Ngân hàng nào có cổ phiếu tăng giá mạnh nhất năm 2020?

Trong năm 2020, có tới 21/24 mã ngân hàng niêm yết và giao dịch trên sàn UPCoM tăng giá. Trong đó, nhiều cổ phiếu giá tăng gấp đôi, gấp ba năm trước và hàng loạt mã tăng trên 50%.
CK1.png

Ảnh minh họa. (Nguồn: Đức Bùi).

Cổ phiếu ngân hàng đã có một năm 2020 bùng nổ và là động lực chính thúc đẩy các chỉ số thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tính chung trong năm qua, giá 24 cổ phiếu ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM đã tăng bình quân 27,6% (theo giá đã điều chỉnh), cao hơn nhiều mức tăng của VN-Index ( 14,9%).

Theo dữ liệu từ Chứng khoán Vietcombank (VCBS), có tới 21 mã cổ phiếu ngân hàng tăng giá và chỉ 3 mã giảm giá trong năm 2020. 

Trong đó, SHB là mã tăng mạnh nhất nhất ngành ngân hàng, khởi đầu năm với mức giá 5.350 đồng/cp nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này đã tăng lên 17.000 đồng/cp, tương ứng mức tỷ suất sinh lời gần 218%.

Đà tăng của SHB bắt đầu từ đầu tháng 1 và bứt phá mạnh trong tháng 3 với hàng loạt phiên tăng kịch hoặc tiệm cận mức trần 10%. Cổ phiếu này đạt đỉnh vào giữa tháng 4 tại vùng giá 18.000 đồng/cp.

Tuy nhiên, SHB bắt đầu đảo chiều và liên tục giảm giá trong quý II, xuống mức 10.000 đồng/cp vào cuối tháng 7. Thị giá cổ phiếu này đã hồi phục trong nửa cuối năm và tiệm cận mức đỉnh 18.000 đồng/cp vào những phiên giao dịch cuối cùng của năm 2020.

Khác với SHB, cổ phiếu VIB bắt đầu "nổi sóng" từ đầu tháng 8 sau một thời gian dài "ngụp lặn" dưới mức 15.000 đồng. Chốt phiên giao dịch ngày 31/12, thị giá VIB đạt 32.400 đồng/cp, tương ứng mức tăng gần 125% so với cuối năm 2019.

LPB cũng nằm trong danh sách Top 3 cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh nhất năm 2020. Khởi đầu với mức hơn 6.300 đồng/cp, LPB đã liên tục tăng giá kể từ tháng 4 và đạt 12.400 đồng/cp vào cuối năm 2020.

135250918_692720354941456_4076997055149534694_n.png

Cả ba cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất trong năm vừa qua đều có một điểm chung là đã hoặc đang tiến hành đưa cổ phiếu lên giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE). 

Tính đến thời điểm hiện tại, VIB và LienVietPostBank đã hoàn thành việc chuyển cổ phiếu từ UPCoM lên niêm yết tại HOSE. Trong khi, HOSE cũng đã nhận nộp hồ sơ đăng ký niêm yết gần 1,76 triệu cổ phiếu của SHB.

Ngoài ba cổ phiếu trên, một loạt mã ngân hàng khác cũng ghi nhận mức tăng giá từ 50 - 70% như STB (Sacombank), CTG (VietinBank), VPB (VPBank), ACB (ACB),...

Bên cạnh các yếu tố cơ bản như kết quả kinh doanh chuyển biến tích cực, bản thân mỗi cổ phiếu trên cũng mang theo những "game" riêng, tạo ra sức hút đối với các nhà đầu tư.

Với Sacombank là tin đồn CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) sẽ mua 180 triệu cổ phiếu STB (10% cổ phiếu đang lưu hành) với giá 18.000 đồng/cp từ Kienlongbank. Mặc dù, các bên liên quan đều phủ nhận thông tin này nhưng thanh khoản của STB vẫn liên tục ở mức cao trong những tháng gần đây với trung bình gần 13,6 triệu đơn vị/phiên, tương đương giá trị gần 170 tỷ đồng.

Tại CTG, việc Chính phủ ban hành Nghị định 121 sửa đổi, bổ sung Nghị định 91 đã giúp "cởi trói" cho VietinBank trong việc tăng vốn. Ngay sau đó, ngân hàng này đã lấy ý kiến cổ đông và thông qua việc trả cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận giữ lại của các năm 2017, 2018 và 2019.

ACB gây chú ý với việc chuyển niêm yết từ HNX sang HOSE trong khi giới đầu tư cũng đang kì vọng về thương vụ thoái vốn của VPBank tại FE Credit.

Ngoài những cổ phiếu kể trên, một số đại diện nhóm ngân hàng như VCB (Vietcombank), MBB (MB), TCB (Techcombank), HDB (HDBank) cũng ghi nhận thanh khoản tăng tích cực, song song với đó là thị giá tăng 20 - 40% chỉ tính từ đầu tháng 8. 

135689214_328612271577696_5855689676054363526_n.png

Thay đổi giá (đã điều chỉnh) của các cổ phiếu ngân hàng trong năm 2020. (Quang Hưng tổng hợp)

Theo ông Hoàng Công Tuấn - Trưởng bộ phận phân tích Chứng khoán MB (MBS), có ba nguyên nhân chính giúp cổ phiếu ngân hàng bùng nổ trong năm 2020.

Đầu tiên đến từ sự khởi sắc của thị trường chứng khoán nhờ kì vọng nền kinh tế sẽ phục hồi sau đại dịch Covid-19; đồng thời, môi trường lãi suất thấp ở cả Việt Nam và trên thế giới khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường tài sản bao gồm chứng khoán. Mặt khác, bản thân cổ phiếu ngân hàng là nhóm chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường, vì vậy sẽ được hưởng lợi từ sự khởi sắc của thị trường. 

"Với tính thanh khoản cao, cổ phiếu ngân hàng sẽ dễ dàng thu hút được dòng tiền khi thị trường đi lên", ông Tuấn đánh giá.

Nguyên nhân thứ hai là hoạt động kinh doanh của các ngân hàng diễn biến tốt hơn so với kì vọng của các nhà phân tích và giới đầu tư. Trước đó, dưới tác động của dịch bệnh nhiều tổ chức dự báo lợi nhuận ngành ngân hàng sẽ sụt giảm đồng thời nợ xấu gia tăng. Tuy nhiên, đến cuối năm, những lo ngại được chứng minh không nghiêm trọng như dự báo. Qua đó hấp dẫn dòng tiền trở lại đối với nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng.

Cuối cùng liên quan đến các quỹ đầu tư theo chỉ số (ETF). Ông Tuấn cho biết, các quỹ đầu tư ETF nội đã đổ một lượng lớn tiền vào thị trường trong năm qua. Theo thống kê của MBS, các quỹ ETF nội đã thu hút được khoảng 100 triệu USD kể từ đầu năm.

"Khi các quỹ ETF thu hút được vốn, họ sẽ đổ tiền vào các rổ chỉ số, nơi các cổ phiếu ngân hàng luôn chiếm tỷ trọng cao. Qua đó giúp cổ phiếu ngân hàng tăng giá", Chuyên gia MBS chia sẻ.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.