiều nhất với các tông ty tài chính là Ngân hàng Nhà nước đưa ra lộ trình giảm tỉ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ giảm dần về năm 2024.
Thông tư nêu rõ: "Giải ngân trực tiếp cho khách hàng là việc công ty tài chính giải ngân cho vay tiêu dùng trực tiếp cho khách hàng bằng tiền mặt hoặc thông qua việc sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt theo thỏa thuận tại hợp đồng cho vay tiêu dùng, đảm bảo kiểm tra, giám sát mục đích sử dụng vốn vay theo quy định của pháp luật".
Theo quy định, lộ trình giảm tỉ lệ dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng trong tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính từ đầu năm 2021 đến cuối năm 2021 là 70%. Năm 2022 giảm xuống còn 60%, năm 2023 giảm tiếp 10% còn 50%, năm 2023 còn 50%. Mục tiêu đến năm 2024, tỉ lệ này chỉ còn 30%.
Như vậy, theo quy định, đến năm 2030, tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại một công ty tài chính so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty giảm chỉ còn ở mức 30%.
Thông tư cũng quy định thêm tổng dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp cho khách hàng tại công ty tài chính chỉ gồm khách hàng có dư nợ cho vay tiêu dùng giải ngân trực tiếp trên 20 triệu đồng.
Đánh giá về tác động của thông tư này, các chuyên gia của SSI Research cho rằng FE Credit sẽ là công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất.
FE Credit nắm đến 55% thị phần cho vay tiêu dùng hiện nay. (Nguồn: SSI - Đồ hoạ: Quốc Minh).
Hiện trên thị trường chỉ có 3 ngân hàng niêm yết có công ty con hoặc công ty liên kết là hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng, gồm VPBank sở hữu 100% vốn tại FE Credit, HDBank sở hữu 50% HDSaison và MBBank cũng sở hữu 50% tại MCredit.
Tuy nhiên trong 3 công ty này, thị phần lớn nhất vẫn rơi vào tay FE Credit. Tính đến cuối quý II/2019, FE Credit nắm đến 55%, tổng thị phần 2 công ty tài chính còn lại khoảng 17%, phần còn lại thuộc về các công ty khác.
Ngoài việc nắm trong tay thị phần nhiều nhất, chuyên gia của SSI cho rằng cơ cấu danh mục cho vay cũng khiến FE Credit gặp khó, bởi đang tập trung nhiều vào các khoản vay tiền mặt.
Cơ cấu sản phẩm cho vay tiền mặt chiếm đến 76% tại FE Credit, 8% cho vay mua xe máy, 5% cho vay điện máy và 11% cho vay thẻ tín dụng.
Đáng chú ý, phần "gỡ gạc" cho FE Credit chính là hiện tỉ lệ cho vay tiền mặt đối với khách hàng có tổng dư nợ trên 20 triệu đồng của FE Credit dưới 70%.
Vì vậy, chuyên gia của SSI Research cho rằng 2 năm tới, tác động sẽ chỉ ở mức thấp do lộ trình chưa ảnh hưởng sâu đến hoạt động kinh doanh của FE Credit.
Cơ cấu cho vay tiền mặt là chủ yếu nên FE Credit được đánh giá chịu nhiều rủi ro từ Thông tư 18 của NHNN. (Nguồn: SSI - Đồ hoạ: Quốc Minh).
Tuy nhiên, từ năm 2022 trở đi, tức thời điểm tỉ lệ tổng dư nợ giải ngân trực tiếp cho khách hàng so với tổng dư nợ tín dụng tiêu dùng của công ty ngày càng giảm về mục tiêu 30%, FE Credit có thể phải hi sinh phần nào hệ số biên lãi ròng (NIM) để đạt được cơ cấu danh mục cho vay cân đối hơn.
Trong khi đó, dựa vào thị phần và cơ cấu cho vay, 2 đối thủ còn lại của FE Credit là HDSaison và MCredit được đánh giá ít chịu ảnh hưởng hơn.
Tại HDSaison, cơ cấu cho vay tiền mặt của công ty này chỉ chiếm 33%, đến 67% còn lại là cho vay mua xe máy và hàng điện máy. Trong khi đó, MCredit hiện nắm thị phần khá khiêm tốn và vẫn tiếp tục tái cấu trúc danh mục cho vay, giảm các khoản vay tiền mặt.
Tương tự các công ty tài chính khác, FE Credit ít khi công bố báo cáo tài chính, tuy nhiên, kết quả kinh doanh vẫn có thể nhìn thấy phần nào qua báo cáo tài chính của ngân hàng mẹ.
9 tháng đầu năm 2019, VPBank ghi nhận 7.199 tỉ đồng lợi nhuận trước thuế hợp nhất, tăng 18% và hoàn thành 76% kế hoạch cả năm.
Báo cáo tài chính riêng tiết lộ, lợi nhuận riêng lẻ của ngân hàng mẹ lại sụt giảm 23% so với cùng kì năm ngoái, chỉ còn 5.111 tỉ đồng. Như vậy, lợi nhuận hợp nhất vẫn tăng trưởng ấn tượng nhờ đóng góp quan trọng của các công ty con, mà đóng góp không nhỏ là FE Credit.
FE Credit được xem là "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank kể từ khi có mặt vào năm 2015. (Đồ hoạ: Quốc Minh).
Nửa đầu năm 2019, FE Credit đạt đến 2.131 tỉ đồng lãi trước thuế, đóng góp đến 49% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank. Báo cáo tài chính hiếm hoi của FE Credit cũng tiết lộ mức lãi suất năm bình quân của các khoản vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 là 43,6%/năm.
Dù FE Credit đóng góp gần một nửa lợi nhuận trước thuế hợp nhất cho VPBank, nhưng chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho rằng cho vay tín chấp ẩn chứa nhiều rủi ro, dẫn đến nợ xấu của VPBank có xu hướng cao hơn so với các ngân hàng với mô hình kinh doanh truyền thống.
"Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản của VPBank không tích cực, dựa trên các chỉ tiêu về phân loại nợ và đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Vì vậy, VPBank sẽ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng sử dụng dự phòng, để xoá nợ trong những năm tới, khi quy mô tín dụng tăng lên cùng với việc mở rộng cho vay tín chấp", chuyên gia của VCBS khẳng định.
Với Thông tư 18/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 43/2016 quy định cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính, do Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành, VCBS nhận định sẽ tiềm ẩn rủi ro của công ty tài chính tiêu dùng, đặc biệt là FE Credit - "con gà đẻ trứng vàng" của VPBank thời gian qua.