Nấu bia nhiều gấp rưỡi: Xuất hiện cơn lốc 'ma men'?

Trong hai thập kỷ tới lượng bia sản xuất sẽ tăng gấp rưỡi so với năm 2015, liệu Việt Nam có trở thành quốc gia dẫn đầu về "ma men"? 

"Vô địch" châu Á

nau bia nhieu gap ruoi xuat hien con loc ma men

Bộ Công Thương vừa ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành bia, rượu, nước giải khát Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Mục tiêu sản xuất 4,1 tỷ lít bia trong vòng 5 năm tới; tăng lên 4,6 tỷ lít vào năm 2025 và 5,6 tỷ lít vào năm 2035. Riêng sản lượng sản xuất rượu vẫn giữ nguyên ở ngưỡng 350 triệu lít, song sẽ tăng dần tỷ trọng sản xuất công nghiệp từ 30% lên 50%.

Theo các thông kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong hai thập niên qua tương đối cao, nhưng vẫn không theo kịp tốc độ tăng trưởng rượu bia, khoảng 12%/năm. Lợi nhuận thu được trước mắt đã khiến nhiều ngành, nhiều địa phương ra sức đầu tư vào lãnh vực rượu, bia.

Hiện có khoảng 30 thương hiệu bia trong và ngoài nước với hơn 400 nhà máy sản xuất bia trải dài trên dải đất hình chữ S. Đó là chưa kể phần rượu đang trên đà phát triển với việc xuất hiện nhiều thương hiệu mới cùng khoảng 200 triệu lít rượu nấu được sản xuất từ các lò thủ công tại địa phương.

nau bia nhieu gap ruoi xuat hien con loc ma men
Nhiều nhà máy bia liên tục được xây dựng tại Việt Nam. Ảnh: Khởi công xây dựng nhà máy bia Tiền Giang. Nguồn : DESCON

Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát (VBA) cho thấy, năm 2015 người Việt đã uống 3,4 tỷ lít bia, tăng gần 41% so với năm 2010 và dự báo sẽ tăng lên 4,4 tỷ lít bia trong 2016. Hiện Việt Nam là quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á, đứng thứ 3 châu Á (sau Nhật, Trung Quốc) và nằm trong top 25 của thế giới.

Với Quyết định vừa ban hành nhiều khả năng Việt Nam sẽ dẫn đầu châu Á về tiêu thụ bia rượu vào năm 2025 và lọt vào top 10 thế giới. Nhưng nghịch lý ở chỗ, lượng rượu bia trung bình sử dụng trên thế giới không tăng trong 10 năm qua nhưng ở Việt Nam lại tăng trưởng theo chiều “thẳng đứng”.

Trong khi đó, tính về tổng thu nhập quốc nội và thu nhập bình quân đầu người, Việt Nam chỉ xếp thứ 8/10 các nước trong khu vực Đông Nam Á, xấp xỉ 2.000 USD/năm. Đặc biệt, năng suất lao động của Việt Nam theo công bố của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) hiện đang ở mức thấp so với các nước ASEAN - 6 (các nước phát triển hơn trong ASEAN) và ở vị trí chót bảng so với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, chỉ bằng 1/5 lao động Malaysia, 2/5 Thái Lan và 1/15 Singapore. Tại các quốc gia dẫn đầu về năng suất lao động hiệu quả đều không có tên trên bảng xếp hạng “quán quân” tiêu thụ rượu bia.

Nhiều rủi ro

nau bia nhieu gap ruoi xuat hien con loc ma men
Khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia và đang có xu hướng gia tăng.

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, khoảng 40% số vụ TNGT và 11% số người chết do tai nạn liên quan rượu, bia và đang có xu hướng gia tăng. Riêng khảo sát của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trên hơn 18 nghìn nạn nhân nhập viện do TNGT tại Việt Nam có 36% số người lái xe máy có nồng độ cồn trong máu vượt ngưỡng cho phép, 66,8% số người lái xe ô tô vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện (36,2% do nam giới và 0,7% ở nữ giới). WHO cho biết thêm 68% số vụ bạo lực gia đình có nguyên nhân do sử dụng rượu, bia.

Tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, thiệt hại do tai nạn giao thông liên quan tới rượu bia ở Việt Nam gây thiệt hại khoảng trên dưới 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi mức đóng góp cho ngân sách nhà nước của ngành sản xuất rượu bia, nước giải khát mỗi năm khoảng trên 16.000 tỷ đồng (tương đương 800 triệu USD). Như vậy, chi phí tiêu thụ rượu bia nhiều gấp 4 lần mức đóng góp của ngành này cho ngân sách nhà nước.

Đó là chưa kể vô số những tác hại của rượu bia đối với sức khỏe con người. Số liệu thống kê của WHO cho thấy, rượu, bia gây hậu quả nghiêm trọng, thậm chí gây tử vong với những người mắc bệnh không lây nhiễm như: Bệnh tim mạch, đái tháo đường và ung thư; tiếp theo là chấn thương (chủ yếu là tai nạn giao thông) và bệnh đường xơ gan. Riêng Cục Y tế dự phòng đã nêu rõ tác hại rượu, bia chủ yếu là do chất cồn (ethanol) trong đồ uống gây ra là nguyên nhân trực tiếp gây ít nhất 30 bệnh và nguyên nhân gián tiếp gây 200 loại bệnh tật, chấn thương.

nau bia nhieu gap ruoi xuat hien con loc ma men
Bia rượu gây nhiều tác hại trên cơ thể người. Ảnh: DREAMSTIME

Bên cạnh những tác hại về mặt sức khỏe, một điều nghịch lý mà chúng ta ít để ý là hàng triệu nông dân lao động cần cù để có thể xuất khẩu bình quân mỗi năm khoảng 3 tỷ USD lúa gạo. Đó cũng là con số giúp chúng ta trở thành một trong những quốc gia hàng đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu mặt hàng lương thực quan trọng này. Và, cũng chính người Việt, sẵn sàng tiêu hết bằng ấy tỷ USD chỉ cho mỗi việc uống bia rượu.

Đáng buồn hơn, một nghiên cứu của Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam cho chỉ ra, trong khi những người uống rượu bia ở các gia đình sống dưới ngưỡng nghèo uống 2 cốc rượu bia/5 ngày thì trẻ em trong các gia đình này chỉ được uống chưa đến một cốc sữa/năm. Và nếu quy đổi lượng bia trên ra sữa thì con em của những gia đình này sẽ được 3 cốc sữa/ngày.

Chúng ta vẫn đang ca thán về năng suất lao động thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, rủi ro dẫn đến tai nạn giao thông cao khi ra đường và những bệnh tật mắc phải. Nhưng chúng ta vẫn đang vô tư uống rượu, bia quá độ - một trong những nguyên nhân chính. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng nên nhìn vào nguồn thu ngân sách từ rượu, bia để đối chiếu với tổng thiệt hại tính bằng tiền do rượu bi trực tiếp gây ra.

Việt Nam sẽ tăng lượng nấu bia lên 1,5 lần trong 20 năm tới và nhiều khả năng sẽ dẫn đầu châu Á về tiêu thụ mặt hàng này nhưng tất cả sẽ là gì nếu điều đó có thể sẽ kéo đất nước và con người Việt Nam chậm phát triển.

“Hiện có đến 77,3% nam giới và 11% nữ giới sử dụng rượu bia. Trong số đó có 44,2% số người sử dụng rượu, bia ở mức nguy hại cho sức khỏe và đang có hiện tượng trẻ hóa. Tuy tần suất uống rượu bia có giảm nhưng số lượng rượu bia được sử dụng lại gia tăng. Tuổi càng cao số lần uống rượu bia càng tăng (1,9% ở nam giới trong độ tuổi 18-29 và 31% đối với người trong độ tuổi 50-69 uống rượu, bia hàng ngày). Nhóm trẻ tuy uống ít lần hơn so với người già nhưng số lượng uống mỗi lần của họ lại nhiều hơn. 45% số người sử dụng rượu bia lái xe trong vòng 2 giờ đồng hồ sau uống, gây ra những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng”, số liệu được nêu trong kết quả nghiên cứu về thực trạng sử dụng rượu, bia tại Việt Nam và dự án Luật phòng, chống tác hại của bia rượu.
chọn
Hiện trạng khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc sau 30 năm quy hoạch
Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc được quy hoạch từ năm 1994, có vị trí tại phường An Phú, TP Thủ Đức. Cùng xem hiện trạng dự án này sau 30 năm quy hoạch.