LTS: Trong những ngày qua, dư luận đã bày tỏ sự quan tâm đến việc một số cơ quan Nhà nước đã trả lại xe cho doanh nghiệp như Cà Mau, Đà Nẵng (trước đây Ninh Bình cũng đã từng từ chối nhận quà tương tự).
Đối với những sự việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã yêu cầu kiểm tra, làm rõ. Để có những góc nhìn đa dạng hơn trong vấn đề doanh nghiệp tặng quà (tặng xe nói riêng) cho các cơ quan Nhà nước, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm thường trực Uỷ ban Kiểm tra Trung ương.
Ông Vũ Quốc Hùng - nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban kiểm tra Trung ương (Ảnh: Tuấn Nam) |
PV: Là người từng công tác ở Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, ông đánh giá như thế nào về hiện tượng doanh nghiệp tặng xe cơ quan công quyền trong thời gian vừa qua?
Ông Vũ Quốc Hùng: Với tư cách là một công dân, một Đảng viên, khi nghe dư luận nêu vấn đề này, tôi thấy đó là những bước tiến của dân chủ xã hội. Cụ thể là mọi việc làm trong xã hội, xử lý các mối quan hệ được đưa lên trước công luận để bàn luận.
Còn việc đó đúng sai như thế nào để bình tĩnh, bình luận, qua đó rút ra bài học gì trong công tác quản lý để xử lý các mối quan hệ xã hội khi đất nước đang tiến lên, khi nền kinh tế đang có những thay đổi?
Cụ thể từ việc tặng xe này, tôi cho rằng cần phải xem xét động cơ của việc này.
Thứ hai là xem xét về những việc làm sau khi tặng xe của cả hai bên. Ví dụ: Có việc gợi ý để tặng xe không? Vì sao lại cho? Động cơ cho để làm gì? Để cho thì đã làm những động tác gì? Nếu nói tặng xe để các đồng chí lãnh đạo đơn vị đi cho đỡ vất vả thì không ổn; Tặng xe để ưu đãi thì không ổn;...
Nếu cả hai bên (bên cho và bên nhận) có động cơ đúng thì cũng phải đặt lên bàn xem việc tặng xe như vậy có đúng không?. Theo tôi thì không nên như thế vì sẽ làm phức tạp thêm.
Hiện nay chúng ta có nhiều quỹ từ thiện, nếu các doanh nghiệp có lòng muốn giúp đỡ người khác thì trực tiếp đến giúp đỡ những người khó khăn, còn việc tặng xe cho chính quyền như vậy là không ổn dù có động cơ tốt.
Còn nếu có động cơ không tốt thì sự vụ lợi đã rõ ràng, không cần phải bàn luận thêm nữa.
Một trong hai xe Lexus GX460 được Công ty Công lý tặng cho tỉnh Cà Mau nhưng tỉnh đã trả lại món quà này (Ảnh: Tuổi trẻ) |
PV: Một số lý do được đưa ra về việc tặng xe như: tặng xe để các đồng chí lãnh đạo đơn vị đi cho đỡ vất vả; tặng xe để cơ quan nhà nước sử dụng vào mục đích thị sát, phòng chống lụt bão... đã được đưa ra.
Dư luận đặt ra câu hỏi: Nếu không có xe tặng của các doanh nghiệp thì các vị lãnh đạo đơn vị vất vả hơn, các công tác như phòng chống lụt bão không được làm tốt? Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi đã nói là không thể trả lời cho lý do tặng xe như vậy được. Dù việc tặng xe có động cơ đúng thì cũng không nên làm như vậy vì việc tặng đó là không đúng chỗ, không đúng cách.
PV: Tại thời điểm còn công tác, ông đã từng xử lý những vụ việc trong đó có tình tiết "tặng xe"?
Ông Vũ Quốc Hùng: Tôi không còn nhớ rõ cụ thể từng vụ việc nhưng trong quá trình Uỷ ban kiểm tra làm việc thời điểm tôi còn công tác thì việc này là không phổ biến. Và dù có thì trong tâm thức của những người làm công tác kiểm tra như chúng tôi cũng không chấp nhận việc đó.
PV: Quyết định số 64 đối với việc tặng và nhận quà của cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước đã quy định rất rõ. Tuy nhiên, qua một số sự việc doanh nghiệp tặng xe cho cơ quan công quyền vẫn khiến dư luận đặt ra những câu hỏi về mục đích của tặng xe cũng như giá trị của xe. Theo ông, việc dư luận đặt ra những câu hỏi như vậy có chính đáng?
Ông Vũ Quốc Hùng: Nếu có hiện tượng giảm giá trị xe để hòng phù hợp hoá việc tặng những xe có giá trị vượt quá quy định hoặc cơ quan công quyền biết rõ chiếc xe có giá trị lớn hơn giá trị được Chính phủ quy định mà vẫn nhận thì rõ ràng là sai.
Vì giá trị của xe là công khai trên thị trường nên khi bất kỳ doanh nghiêp nào tặng xe cho các cơ quan công quyền thì dư luận đều có thể đặt ra nghi vấn về mục đích cũng như tính phù hợp quy định của Chính phủ trong việc tặng cho - nhận này.
PV: Như ông vừa nói, dù trong bất kỳ trường hợp nào doanh nghiệp tặng quà nói chung và tặng xe nói riêng cho cơ quan công quyền dù không có động cơ gì thì cũng có thể tạo hiểu lầm thì quy định về việc nhận quà có nên được siết chặt hơn?
Ông Vũ Quốc Hùng: Bây giờ, mọi việc làm trong các mối quan hệ xã hội, tôi nghĩ rằng đều không nên làm phức tạp thêm vấn đề và nên xây dựng thành văn hoá cho nhận quà tặng, quà tặng không mang tính vụ lợi. Nói vậy thì dễ nhưng thực tế là cần thiết và việc thực hiện cũng không đơn giản.
Tôi cho rằng trừ những trường hợp đã được Chính phủ quy định như đối tượng chính sách hay người có công với cách mạng thì những trường hợp khác nên xem xét thêm, siết chặt.
Những hình thức biến tướng của việc tặng quà như việc biếu, tặng là một trong những điều kiện để các cơ quan công quyền, các cán bộ thực hiện đúng chức trách của mình đều cần phải được ngăn chặn.
Việc này cũng nhằm ngăn chặn tình trạng hối lộ - nhận hối lộ bởi khi người ta hối lộ nhau chẳng ai nói thẳng là "tôi hối lộ anh" mà đương nhiên nó xuất hiện dưới các hình thức khác nhau trong đó có tặng, cho quà.
Xin cám ơn ông!