'Nếu bỏ được loa phường chúng tôi cảm ơn chính quyền lắm'

Nhiều người như được “trút bầu tâm sự” khi được hỏi về sự bất tiện do loa phường gây ra. Những chiếc loa phường được đặt trên những cây cột điện chỉ cao tầm 4 – 5m ngang với tầng 2, tầng 3 của nhiều ngôi nhà. Nhiều nơi chiếc loa được đặt ngay cạnh cửa sổ.

Loa phường xưa

loa phuong xua loa phuong nay
Loa phát thanh của Chính phủ Việt Nam DCCH kêu gọi nhân dân thủ đô bình tĩnh trước những khiêu khích của quân giặc trước thời điểm Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Ảnh tư liệu (Nguồn Dân trí)

Một người dân trên phố Nguyễn Siêu, Hoàn Kiếm chia sẻ: “Những chiếc loa cũng là dấu mốc của một thời kì lịch sử kháng chiến của dân tộc. Ngày xưa nếu không có những “ông loa” ấy thông báo mỗi khi có máy bay địch ném bom hay thông tin thời sự về chiến tranh thì dân mình cũng không biết thông tin gì.

Hơn nữa ngày trước đói nghèo làm gì có ti vi, đài báo gì đâu mỗi ngày chỉ được nghe loa phát thanh của phường phát các chương trình văn nghệ và các bài hát về kháng chiến, hồi đó mọi người yêu quý cái loa phường lắm.

Mặc dù thời điểm hiện nay tôi thấy những chiếc loa ấy không còn phù hợp với việc thông tin đến người dân nữa, nếu bỏ hãy giữ lại một vài cái hoặc đưa vào bảo tàng để lưu giữ để con cháu sau này còn biết đến một trong những minh chứng lịch sử của cha ông”.

Loa phường nay

loa phuong xua loa phuong nay
Những chiếc loa phường được đặt trên cột điện cao khoảng 3-5m ngang với tầng 2,3 của các ngôi nhà đang gây nhiều bất tiện cho cuộc sống người dân. Ảnh Chí Duy

Bà Hoàng Thị Mơm nhà ở Hàng Bè, Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: “Cứ tầm 6, 7 giờ sáng là mấy cái loa lại bắt đầu công việc “tra tấn” mọi người. Nhiều người công việc của họ phải làm ban đêm, sáng về ngủ mà không tài nào ngủ nổi với mấy chiếc loa này, kể cả cuối tuần nhiều người được nghỉ muốn ngủ thêm một chút buổi sáng cũng không yên. Nhà tôi cách mấy cái loa có hơn chục mét thôi nên nghe rõ lắm, mà thông tin phát trên loa thì có gì đâu chỉ có mỗi việc mà nhắc đi nhắc lại mãi đau hết cả đầu”.

Hằng ngày sống ngay dưới chân cột điện có gắn loa phường bà Vũ Tiến Đạt ở phố Đội Cấn, Ba Đình nói: “Mỗi khi mấy chiếc loa hoạt động là cả cái khu phố nhỏ này đinh tai nhức óc, âm lượng to tới mức mà mấy nhà trong tít cuối ngõ vẫn cảm thấy phiền hà. Thậm chí có người bảo tôi khi nào có thợ điện đến sửa điện thì nhờ họ cắt cái dây của loa đi cho đỡ đau đầu nhưng tôi không làm vì như thế là ảnh hưởng tới tài sản của nhà nước. Nhưng nếu bỏ được mấy chiếc loa này thì dân chúng tôi cảm ơn chính quyền lắm.”

loa phuong xua loa phuong nay
Cứ hai, ba trăm mét là lại gặp những chiếc loa phường công suất lớn. Ảnh Chí Duy

Ông Nguyễn Long Trọng ở phố Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy than phiền: “Kể mà giọng đọc của người phát thanh loa phường dễ nghe như mấy cô, chú phát thanh viên trên đài thì đỡ khổ cho dân biết mấy, hoặc ít ra nên đọc có tình cảm, cảm xúc một chút. Đằng này nghe mấy ông đọc trên loa ngang như cua, không có chút tình cảm nào nên không thể vào tai được.

Một nội dung thôi mà phát đi phát lại đến mức nhiều người thuộc từng câu chữ. Biết rằng loa phường có nhiệm vụ thông báo tin tức của địa phương nhưng giờ đây hầu như tất cả người dân đều biết chữ những thông báo đó nên ghi lên bảng thông báo của mỗi tổ dân phố thì tốt hơn, như thế vừa đỗ tốn kém, lại không gây phiền hà cho người dân”.

Được biết, loa phường hiện nay vẫn phát thanh những thông tin về tiêm phòng, lương hưu, lịch cắt điện, và một số bài hát mà người trông coi hệ thống loa phát thanh của phường chọn... Đến hẹn hàng năm thì thông báo về nghĩa vụ quân sự của các gia đình.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại sự phát triển của mạng internet, của truyền thanh, truyền hình và sự đa dạng thông tin trên các báo đài giúp họ tiếp nhận đủ lượng thông tin mà họ cần. Chính vì vậy nhiều người cho rằng sự tồn tại của những chiếc loa phường đang là thừa, không cần thiết, gây ô nhiễm tiếng ồn đến cuộc sống của nhiều người.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.