Th.S Phạm Mạnh Hải (Đại học điện lực) nhận định, thời điểm nắng nóng gay gắt cũng là lúc hoá đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng vọt do sử dụng nhiều thiết bị điện để làm mát, trong đó có điều hoà. Tuy nhiên, việc sử dụng điều hoà đúng cách để tiết kiệm điện năng không phải ai cũng biết.
Tiết kiệm điện năng khi sử dụng điều hòa nhờ các mẹo nhỏ. (Ảnh minh họa).
Theo ông Phạm Mạnh Hải, người dùng có thể sử dụng điều khiển để chuyển chế độ lạnh từ Cool (hơi lạnh, hình ảnh biểu thị là bông tuyết) sang chế độ Dry (trừ ẩm, hình ảnh biểu thị là giọt nước). Ở chế độ Dry, điều hòa sẽ hút hơi ẩm ra ngoài, không khí trong phòng sẽ trong lành, khô ráo hơn nên mức tiêu thụ điện năng ít hơn chế độ làm mát.
Ông Hải cho biết, thao tác đơn giản này sẽ giảm công suất tiêu thụ điện của điều hòa gần 10 lần. Đồng thời, sẽ hạn chế sốc nhiệt bởi nhiệt độ phòng sẽ không thấp quá 23 độ C và không dao động lớn với nhiệt độ bên ngoài.
Ngược lại, khi để hoạt động ở chế độ Cool, điều hòa sẽ lấy nhiệt nóng từ trong phòng đẩy ra cục nóng bên ngoài, giúp làm giảm nhiệt độ, làm mát không khí trong phòng nên điện năng tiệu thụ cần khá nhiều.
Th.S Thịnh cho biết, nhiều người có thói quen để nhiệt độ lạnh sâu, chờ cho phòng thật mát hoặc thường tắt điều hòa và bật quạt, đến khi cảm thấy nóng thì lại mở điều hoà trở lại. Đây là thói quen sai lầm gây tốn điện và nhanh hỏng máy.
Thêm vào đó, sau khi không sử dụng, người dùng nên dùng điều khiển từ xa để tắt máy và ngắt luôn Aptomat (công tắc nguồn) bởi khi tắt bằng điều khiển, máy vẫn tiêu thụ điện ngầm.
Một trong những phương pháp hữu dụng để tiết kiệm điện năng khi sử dụng điều hòa là nút hẹn giờ trên điều khiển từ xa. Ông Hải cũng khuyên người tiêu dùng sử dụng chế độ hẹn giờ của máy điều hòa để lựa chọn thời gian tắt, nhất là vào ban đêm. Thao tác hẹn giờ điều hòa không chỉ đảm bảo người dùng không bị lạnh về đêm và gần sáng mà còn có thể tiết kiệm điện một cách hiệu quả.
"Không nên bật điều hòa 24/24 kể cả trong những ngày nóng nhất bởi bật điều hòa liên tục cả ngày sẽ gây hại cho sức khỏe do không khí không được lưu thông , đồng thời độ ẩm trong phòng bị giảm đi khá lớn", Th.S Hải khuyến cáo.
Do đó, người dùng nên tắt điều hòa, sử dụng quạt thay thế vào những thời điểm không quá nóng trong ngày. Cách sử dụng này giúp không gian phòng thông thoáng hơn; đồng thời, tiết kiệm điện năng đáng kể cho các hộ gia đình. Nếu kết hợp với quạt gió và để để một chậu nước mát sẽ giúp nâng cao hiệu quả sử dụng vì quạt giúp lưu thông khí mát trong phòng.
Nếu phòng có khe hở, sử dụng điều hòa sẽ không thể mát nhanh và dễ bị thất thoát không khí lạnh ra ngoài. Với những loại máy cũ đã sử dụng lâu, việc không khí lạnh bị lọt ra ngoài từ kẽ hở sẽ khiến máy luôn hoạt động công suất cao.
Để giảm thiểu điều này, ông Hải cho biết, có thể tự kiểm tra bằng cách ra bên ngoài đặt tay vào cửa sổ, các kẽ hở của cửa ra vào, sau đó bịt kín các kẽ hở bằng keo, giấy, bìa cứng nếu phát hiện không khí trong phòng điều hòa bị lọt ra ngoài.
Sử dụng rèm cũng có tác dụng trong việc giảm nhiệt độ của căn phòng, đặc biệt là các loại rèm lớp cản nắng giúp ngăn chặn ánh nắng chiếu trực tiếp vào phòng, làm tăng nhiệt độ, đồng thời cũng ngăn cách cửa sổ tránh không khí trong nhà thất thoát ra ngoài.
Trước khi mua điều hòa, người dùng nên lưu ý chọn công suất cho phù hợp với căn phòng của mình.
"Nhiều gia đình có phòng rộng nhưng lại chọn điều hòa công suất bé do không đủ tiền để mua loại công suất lớn hoặc sợ công suất lớn sẽ tốn điện song, nếu chọn đúng công suất thì sẽ tiết kiệm điện nhiều hơn", ông Hải phân tích.
Theo chuyên gia về điện, với những phòng có diện tích dưới 15m2, người dân nên dùng loại điều hòa 9.000 BTU; phòng từ 15 - 20m2 dùng 12.000 BTU; phòng trên 20m2 nên dùng điều hòa 18.000 BTU.
"Với các hộ gia đình dùng nhiều và dùng thường xuyên trong khoảng thời gian dài thì nên chọn các dòng Inverter tiết kiệm điện còn khi dùng ít thì không cần thiết", ông Hải tư vấn.