Việc thí điểm xử lí ô nhiễm sông Tô Lịch đã được 1 tháng. (Ảnh: Di Linh).
Ngày 17/6, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) để làm rõ hơn về việc "trình diễn" công nghệ phân hủy bùn hữu cơ thành CO2 và nước.
Theo ông Tuấn Anh, công nghệ này gồm sự kết hợp giữa công nghệ nano và sinh học.
"Công nghệ này sẽ phân hủy bùn hữu cơ thành CO2 và nước. Khí CO2 bay lên thì cây quang hợp còn nước hòa vào sông.
Công nghệ này không tạo ra chất mới, không kết tủa dưới lòng sông. Ngoài ra, các lớp bùn hữu cơ (màu đen) bám vào cát sỏi ở lòng sông sẽ bị phân hủy và sẽ không thấy màu đen", ông Tuấn Anh nói.
Đáng chú ý, theo ông Tuấn Anh, công nghệ này được làm tại Nhật Bản từ năm 1994 tức là cách hiện tại 25 năm.
"Nhật Bản ứng dụng công nghệ này ở nhiều dòng sông, kênh và một số quốc gia khác như Ấn Độ, Trung Quốc.
Công nghệ đã chứng minh không chỉ có tác dụng làm sạch môi trường nước mà có thể phân hủy bùn hữu cơ, không cần phải nạo vét, tốn kém", Chủ tịch JVE nói.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch HĐQT JVE. (Ảnh: Di Linh).
Theo vị này, nạo vét không thể giải quyết căn cơ ô nhiễm và tại Việt Nam, việc này đang gây tốn kém về mặt chi phí nhưng sau vài năm, lớp bùn lại tích tụ.
"Việc nạo vét tốn nhiều chi phí, nếu như chứng minh được công nghệ này không cần nào vét thì sẽ là một "cuộc cách mạng mới".
Bởi lẽ, việc nạo vét tốt tiền, tốn khu vực chôn lấp và có nguy cơ ô nhiễm nước ngầm.
Để có sự độc lập khách quan, hôm nay, có 3 đơn vị đã lấy mẫu ở sông Tô Lịch về phân tích, đánh giá", ông Tuấn Anh nói.
Khu vực trình diễn phân hủy bùn hữu cơ thành CO2 và nước. (Ảnh: Di Linh).
Cũng theo ông Tuấn Anh, việc thí điểm xử lí ô nhiễm công nghệ Nhật Bản đã tiến hành được 1 tháng.
"Công nghệ này đã vừa xử lí nước ô nhiễm và vừa phân hủy bùn nhưng dưới tầng đáy nên chúng ta chưa cảm nhận trực quan.
Do đó, chúng tôi quây lại khu vực 70m2 để trình diễn việc xử lí. Khoảng 1 tháng sau, khu vực này sẽ không còn nhiều bùn và có thể nhìn thấy nước trong.
Khu vực quây bùn này có khoan lỗ và nước nhiều quá sẽ tràn ra ngoài tạo thành dòng nước luân chuyển", ông Tuấn Anh nói.
Được biết, khu vực trên đặt 4 tấm Bioreactor làm từ đá núi lửa Nhật Bản, không tan trong nước và có thể tồn tại hàng trăm nắm.
"Sau khoảng 2 tuần, các tấm Bioreactor sẽ "kích hoạt" kết hợp với nước nano bơm từ ngoài vào và sau 1 tháng sẽ thấy bùn hữu cơ phân hủy.
Bên cạng đó, vật liệu này chỉ cần đặt một lần, sau 25 năm mới cần xem xét có bổ sung hay không", Chủ tịch JVE nói.
Các tấm Bioreactor được đặt trong khu vực quây bùn. (Ảnh: Di Linh).
Đối với vấn đề chi phí, ông Tuấn Anh cho biết sau 2 tháng thí điểm, JVE sẽ báo cáo TP Hà Nội và Bộ TN&MT.
"Sau đó, Bộ TN&MT sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng quyết định chủ trương, phê duyệt chi phí.
Khi nào phê duyệt chi phí, chủ trương thì chúng tôi mới được phép công bố chi phí", ông Tuấn Anh cho biết.
Khi được hỏi về việc sông Tô Lịch dài khoảng 15km sẽ cần bao nhiêu máy xử lí công nghệ Nhật Bản, ông Tuấn Anh nói "khoảng từ 50-100 và còn chờ các cơ quan chức năng phê duyệt".
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Thành Công, cán bộ Trung tâm Chất lượng và Bảo vệ tài nguyên nước cho biết sau quá trình xử lí, nước đã giảm bớt mùi hôi.
"Kết quả kiểm tra nhanh cho thấy chỉ số DO (Dessolved Oxygen - lượng oxy hoà tan trong nước) sau xử lí đã tăng lên tức là nồng độ oxy hòa tan trong nước tốt hơn, chất lượng nước được cải thiện", anh Công cho biết thêm.