Một nhà có hai anh em đạt điểm khổi C cao ngất ngưởng ở Hà Tĩnh | |
Thủ khoa khối C toàn quốc là con gia đình diêm dân ở Hà Tĩnh |
Những ngày này, thôn Bố Lang, xã Sơn Thái, huyện miền núi Khánh Vĩnh, tỉnh Khánh Hòa, đi đâu người ta cũng bàn chuyện Hà Manh – cậu bé mồ côi đậu tú tài và có điểm Văn đứng đầu và tổng điểm cao nhì Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa.
Bởi ở thôn nghèo Bố Lang, phần đông là người T’Rin (một nhánh nhỏ của dân tộc Cơ Ho), trẻ nhỏ lớn lên trên lưng cha mẹ rồi vào nương làm rẫy, trồng ngô, trồng sắn… lớn thì gả chồng, dựng vợ. Chữ nghĩa đối với họ là xa xỉ.
Hà Manh thí sinh dân tộc T'Rin được 9,25 điểm môn Văn trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. (Ảnh: Khải An) |
Ngay cả gia đình Hà Manh có 7 anh chị em nhưng 6 anh chị của cậu chưa ai học hết cấp hai. Vậy nên chuyện cậu đậu tú tài, á khoa môn Văn toàn tỉnh cũng như có nhiều khả năng đậu đại học trở thành niềm hãnh diện của những người T’Rin.
Trong căn nhà cấp 4 siêu vẹo rộng chừng 30m2 nhưng đầy ắp tiếng cười, bà A Khía mẹ của Hà Manh cười hiền: “Anh nó ở Lâm Đồng nghe tin em thi điểm cao đã về chúc mừng. Ngày nó biết điểm nó mừng lắm, nhảy múa và la hét còn chúng tôi mừng đến rơi nước mắt”.
Theo các anh chị Hà Manh, năm 2007 vì bệnh nặng người cha là trụ cột chính trong gia đình đã qua đời. Cuộc sống gia đình họ rất khó khăn nên được xã Sơn Thái xếp vào diện hộ nghèo.
“Cha mất đó là cú sốc đối với anh em chúng tôi. Nhà thì đông anh em, miếng ăn còn không đủ thì lấy đâu tiền đi học. Anh em chúng tôi đành nghỉ học đi rẫy, làm thuê phụ mẹ trang trải cuộc sống. Nhường hết cơm gạo bán lấy tiền cho thằng út đi học”, anh Hà Banh, anh trai Hà Manh nhớ lại.
Dù niềm vui đạt điểm cao nhưng khi kể về hoàn cảnh của mình Hà Manh không dấu được nỗi buồn.
Cô Trần Thị Thúy Hằng - giáo viên chủ nhiệm lớp 12A của Hà Manh, cho biết: "Từ khi hay tin em đạt điểm cao môn Văn thầy cô rất vui mừng. Tuy nhiên, đó cũng không phải quá bất ngờ, bởi Hà Manh nắm kiến thức rất vững. Trên lớp, em là một học sinh ngoan, chịu khó đọc sách vở và có học lực giỏi". |
Cậu kể, năm học lớp 9 (năm 2012), mẹ đau nặng phải nhập viện. Cả nhà bán hết thóc lúa để lấy tiền chăm sóc cho mẹ. Khi đó ở nhà thậm chí không có cơm mà ăn.
“Để lo cho mẹ, gia đình em phải vay nhà nước tiền hộ nghèo thêm 5 triệu đồng, đến nay vẫn chưa trả xong. Khi đó cứ đi học về là lên bệnh viện chăm mẹ.
Nhìn mẹ sức khỏe yếu quá, em nói với anh nghỉ học đi làm phụ gia đình mà anh chị không chịu. Anh chị động viên em tiếp tục học để có cơ hội thoát nghèo và đó cũng là động lực giúp em chăm chỉ học tập”, Hà Manh nhớ lại.
Được gia đình động viên, vào cấp 3, cậu theo học tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa tại TP Nha Trang.
Mỗi lần đi học phải nhờ người chở lên trung tâm thị trấn huyện Khánh Vĩnh rồi bắt xe buýt về Nha Trang. Đường đi xa xôi, không có phương tiện nên mỗi tháng em chỉ về thăm nhà một lần.
