Vừa qua, hai đoạn clip rò rỉ liên quan tới hành động bạo hành trẻ em đã khiến cư dân mạng rúng động, bất bình, sôi sục. Theo đó, clip này quay lại cảnh một người đàn ông dùng nhiều cách để hành hạ một trẻ nhỏ, thậm chí người này có dùng dùng roi điện để chích nhiều nơi trên cơ thể em và dùng kẹp giấy để kẹp ngón tay, ngón chân cũng như nhiều bộ phận khác trên cơ thể em bé đáng thương.
Khi bị chích roi điện, em bé la khóc thất thanh, tỏ ra bất lực và chỉ biết giãy giụa trên mặt đất.
Cũng theo nội dung clip, khi bị người đàn ông hành hạ bằng kẹp giấy, em bé tỏ ra mạnh mẽ hơn khi dùng hết sức bật chiếc kẹp giấy ra khỏi tay, chân của mình,… Tuy nhiên, người đàn ông trong clip còn dùng thêm nhiều cách khác để hành hạ em.
Vậy trường hợp này, những người có hành vi bạo lực đó có thể bị xử lý thế nào, pháp luật quy định ra sao để bảo trẻ em?
Độc giả: Hải Duyên
Em nhỏ bị bạo hành bằng roi điện - Ảnh: Dân Việt |
Ai được phép sử dụng súng bắn đạn cao su? | |
Thanh niên dùng súng đồ chơi tấn công ngân hàng có thể bị xử lý ra sao? |
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:
Tùy theo động cơ, mục đích và mức độ nghiêm trọng của hậu quả để lại, người thực hiện bạo hành trẻ em có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính (bồi thường tiền) hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (ngồi tù, chung thân, tử hình). Cụ thể:
Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 thể hiện rõ quan điểm tôn trọng và bảo vệ các quyền trẻ em:
Trẻ em được gia đình, nhà nước và xã hội tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự”, “Mọi hành vi vi phạm quyền của trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em đều bị nghiêm trị theo quy định của pháp luật.
Hành vi ngược đãi, hành hạ trẻ em là một trong những hành vi bị nghiêm cấm. Hành vi này được hướng dẫn tại Điều 8 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số quy định của luật, bao gồm:
+ Xâm phạm thân thể, đánh đập, đối xử tồi tệ đối với trẻ em. Bắt trẻ em nhịn ăn uống, mặc rách, hạn chế vệ sinh cá nhân; giam hãm trẻ em. Bắt trẻ em sống ở nơi có môi trường độc hại, nguy hiểm.
+ Gây tổn thương về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng nhục, chửi mắng, đe dọa, làm nhục, cách ly, xao nhãng ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ em.
+ Dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em, làm trẻ em tổn thương, đau đớn để thể xác và tinh thần.
+ Thường xuyên đe dọa trẻ em bằng các hình ảnh, âm thanh, con vật, đồ vật làm trẻ em sợ hãi, tổn thương về tinh thần.
Theo quy định tại Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em, những hành vi được liệt kê cụ thể như trên có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, pháp luật đã quy định hành vi bạo hành trẻ em sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với một trong các tội sau:
– Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe đối với trẻ em với mức phạt tù cao nhất là 3 năm (theo điểm d khoản 1 Điều 104 Bộ luật Hình sự (BLHS) quy định).
– Tội vô ý làm chết người với mức phạt tù cao nhất là 5 năm (theo khoản 1 Điều 98 BLHS quy định).
– Tội giết trẻ em với mức phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình (theo điểm c khoản 1 Điều 93 BLHS quy định).
Ngoài ra, người thực hiện hành vi hành hạ, ngược đãi đối với trẻ em còn phải bồi thường cho cha mẹ hoặc người giám hộ của các bé số tiền để bù đắp những tổn thất vật chất thực tế và tổn thất tinh thần.
Hãy cùng chung tay che chở và lên tiếng tố cáo những hành vi bạo hành trẻ em nhằm gìn giữ những hồi ức đẹp đẽ cho trẻ thơ, xây dựng một tương lai tốt đẹp và yêu thương!
Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng. |
Luật gia Đồng Xuân Thuận