Nga sắp tiêm thử nghiệm vắc xin Sputnik V cho 40.000 người

Mục đích của qui trình này không phải là để nghiên cứu khả năng tạo miễn dịch và tính an toàn của vắc xin, mà để đánh giá hiệu quả dịch tễ của loại vắc xin này.
Nga sẽ tiêm vắc xin Sputnik V cho 40.000 người để kiểm tra tính an toàn - Ảnh 1.

Nga sẽ thử nghiệm vắc xin lên 40.000 người. (Ảnh: Vyacheslav Prokofyev/TASS via Getty Images)

Nga sẽ thử nghiệm vắc xin lên 40.000 người

Theo CNBC đưa tin, vắc xin phòng Covid-19 đầu tiên được đăng kí trên thế giới của Nga có tên Sputnik V sẽ sớm đưa vào thử nghiệm trên 40.000 người để kiểm tra độ tin cậy. Quá trình sản xuất vắc xin đại trà dự kiến sẽ bắt đầu vào tháng 9 tới.

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế và quan chức nhà nước bày tỏ sự lo ngại về tốc độ phê duyệt và thiếu dữ liệu công khai đối với loại vắc xin này. Bên cạnh đó, kết quả thử nghiệm trên người ở qui mô nhỏ tại Nga trong hai tháng qua vẫn chưa được công bố rộng rãi.

Phát biểu trong một cuộc họp trực tuyến hôm 20/8, ông Denis Logunov, Phó Giám đốc phụ trách công trình khoa học của Viện Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật Gamaleya (Nga), cho biết 40.000 người sẽ tham gia vào nghiên cứu thử nghiệm vắc xin sắp tới.

"Mục đích của qui trình này không phải là để nghiên cứu khả năng tạo miễn dịch và tính an toàn của vắc xin, điều này khỏi phải nói... Nhưng bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phải đánh giá hiệu quả dịch tễ của loại vắc xin này", ông Logunov nói.

Vắc xin của Nga đang được phát triển tại Viện nghiên cứu Gamaleya ở Moscow (Nga). Theo số liệu trên trang web Worldometers, trên thế giới đã có gần 23 triệu người mắc Covid-19, với gần 800.000 trường hợp tử vong vì dịch bệnh.

WHO đàm phán với Nga về vắc xin

Những lo ngại về tính an toàn và độ tin cậy của Sputnik V xuất phát từ việc loại vắc xin này chỉ mới trải qua các thử nghiệm lâm sàng ở giai đoạn 1 và 2 một cách nhanh chóng trên qui mô tương đối nhỏ.

Các thử nghiệm giai đoạn 3 sẽ sớm bắt đầu, nhưng Nga cho biết họ dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất vắc xin này ngay trong tháng tới.

Khi được hỏi về vắc xin Covid-19 của Nga, trả lời trong cuộc họp báo trực tuyến riêng biệt hôm 20/8, ông Hans Kluge, Giám đốc khu vực châu Âu của WHO, nói: "Về tổng thể, bất kì sự tiến bộ nào trong việc phát triển vắc xin đều là thông tin rất đáng khích lệ".

Mặc dù Nga là một quốc gia có "truyền thống lâu đời" về việc phát triển và sử dụng vắc xin, nhưng ông cũng nhấn mạnh rằng: "Mọi loại vắc xin đều phải trải qua các tiêu chuẩn khắt khe về tính hiệu quả và an toàn. Để biết được điều đó chỉ có một cách là thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1, Giai đoạn 2 và Giai đoạn 3 - bao gồm cả Giai đoạn 3".

Nga sẽ tiêm vắc xin Sputnik V cho 40.000 người để kiểm tra tính an toàn - Ảnh 2.

Sputnik V cũng giống như các loại vắc xin khác, đều phải trải qua các khâu thử nghiệm. (Ảnh: Reuters)

Bà Catherine Smallwood, một quan chức cấp cao về ứng phó khẩn cấp của WHO Châu Âu, cũng xác nhận rằng cơ quan y tế của Liên Hợp quốc này gần đây đã thảo luận trực tiếp với Nga về sự phát triển tiềm năng của Sputnik V, với các bản cập nhật sẽ theo dõi trong quá trình thích hợp.

"Mối quan tâm của chúng tôi về tính an toàn và hiệu quả không phải chỉ riêng đối với vắc xin của Nga mà là tất cả các vắc xin đang được phát triển", bà Smallwood nói tính an toàn hoặc hiệu quả của tất cả các loại vắc xin không thể làm qua loa cho xong việc.

"Chúng tôi muốn dành thời gian để thực sự hiểu vắc xin đang ở giai đoạn nào và thu thập được thông tin đầy đủ nhất về các bước đã được thực hiện", bà Smallwood nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.