Hoạt động bơm thanh khoản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục diễn ra trong ngày giao dịch cuối cùng năm Canh Tý (9/2). Theo đó, NHNN đã cung ứng ra thị trường gần 14.630 tỷ đồng thông qua kênh cầm cố OMO, với kỳ hạn 14 ngày, lãi suất 2,5%. Lượng tiền này được phân phối cho 7/8 tổ chức tín dụng tham gia đấu thầu.
Đây là phiên bơm ròng thứ 6 liên tiếp của nhà điều hành kể từ đầu tháng 2 với tổng mức tiền bơm ròng hơn 50.630 tỷ đồng.
Theo giới phân tích, động thái bơm ròng liên tiếp của NHNN nhằm đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng mạnh trong dịp Tết Nguyên đán khiến huy động vốn sụt giảm, nhu cầu thanh khoản của các ngân hàng thương mại gia tăng.
Trước đó, nhờ vào hoạt động mua ngoại tệ và tăng trưởng tín dụng yếu, thanh khoản hệ thống luôn trong trạng thái dồi dào trong cả năm 2019.
Tuy nhiên vào tháng 1/2021, NHNN quyết định dừng mua USD giao ngay, chuyển sang mua kỳ hạn 6 tháng. Chính sách mới này làm nguồn cung VND được đưa ra thị trường dàn trải nên vào dịp cuối năm âm lịch, nhu cầu thanh khoản tăng mạnh đã khiến lãi suất VND liên ngân hàng tăng nhanh.
Thực tế, ngay đầu tháng 2, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng so với mức nền "siêu thấp" được duy trì từ giữa tháng 6/2020.
Trong ngày giao dịch ngày 8/2, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng vọt lên mức 2,86%/năm đối với kì hạn qua đêm; 2,3%/năm với kỳ hạn 1 tuần; 2,27%/năm với kỳ hạn 2 tuần và 2,39%/năm với kỳ hạn 1 tháng. Đồng thời, khối lượng vay mượn lẫn nhau giữa các ngân hàng cũng đạt đỉnh điểm 136.524 tỷ đồng. Trong đó, kì hạn qua đêm chiếm gần 90%.
Xu hướng tăng nóng của lãi suất liên ngân hàng được dự báo sẽ sớm chấm dứt khi dòng tiền thường nhanh chóng quay lại hệ thống ngân hàng sau Tết Nguyên đán, như các năm trước.
"Đây chỉ là yếu tố mang tính chất thời vụ, lãi suất trên liên ngân hàng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi tiền mặt ngoài lưu thông trở lại hệ thống ngân hàng sau Tết", Trung tâm phân tích Chứng khoán SSI nhận định .