Đua' tăng lãi suất huy động, Ngân hàng Nhà nước cảnh báo các nhà băng

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo việc tăng lãi suất gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống, tạo ra tâm lí tiêu cực trên thị trường và có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ.

Hiện kì hạn gửi từ 12 tháng có lãi suất lên đến 8,5%/năm. Lãi suất cho hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi lên đến 10,2%/năm. Ngân hàng Nhà nước đã phát đi công văn số 6669/NHNN-CS cảnh báo các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài về việc hiện có nhiều đơn vị đang điều chỉnh lãi suất huy động tiền gửi khá lớn ở một số kì hạn.

Xử lí nghiêm ngân hàng vi phạm huy động lãi suất tiền gửi 

Ngân hàng Nhà nước cảnh báo hiện một số tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi bằng đồng VND khá nhanh, và mức điều chỉnh khá lớn ở một số kì hạn. 

ls

Theo cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước, việc tăng lãi suất gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống, tạo ra tâm lí tiêu cực trên thị trường và có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động, gây bất ổn thị trường tiền tệ. (Ảnh minh họa: Zing).

 Ngoài ra, một số ngân hàng còn triển khai các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi với mức lãi suất cao. 

Theo Ngân hàng Nhà nước, việc này làm tiềm ẩn nhiều rủi ro ảnh hưởng sự ổn định và phát triển lành mạnh của hệ thống ngân hàng, tạo ra diễn biến tâm lí tiêu cực trên thị trường và có nguy cơ dẫn đến cuộc đua về lãi suất huy động giữa các tổ chức tín dụng, gây bất ổn thị trường tiền tệ. 

Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng cần nghiêm túc thực hiện chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019. 

Theo đó, các tổ chức tín dụng phải duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lí, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lí rủi ro, không làm ảnh hưởng sự ổn định thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. Công văn này đồng thời yêu cầu các nhà băng tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc chấp hành tín dụng đối với khách hàng và người có liên quan, thực hiện kiểm soát tốt chất lượng tài sản có, phân loại và trích lập dự phòng đầy đủ theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ theo dõi việc triển khai giải pháp về lãi suất  của các tổ chức tín dụng, và sẽ có biện pháp xử lí nghiêm trường hợp vi phạm quy định của pháp luật và chỉ đạo của cơ quan quản lí. Trong đó, gồm cả biện pháp thu hẹp chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của tổ chức ngân hàng vi phạm.

Ngân hàng bất ngờ vào cuộc "đua" tăng lãi suất

Cảnh báo của Ngân hàng Nhà nước phát ra trong bối cảnh thời gian qua, nhiều ngân hàng đồng loạt tăng lãi suất huy động tiền gửi của khách hàng.

Khảo sát biểu lãi suất huy động của một số ngân hàng cho thấy lãi suất một số kì hạn đã được nâng lên đến khoảng 1 điểm % so với trước đó.

Đầu tháng 8, một loạt ngân hàng như VIB, VPBank, Sacombank, OCB, Eximbank, Kienlongbank, Techcombank… đều điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi huy động.

ls 1

Cuộc đua tăng lãi suất huy động của các ngân hàng nóng lên từ tháng 8/2019. (Đồ họa: Quốc Minh).

Tại OCB, ngân hàng này điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm cao nhất, với mức lãi huy động 8%/năm, áp dụng cho kì hạn 36 tháng. So với biểu lãi suất trước đó, tỉ lệ mà OCB áp dụng từ ngày 12/8 đã tăng thêm 0,3 điểm %. 

Tại Eximbank, nhà băng này cũng tiếp tục tăng lãi suất huy động trong tháng 8, sau khi đã điều chỉnh tăng trong tháng 7. Mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại đây hiện lên tới 8,4%, áp dụng cho các kì hạn 13 tháng, 24 tháng và 36 tháng. 

Với mức lãi suất này, Eximbank đã điều chỉnh tăng thêm 0,4 điểm % so với trước. Trong khi đó, kì hạn gửi 12 tháng cũng tăng mạnh từ mức lãi suất 6,8% lên thành 7,9%. 

Các ngân hàng nhỏ như ABBank, CBBank, NCB và VietcapitalBank cũng đều niêm yết lãi suất kì hạn gửi 12 tháng từ 8% trở lên. Mới đây, ABBank thông báo tăng lãi suất thêm 0,7-0,8% với mức cao nhất là 8,5%/năm, áp dụng cho cả kì hạn gửi 12 tháng. 

Như vậy, ABBank đang là ngân hàng có lãi tiết kiệm gửi tại quầy cao nhất hệ thống hiện nay, cao hơn mặt bằng chung khoảng 1-1,5%.

Ngoài huy động vốn thông thường, các nhà băng cũng đua nhau phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao ngất. Điển hình là VietCapitalBank vừa phát hành chứng chỉ tiền gửi ghi danh với lãi suất từ 9,5% đến 10,2% một năm. 

 Cụ thể, kì hạn gửi tiền 24 tháng có lãi suất 9,5%/năm, 36 tháng có lãi suất 9,8%, 48 tháng được hưởng lãi suất 10% và mức cao nhất lên đến 10,2% cho chứng chỉ tiền gửi có kì hạn 60 tháng. 

Đây là ngân hàng đang có mức lãi suất cao nhất cho hình thức phát hành chứng chỉ tiền gửi đến thời điểm này.

Tổng tiền gửi huy động nửa đầu năm 2019 là 8,2 triệu tỉ đồng

Thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng tính đến hết tháng 6/2019 ở mức 8,2 triệu tỉ đồng. Trong đó, tiền gửi của cư dân tại các tổ chức tín dụng lên đến 4,7 triệu tỉ đồng, chiếm 57% cơ cấu tổng tiền gửi.

So với cuối năm ngoái, tổng tiền gửi của người dân tại các ngân hàng, tổ chức tín dụng đã tăng 8%.

Chiếm 43% còn lại trong cơ cấu tổng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng là tiền gửi của các tổ chức kinh tế. 6 tháng đầu năm, các tổ chức này đã gửi tổng cộng 3,5 triệu tỉ đồng. So với cuối năm ngoái, con số này tăng được thêm 5%.

Như vậy, nửa đầu năm 2019, tổng tiền gửi của người dân và các tổ chức kinh tế vào hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng của Việt Nam đều tăng mạnh.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết trong khi tiền gửi từ các tổ chức kinh tế có nhiều biến động tăng, giảm thất thường, thì tiền gửi dân cư dù có quy mô lớn hơn nhưng vẫn tăng trưởng đều đặn qua từng tháng.


chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.