Thời gian này, Bộ GD&ĐT đang tổ chức lấy ý kiến của các bên về hai phương án thi THPT quốc gia năm 2018. Đối với bài thi tổ hợp, Bộ đang đưa ra 2 phương án để các trường cho ý kiến. Phương án một, giữ nguyên bài thi tổ hợp với 3 đầu điểm cho từng môn thi thành phần giống như năm 2017. Phương án hai, mỗi bài thi tổ hợp có nội dung của 3 môn thành phần nhưng được bố trí thành một bài thi hoàn chỉnh, chấm điểm chung với một đầu điểm thống nhất của toàn bài thi.
Các thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2017. Ảnh minh họa. |
Trao đổi về vấn đề này, thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội) nêu quan điểm: "Tôi không đồng ý với phương án thi THPT quốc gia năm 2018 theo hướng tích hợp, tức là dồn 3 môn vào 1 bài thi và tính về một đầu điểm. Việc dồn 3 môn thi vào 1 bài thi mà kiến thức vẫn tách rời thành từng phần như ghi rõ đầu mục… thì bản chất vẫn như cũ.
Còn tích hợp các kiến thức để thành một bài thi chung thì e rằng rất khó cho học sinh cũng như giáo viên dạy trên lớp. Thay đổi gì cũng nên có lộ trình. Nếu giả sử chọn theo phương án 2, lúc đó cả thầy cô và học trò rồi cũng sẽ phải thích ứng để phục vụ kỳ thi giống như những năm trước. Vì người Việt Nam chúng ta giỏi mà, nhưng chất lượng thì tôi không dám chắc".
Đánh giá về những mặt được - chưa được của kỳ thi THPT quốc gia 2017 vừa qua, ông Tùng cho biết, ưu nhược điểm thì các cơ quan báo chí đã đề cập nhiều rồi nên ông không nói lại nữa. Ông chỉ có một ý kiến là, không nên cho học sinh thay đổi nguyện vọng xét tuyển đại học sau khi đã biết điểm. Chắc chắn sẽ không có sự công bằng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.
Thầy giáo Nguyễn Quang Tùng - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT M.V.Lômônôxốp (Mỹ Đình, Hà Nội). Ảnh: NVCC. |
Ngoài ra, thầy giáo Nguyễn Quang Tùng cho hay, để có được những bước "chạy đà" cả về chuyên môn, điều kiện giảng dạy lẫn tâm thái trước phương án thi của Bộ, học sinh, phụ huynh và các giáo viên luôn chuẩn bị tâm thế cho mọi sự thay đổi nếu có. Luôn có BGH, GVCN và chuyên gia tư vấn tâm lý giúp các em không “sốc”, không chán nản… nếu thay đổi hình thức thi.
Chuyên môn và điều kiện giảng dạy tại nhà trường luôn được đầu tư chuẩn và kịp thời, nên các thầy cô giáo rất thuận lợi trong công tác giảng dạy, bắt kịp các xu thế, hình thức thi. Chúng tôi vẫn quan điểm, phải học đúng theo thực lực. Còn thi thế nào cũng chỉ là một hính thức đánh giá kết quả học tập mà thôi. Học tốt, học thực sự thì hình thức thi nào cũng không phải là trở ngại lớn.
Nói về phương thức thi bài thi tổng hợp gồm cả 3 môn vào làm một, ông Nguyễn Quang Tùng thông tin: "Nhà trường vẫn áp dụng hình thức này trong các cuộc thi ngoại khóa vui vẻ. Khi đó, cần sự vào cuộc của nhiều giáo viên giỏi và đã phân loại khá chính xác học sinh so với đánh giá thường kỳ của trường. Tuy nhiên, nhà trường chưa thể áp dụng vào chính khóa. Sự thay đổi nào cũng phải được đánh giá bằng sự khoa học, không thể chạy theo trào lưu hay cảm tính.
Sở giáo dục Hà Nội chắc cũng sẽ có sự tư vấn từ những chuyên gia, nhà khoa học, nhà giáo nhiều kinh nghiệm để chỉ đạo công tác chuyên môn. Chúng tôi sẽ không tự ý áp dụng hình thức thi này trong chính khóa".
Thầy giáo Lê Đăng Khương - Giáo viên dạy môn Hóa học. Ảnh NVCC. |
Cũng liên quan đến vấn đề này, thầy giáo Lê Đăng Khương - Giáo viên dạy môn Hóa học đến từ Hệ thống giáo dục DODAIHOC thì phân tích:
"Thứ nhất, kỳ thi năm 2017 mới thay đổi, chưa tối ưu hóa khâu ra đề, vùng phân hóa điểm vào đại học chưa cao, cần chỉnh lại.
Thứ hai, đề thi có các môn khác nhau nhưng lại chung một phiếu trả lời. Cho dù thu đề nhưng những thí sinh giỏi vẫn nhớ được đề những câu khó không làm được, ở những môn sau còn thời gian các em ấy vẫn có thể tiếp tục làm.
Ví dụ một thí sinh thi khối A, khi thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (KHTN) thì trong khi làm bài môn Sinh học, em này có thể dành thời gian cho các câu hỏi khó ở môn Vật lý và Hóa học. Như vậy điểm có thể tăng lên mà vẫn không vi phạm quy chế thi nhưng về bản chất là đã làm ngoài thời gian thi môn Vật lý, Hóa học. Việc này không thay đổi thì điểm năm nay vẫn có thể cao.
Về việc sử dụng đề thi tích hợp như 3 (hoặc 7) môn trong một bài thi thì về bản chất, đây vẫn là ghép cơ học các môn lại trong một khoảng thời gian ngắn hơn vì số câu mỗi môn ít hơn. Nó chưa thể hiện được sự liên kết các môn học nên chưa thể đánh giá được nhiều. Tôi cho rằng vẫn là 'bình mới rượu cũ', chưa có sự thay đổi thực sự trong khi thi".
Đồng thời, thầy Khương cũng chỉ ra rằng: Ý tưởng của Bộ muốn các em học toàn diện nhưng thực tế các em đã phân hóa ngay từ khi vào cấp 3, thậm chí là từ cấp 2 các em đã nhen nhóm ý định thi theo khối nào rồi.
Thế nên nếu có làm thì nên báo trước ít nhất 3 năm cho các em chuẩn bị, giáo viên cũng chuẩn bị, đưa ra đề minh họa trước để các giáo viên chuẩn bị cho công tác giảng dạy. Chứ nếu mỗi năm lại thay đổi, thay đổi ngay trước khi thi thì tội cho các em, gây khó cho công tác giảng dạy.
Ví dụ bình thường thi 50 câu/90 phút, giờ thi 40 câu/50 phút thì về bản chất không khác nhau mà lại nói là thay đổi thì tôi cho rằng chưa thỏa đáng. Phải nói là thay đổi cơ học thôi, cái đích là thay đổi chất lượng dạy và học mới là mục tiêu tối thượng của việc đánh giá.
'Bộ nên giữ nguyên phương án thi như năm 2017 để thí sinh bớt lo lắng' Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Bộ GD&ĐT nên giữ nguyên quy chế và phương án thi THPT như năm 2017 chứ không nên thay đổi ... |