Nếu không có 'siêu' máy bơm, đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể ngập gần 1m

Giám đốc Trung tâm Quản lí hạ tầng kĩ thuật, Sở Xây dựng TP HCM đánh giá, nếu không có máy bơm, chiều sâu ngập đường Nguyễn Hữu Cảnh có thể từ 0,6 m đến 0,8 m trong trận mưa lớn ngày 14/9.

Ngày 20/9, Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức buổi Giao ban báo chí định kì (từ 13/9 đến 20/9). Đại diện Sở Xây dựng TP HCM và Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung đã trao đổi một số thông tin liên quan đến việc chống ngập tại khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh) trong trận mưa lớn ngày 14/9.

Theo đó, ông Vũ Văn Điệp - Giám đốc Trung tâm Quản lí hạ tầng kĩ thuật, Sở Xây dựng TP HCM cho biết, từ 17h45 đến 21h ngày 14/9, trên địa bàn thành phố xảy ra trận mưa lớn kéo dài (đặc biệt là ở khu vực đường Nguyễn Hữu Cảnh và quận 2), vũ lượng mưa đo được tại trạm Cầu Sài Gòn là 140,46 mm, vượt tần suất thiết kế của hệ thống thoát nước hiện nay khoảng 1,6 lần.

70503246_418252542381128_4103651881924952064_o

Hình ảnh xe chết máy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh vì ngập tối 14/9. (Ảnh: Zing.vn)

Với hiện trạng hệ thống thoát nước của tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh khẩu độ từ 400 mm, cống hộp 1,6m x 1,6m, tổng chiều dài 900 m. Hướng thoát ra sông Sài Gòn là hướng thoát duy nhất, hệ thống thoát nước này được hoàn thành từ 2008 và là khu vực nền đất yếu, đã bị lún cục bộ, đặc biệt là đoạn trước cao ốc The Manor, mặt đường trũng, bị lún khoảng hơn 1 mét, hệ thống thoát nước lại nằm sâu hơn dưới mặt đường nên khả năng thoát nước của đoạn đường này rất hạn chế. Khi xảy ra trận mưa từ 50 mm trở lên thì đường Nguyễn Hữu Cảnh sẽ ngập nước.

Vào năm 2016, tại thành phố đã xảy ra trận mưa đạt lưu lượng 159,6 mm, gây ngập nặng cho tuyến đường, ngập sâu từ 40 đến 65 cm. Thời gian nước rút hết mất khoảng 9 đến 10 tiếng đồng hồ.

Ông Điệp còn thông tin về vận hành máy bơm này vào thời điểm trên, cụ thể, vũ lượng mưa của trận mưa rất lớn, trong thời gian ngắn cho nên tại thời điểm đang mưa lớn thì độ sâu ngập ở giữa đường là 15 cm và phía sát lề, làn đường cho xe hai bánh là 40cm; diện tích ngập là 8.000 m2.

Ngay từ khi bắt đầu xảy ra mưa, Công ty CP Tập đoàn công nghiệp Quang Trung - đơn vị đang vận hành máy bơm chống ngập mà thành phố thuê dịch vụ đã bắt đầu vận hành máy bơm và bơm suốt sau thời gian mưa cho đến lúc nước hết ngập (khoảng 25 phút).

Giám đốc Trung tâm Quản lí hạ tầng kĩ thuật, Sở Xây dựng TP HCM đánh giá: "Đây là trận mưa lớn vượt quá công suất thiết kế và gây quá tải hệ thống thoát nước, công suất máy bơm có thể giải quyết chuyện ngập, nhưng hệ thống thu nước về trạm bơm vẫn đang còn hạn chế, nhiều tuyến cống cũ và nhiều đoạn bị lún khiến khả năng thu nước về chưa tốt".

Song, việc có trạm bơm chống ngập này đã giải quyết vấn đề, khống chế được tình trạng ngập. Cụ thể, nếu không có máy bơm, chiều sâu ngập có thể từ 0,6 m đến 0,8 m, không thể đi lại được. Bên cạnh đó, thời gian ngập có thể kéo dài 5 đến 6 tiếng nếu để nước tự rút. Trong khi thực tế là đã giải quyết sau khi mưa tạnh 25 phút.

Từ đó, ông Điệp cho rằng, hệ thống bơm hoạt động hiệu quả, giải quyết tình trạng ngập nặng kéo dài tại "rốn" ngập Nguyễn Hữu Cảnh.

Bên cạnh đó, ông cho biết UBND thành phố đã có quyết định đầu tư nâng cao độ tuyến đường, nâng cấp hệ thống cống thoát nước, khi hoàn thành sẽ giải quyết tình trạng ngập của lưu vực này.

Phát biểu tại buổi ban giao ban, ông Nguyễn Tăng Cường - Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty Tập đoàn công nghiệp Quang Trung cho biết thêm: "Đặc thù đường Nguyễn Hữu Cảnh nó đúng như một 'lòng chảo', phía bờ Vinhomes và Saigon Pearl thì rất cao nhưng bên phường 22 rất thấp, đường chính lại lún rất sâu".

Từ đó, ông Cường phân tích, khi mưa nước dồn về rất nhanh, qua hệ thống quan sát thì mưa 15 phút vẫn chưa ngập nhưng sau đó khoảng chỉ 2 phút thì đường đã ngập lên nhanh. Máy bơm theo thiết kế chỉ giải quyết được vũ lượng 104 mm, thời gian mưa là 90 phút (đã thống nhất với các cơ quan chuyên môn và trong hợp đồng) nhưng thực tế vũ lượng là 165 mm, thời gian mưa kéo dài tới 3 tiếng. Như vậy là vượt cả về vũ lượng lẫn thời gian.

Mặt khác, lưu vực đăng kí trong hợp đồng là 75 héc ta nhưng khi mưa thì toàn bộ khu vực phía Điện Biên Phủ và lân cận đều chảy dồn đến. Ngay cả khu vực chân cầu từ số nhà 125A trở về đến đường Điện Biên Phủ là ngoài lưu vực của công trình nhưng trên thực tế, chỉ cần mưa khoảng 100 mm đã phải bơm cho cả khu vực này khoảng 2/3 lượng nước.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.