Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) vừa công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm 2019 với hoạt động kinh doanh tiếp tục ghi nhận đóng góp rất tích cực cho VPBank. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tài chính, FE Credit có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho ngân hàng mẹ VPBank.
Thu nhập lãi thuần của FE Credit đạt 8.508 tỉ đồng trong nửa đầu năm 2019, tăng 25% so với cùng kì. Đáng chú ý, tăng trưởng mạnh nhất của công ty tài chính này là lãi từ hoạt động dịch vụ, tăng vọt đến 475%, từ 45 tỉ lên thành 259 tỉ đồng.
FE Credit đóng góp đến 49% lợi nhuận VPBank. (Ảnh: FE Credit).
Nguyên nhân thu nhập từ dịch vụ tăng mạnh là do thu phí và hoa hồng bảo hiểm cho các đối tác tăng mạnh.
Lãi từ hoạt động khác giảm 42%, xuống còn 263 tỉ đồng. Tổng thu nhập hoạt động của FE Credit đạt trong kì 8.983 tỉ đồng, tăng 23%.
Trong khi đó, chi phí hoạt động cũng tăng 31%, chi phí dự phòng tăng 13% lên 4.085 tỉ đồng.
Tỉ lệ chi phí trên thu nhập ở mức thấp nên lợi nhuận của FE Credit vẫn tăng trưởng khá cao so với cùng kì. 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của FE Credit đạt 2.131 tỉ đồng. Trong khi cùng kì năm ngoái, lãi trước thuế chỉ 1.567 tỉ, tức tăng đến 36%.
Kết quả kinh doanh khả quan của FE Credit đóng góp đến 49% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank. Tỉ lệ này của năm 2018 chỉ ở mức 45%.
Đáng chú ý, cho vay tiêu dùng cá nhân trong nước theo báo cáo của FE Credit 6 tháng đầu năm lên đến 58.300 tỉ đồng, tăng đến 8.400 tỉ đồng so với cùng kì, tương ứng mức tăng 9,4%.
Công ty tài chính này không có khoản vay hợp vốn nào trong nửa đầu năm nay, cùng kì năm ngoái, khoản vay này của FE Credit lên đến 3.326 tỉ đồng.
Báo cáo tài chính của FE Credit cũng tiết lộ mức lãi suất năm bình quân của các khoản vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 là 43,6%/năm.
Lãi suất năm bình quân của các khoản vay khách hàng tính đến cuối tháng 6 là 43,6%/năm. (Ảnh: FE Credit).
Tuy nhiên, mức lãi suất này được cho là đã giảm nhẹ so với trung bình của năm ngoái. Năm ngoái, lãi suất trung bình của các khoản vay tại FE Credit là 43,83 tỉ đồng.
Tính đến cuối tháng 6, tổng tài sản của FE Credit đạt 64.768 tỉ, tăng 7,7% so với đầu năm. Trong khi cho vay khách hàng tăng thì số dư tiền gửi khách hàng của công ty giảm 8,6%, với 3.069 tỉ đồng, đây là số dư tiền gửi có kì hạn của doanh nghiệp tại FE Credit.
Nợ xấu của FE Credit so với đầu năm 2019 giảm 63 tỉ đồng, đang ở con số 3.121 tỉ đồng. Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cũng giảm từ 5,98% xuống còn 5,35%.
Cuối tháng 6, giá trị phát hành chứng chỉ tiền gửi của FE Credit là 26.943 tỉ, tăng 20% so với đầu năm, giá trị phát hành trái phiếu là 1.800 tỉ, tăng 33%.
Mức lãi suất chứng chỉ tiền gửi dưới 1 năm là 5,25-9,25%, kì hạn từ 1-5 năm là 8,04-11,50%/năm. Lãi suất trái phiếu kì hạn từ 1-5 năm là 9%/năm.
Các tổ chức tín dụng khác cũng là đối tượng huy động vốn của FE Credit nửa đầu năm nay, số dư tiền gửi và vay các tổ chức này của FE Credit là 16.522 tỉ đồng.
