Các em có độ tuổi từ 9 đến 16 tuổi được bầu chọn là đại diện cho trẻ em của 48 tỉnh, thành phố, các Làng trẻ em SOS và Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, tham dự diễn đàn.
Vấn nạn tảo hôn được tre em đưa ra bàn luận sôi nổi. |
Tại phiên thảo luận, các em đã đối thoại với lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức về 4 vấn đề chính: Trẻ em với với đề phòng, chống bạo lực trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em và tảo hôn; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; Trẻ em với vấn đề phòng ngừa bạo lực, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng.
Hàng chục câu hỏi đã được gửi tới các cơ quan chức năng tại buổi đối thoại. Qua những thắc mắc này, các em bày tỏ nguyện vọng, mong muốn được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, giúp các em có thể phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn tinh thần; được tăng cường giáo dục kĩ năng sống trong trường học và ngoài xã hội…
Em Nguyễn Thiệu Vy, đại diện cho thế hệ trẻ em Yên Bái đưa ra câu hỏi: “Tình trạng bạo lực trẻ em hiện nay đang diễn ra phức tạp và số lượng ngày càng tăng lên. Trong thời gian tới chính quyền cần có biện pháp gì để giảm thiểu tình trạng này?”
Trả lời cho thắc mắc này, ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em cho biết: “Hiện nay pháp luật đã có đầy đủ những quy định đối với những hành vi bạo lực với trẻ em và những chế tài xử phạt thích đáng đối với các trường hợp này.
Tùy theo mức độ của hành vi vi phạm sẽ đối chiếu và đưa ra hình thức xử lý hình sự hay xử phạt hành chính. Để góp phần giảm thiểu tình trạng này, khi phát hiện hành vi bạo lực với trẻ em, cách nhanh nhất mọi người nên gọi đến tổng đài cứu trợ trẻ em 18001567, tới đây đường dây nóng sẽ được thu gọn nhằm giúp người dân dễ nhớ hơn.
Ngoài ra, còn có cơ quan công an xã, phường luôn túc trực 24/24. Trong thời gian tới, tại các UBND sẽ thành lập tổ chức chuyên trách về các vấn đề của trẻ em. Để tăng cường hiệu quả, cần giáo dục, tuyên truyền cách nuôi dạy con của cha mẹ.
Các em học sinh sôi nổi đưa ra những vấn đề thắc mắc của mình và mong muốn được giải đáp. |
Em Nguyễn Hoàng Minh Ngọc, đại diện cho trẻ em Quảng Ninh đặt vấn đề: “Hiện nay đang diễn ra tình trạng sử dụng trẻ em để phục vụ du lịch, đặc biệt là việc buôn bán và xâm hại tình dục trẻ em trong hoạt động du lịch. Các cơ quan chức năng cần có biện pháp gì để phát hiện và chấm dứt tình trạng này?”
Bà Lê Thị Hoàng Yến, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa thể thao và du lịch cho biết: “Để giảm thiểu số lượng trẻ em bị buôn bán, xâm hại tình dục, đặc biệt là trong hoạt động du lịch thì cần phải tăng cường công tác tuyên truyền đối với cha mẹ của các em nhỏ, luôn kiểm soát được các em đi đâu, với ai. Đồng thời phải giáo dục, giải thích để trẻ em hiểu và cảnh giác đối với những người lạ mặt, không tin, không nghe người lạ. Hạn chế việc đi chơi xa với người lạ hay nhận kẹo, quà bánh, tiền bạc”.
Kỹ năng thoát hiểm an toàn là điều quan trọng mà trẻ em cần biết |
Phát biểu kết luận diễn đàn, bà Đào Hồng Lan, Thứ trường Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Trưởng Ban tổ chức chương trình Diễn đàn trẻ em quốc gia năm 2017, đề nghị lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức tiếp tục trả lời những thắc mắc của các em xung quanh vấn đề được đưa ra tại diễn đàn.
Phối hợp với nhà trường, cha mẹ học sinh tích cực quan tâm, giải quyết hiệu quả hơn nữa các vấn đề trẻ em đã nêu trong diễn đàn để hạn chế tối đa các vấn đề xâm hại, bạo lực trẻ em, xây dựng môi trường lành mạnh, phù hợp với trẻ em.