Nên lập web tuyển dụng cho sinh viên ngành sư phạm

Nếu cần tạo sự công bằng trong tuyển dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức một kỳ thi tuyển công chức theo kiểu Staatsexamen như một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan đang làm.

Thật là một sự trùng hợp. Câu chuyện về cô sinh viên Bùi Thị Hà làm tôi nhớ đến bài trên báo Tuổi Trẻ cách đây đúng 7 năm, đề cập đến em sinh viên Sóc Non, sau khi tốt nghiệp phải đi cạo hạt điều để kiếm sống.

Sóc Non chính là sinh viên của lớp mà tôi làm cố vấn học tập. Lúc đó tôi rất xót xa khi biết được tình cảnh học trò của mình. Cho đến hôm nay, khi chứng kiến câu chuyện về một em sinh viên tốt nghiệp thủ khoa không được tuyển dụng, tôi cũng không ngạc nhiên gì lắm.

Câu chuyện về cô sinh viên trên có lẽ đã khác nếu cô bé đó không là thủ khoa. Khác ở đây sẽ diễn ra theo 2 hướng: cô bé đó sẽ nỗ lực tìm kiếm các con đường khác nhau để thực hiện giấc mơ được đứng trên bục giảng, hoặc lặng lẽ thu xếp hành trang sách vở và cất tấm bằng sư phạm vào và tìm kiếm cho mình một kế sinh nhai phù hợp với hoàn cảnh mà không phải trông chờ vào biên chế của ngành sư phạm.

Tôi hiểu vì sao cô bé đó trông chờ vào "biên chế": vì nghĩ rằng mình xuất sắc và đáng được trọng dụng. Tôi giảng dạy tại một trường sư phạm đã 10 năm, chứng kiến nhiều sinh viên của mình tốt nghiệp mà không thực hiện được ước mơ đứng trên bục giảng. Nguyên nhân rất nhiều, từ chuyện phải "chạy" biên chế cho đến chuyện chế độ đãi ngộ đối với nghề giáo.

Trong khuôn khổ bài này, tôi không dám đề cập đến tiêu cực vì tôi không biết chuyện đó có thật sự diễn ra hay không. Nhưng tôi xin mạn phép góp ý về cách thức tuyển dụng nhà giáo sao cho hợp lý.

nen lap web tuyen dung cho sinh vien nganh su pham

Tìm việc trên mạng là hướng đi của nhiều người trẻ hiện nay - Ảnh: CPL

Hiện tại, đào tạo ra mà không sử dụng là chúng ta đang thực sự lãng phí nguồn lực trong đào tạo sư phạm. Chuyện này đã diễn ra từ rất nhiều năm nay rồi.

Nên chăng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên đóng vai trò chủ động hơn trong việc tuyển dụng giáo viên, bằng cách yêu cầu các trường thống kê và báo cáo nhu cầu tuyển dụng giáo viên của từng trường.

Sau đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng hợp báo cáo từ các trường trong toàn quốc, và đưa thông tin lên website chính thức của bộ ở mục tuyển dụng. Nhờ đó, các giáo sinh, các sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm có thể dựa theo thông báo đó để đăng ký tuyển dụng.

Thậm chí, nếu cần tạo sự công bằng trong tuyển dụng, Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể tổ chức một kỳ thi tuyển công chức theo kiểu Staatsexamen một số nước châu Âu như Đức, Hà Lan đang làm, cho sinh viên tốt nghiệp ngành sư phạm trong năm đó và dựa vào kết quả thi đó mà phân công nhiệm sở cho giáo sinh.

Những người có kết quả xuất sắc trong kỳ thi có quyền được lựa chọn trường mà mình muốn công tác. Những người có kết quả thi tuyển thấp hơn sẽ có ít sự lựa chọn hơn.

Ý kiến của tôi có thể vấp phải phản ứng từ các bạn đọc, lo sợ có tiêu cực trong việc tổ chức thi tuyển, hoặc việc thi tuyển sẽ tạo áp lực thêm cho giáo sinh. Nhưng theo tôi, nếu mọi việc tiến hành một cách minh bạch, tiêu cực sẽ rất khó xảy ra.

Suy cho cùng, nghề giáo là một nghề quan trọng trong cách nghề quan trọng khác như bác sĩ, luật sư… nên việc tổ chức một kỳ thi tuyển dụng giáo viên theo kiểu Staatsexamen là việc nên làm, cũng giúp bỏ những câu chuyện như câu chuyện của cô bé thủ khoa chăn lợn.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.