Nửa đầu năm nay, dù FE Credit đóng góp đến 49% lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank, tuy nhiên, theo nhận định của các công ty chứng khoán, "con gà đẻ trứng vàng" này có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro cho VPBank.
Báo cáo cập nhật VPB mới đây được Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), cho biết lĩnh vực cho vay tín chấp ẩn chứa nhiều rủi ro dẫn đến nợ xấu của VPBank có xu hướng cao hơn so với các ngân hàng với mô hình kinh doanh truyền thống.
Lợi nhuận sau thuế giai đoạn 2010-2019 của VPBank. (Đồ hoạ: Phúc Minh).
Cụ thể, tỉ lệ nợ xấu nội bảng hợp nhất tính đến hết tháng 6/2019 của VPBank ở mức khoảng 3,43%. Trong đó, nợ xấu của ngân hàng mẹ lại tăng đến 17% so với đầu năm, ở mức 5.370 tỉ đồng, khiến tỉ lệ nợ xấu tăng lên mức 2,89%, do ngân hàng đã thu hồi một phần trái phiếu VAMC về nội bảng.
Nhóm nghiên cứu của VCBS cho rằng VPBank sẽ gặp một loạt rủi ro sắp tới có liên quan trực tiếp đến công ty tài chính FE Credit này.
Theo đó, VPBank xác định cho vay tín chấp vẫn là phân khúc chiến lược của ngân hàng. Tuy nhiên, chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank cho rằng điều này có thể kéo theo sự gia tăng của rủi ro tín dụng, nợ xấu và các yêu cầu về quản trị.
"Chúng tôi đánh giá chất lượng tài sản của VPBank không tích cực, dựa trên các chỉ tiêu về phân loại nợ và đảm bảo an toàn hoạt động của ngân hàng. Vì vậy, VPBank sẽ tăng cường trích lập dự phòng rủi ro và tăng sử dụng dự phòng, để xoá nợ trong những năm tới, khi quy mô tín dụng tăng lên cùng với việc mở rộng cho vay tín chấp", chuyên gia của VCBS khẳng định.
Theo đó, trích lập dự phòng cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của VPBank và hạn chế khả năng tăng trưởng của ngân hàng trong dài hạn.
Chuyên gia của VCBS cũng nhận định tăng trưởng mạnh cho vay tiền mặt sẽ là con dao hai lưỡi, một mặt giúp FE Credit nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần và hưởng mức lãi suất cho vay cao, nhưng mặt khác đang gia tăng nhanh mức độ rủi ro tín dụng.
Nguyên nhân đây là các khoản vay kì hạn dài và không xác định được mục đích sử dụng.
Thực tế nửa đầu năm nay, thu hồi từ nợ đã xóa tại FE Credit giảm mạnh so với những năm trước, cho thấy rủi ro của việc cho vay tiền mặt đang diễn biến tiêu cực hơn, khi công ty tài chính tiêu dùng không thể thu hồi phần lớn nợ xấu đã xóa khỏi bảng cân đối.
Về yếu tố chính sách, VCBS cho rằng dự thảo sửa đổi Thông tư 43/2016 của Ngân hàng Nhà nước đang thắt chặt hoạt động cho vay tiền mặt, vốn tiềm ẩn rủi ro của công ty tài chính tiêu dùng.
Đồng thời, NHNN cũng giới hạn tỉ lệ cho vay bằng tiền mặt tối đa của công ty tài chính ở ngưỡng 30%.
Chuyên gia của Công ty Chứng khoán Vietcombank khẳng định trường hợp thông tư mới được ban hành và không có quá nhiều sửa đổi, đây sẽ là bất lợi lớn cho các công ty tài chính, đặc biệt là FE Credit - "con gà đẻ trứng vàng" hiện nay của VPBank.
Kinh doanh 13:27 | 16/11/2019
Kinh doanh 16:50 | 29/10/2019
Kinh doanh 21:51 | 26/10/2019
Kinh doanh 15:55 | 25/10/2019
Kinh doanh 05:58 | 25/10/2019
Kinh doanh 22:50 | 14/10/2019
Kinh doanh 10:23 | 14/09/2019
Kinh doanh 16:13 | 05/08/2019