“Chi phí ăn uống, học tập đã có nhà trường lo, còn phí sinh hoạt thì được anh chị gom góp cho mỗi tháng khoảng 500 ngàn đồng. Tiền này chủ yếu để mua sách tham khảo chớ không dám ăn tiêu gì”, Manh cười hiền.
Chia sẻ về cách học Văn, chàng trai người T’Rin bảo không có bí quyết gì đặc biệt, chủ yếu mình cảm nhận được mọi thứ xung quanh dù nhỏ nhất để có thái độ nghiêm túc.
Em học không tràn lan mà chia ra từng giai đoan cụ thể. Ngoài sách vở, em có thêm sổ ghi chép lại những kiến thức giáo viên giảng, khi trở về thì đọc lại thêm đôi lần để ghi nhớ.
Sát kỳ thi THPT quốc gia dành thời gian nhiều hơn để tìm các bài giảng trên mạng nghe và tìm làm đề từ dạng trung bình đến khó để làm thử, đo thời gian như đang làm bài thật”, Hà Manh chia sẻ.
Manh cũng cho biết ngày ở trường phổ thông dân tộc nội trú Khánh Hòa, trừ thời gian giờ học ở trường, mỗi sáng cậu thức dậy sớm và ngủ muộn hơn để học bài và rất thích đọc sách.
Cậu cũng cho biết, vào các kỳ nghỉ hè, Tết đều xin mẹ cho đi làm thêm. Số tiền ấy, cậu dành mua sách và mua quà tặng mẹ.
Nói rồi, cậu móc trong túi chiếc điện thoại thông minh đã bạc màu khoe: “Đây là kết quả 3 tháng hè, em làm thêm được hơn 2 triệu đã quyết định mua chiếc điện thoại này để lên mạng đọc thêm các tài liệu và nghe bài giảng cho tiện”.
Hà Manh bên người mẹ tần tảo nuôi 7 người con. (Ảnh: Khải An) |
Chàng trai người dân tộc thiểu số cho biết, em chọn thi khối C được 21,5 điểm. Trong đó, Văn được 9,25, Địa 7,25, Sử 5 cộng với 2 điểm ưu tiên được 23,5 hy vọng đậu vào ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành – Đại học Đà Lạt.
“Em ước mơ trở thành người hoạt động trong lĩnh vực du lịch, rồi trở về Nha Trang làm việc để gần với gia đình", Hà Manh tâm sự.
Ngồi cạnh cậu con trai, bà Khía chỉ mới 60 tuổi nhưng dáng người khắc khổ, đượm nét tần tảo của người phụ nữ một mình nuôi 7 người con, ánh mắt bà lúc ánh lên niềm vui tự hào, khi lại nhìn xa xăm để cố dấu nỗi lòng.
Gặn hỏi bà mới chịu thổ lộ: “Nghe con thi được điểm cao và có thể đậu đại học, mừng vui khôn xiết mà cũng lo không thể tả. Nhà nghèo quá, không biết lấy gì cho con học tiếp đại học”.
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiếu - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Khánh Hòa cho biết, rất nhiều thầy cô trong trường đã gọi điện chúc mừng Hà Manh. Em là niềm tự hào của nhà trường khi có điểm văn cao nhất trường, tổng các điểm thi cao nhì trường. |
Nam sinh trường huyện ở Bắc Ninh là thủ khoa khối A cả nước
Vương Xuân Hoàng ban đầu thất vọng khi không có môn nào đạt điểm trọn vẹn, nhưng tổng điểm 29,05 giúp em đạt mục tiêu ... |
Thí sinh điểm 9, 10 chia sẻ 'bí kíp' học, thi
Kỳ thi THPT quốc gia 2018 có khá nhiều điểm thấp, thậm chí là điểm liệt, nhưng vẫn có những thí sinh đạt điểm 9, ... |
Nam sinh Đà Nẵng đạt điểm cao nhất môn Hóa, Sinh mơ ước thành bác sĩ
Ở kỳ thi THPT quốc gia 2018, thí sinh Nguyễn Phú Nghĩa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) đạt 10 điểm môn Hóa ... |