Nghề trông đào thuê ở Hà Nội dịp Tết: Co ro trong đêm mưa rét

Hà Nội ngày mưa rét, nhiều người lao động vẫn co ro trong chiếc áo mưa thức trông đào thuê thâu đêm.
 
nhoc nhan nghe trong dao thue o ha noi dip tet
Vài năm gần đây, đường Lạc Long Quân trở thành chợ hoa đào. Nghề trông đào thuê cũng bắt đầu từ đây. Trong ảnh: Thạch (trái) và Cương cùng quê Tuyên Quang thức đêm trông đào.

Cử nhân... trông đào thuê giá 250.000 đồng/ngày đêm

Đầu tháng Chạp, nhiều hộ dân, chủ vườn ở Tây Hồ (Hà Nội) đã vận chuyển đào, quất xuống vỉa hè của các tuyến đường đẹp để bán cho người dân dịp Tết. Trên đường Lạc Long Quân (từ ngã 3 Âu Cơ đến Xuân La) có tới vài chục hộ kinh doanh đào quất.

Để bảo vệ, vận chuyển đào, mỗi hộ kinh doanh tại đây thường thuê từ 2-4 nhân công thường là lao động tỉnh xa về Hà Nội tìm việc dịp cuối năm. Tối 15 tháng Chạp, Hà Nội mưa rét đậm. Trên phố Lạc Long Quân ít người qua lại; vỉa hè chỉ có những ánh đèn hắt ra từ căn lều bạt của những người trông đào thuê. Đang lúi húi nấu cơm trên chiếc bếp than tổ ong nghi nghút khói, Thạch (26 tuổi, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) cười: "Em với bạn xuống đây từ đầu tháng. 9 giờ mới nấu cơm tối ăn được anh ạ. Hôm nay mưa rét quá!".

Cậu thanh niên 26 tuổi nhưng già dặn và đã có vợ con. "Không có việc làm thì xuống Hà Nội thôi anh. Ai thuê gì làm nấy. Mọi năm em chở đào thuê còn năm nay thì trông đào. Mỗi ngày đêm được 250.000 đồng chứ ở quê chẳng biết làm gì", Thạch nhấp ngụm nước chè, ngậm ngùi.

Hỏi han hồi lâu chúng tôi mới "té ngửa" ra rằng Thạch từng tốt nghiệp Sư phạm ngành Giáo dục công dân nhưng loay hoay vài năm chẳng kiếm nổi chỗ dạy. Rồi cuối năm, ở quê mùa màng xong, Thạch và bạn xuống Hà Nội kiếm tiền. "Vợ em cũng giáo viên nhưng lương chỉ đủ ăn. Em thì thế! Cậu Cương (đồng nghiệp) kia còn tốt nghiệp ngành Công nghệ thông tin đấy anh ạ", nói rồi Thạch chỉ cậu thanh niên đang lúi húi quây lưới quanh những gốc đào trên vỉa hè.

nhoc nhan nghe trong dao thue o ha noi dip tet
Những người trông đào thuê nấu ăn ngay tại lều ở vỉa hè.

"Mấy hôm đầu xuống đây em không ngủ được. Tiếng xe cộ rồi đèn pha sáng quá. Mấy hôm nay thì có người thuê đào nên phải bê lên xe rồi đi theo xe tải tới tận nhà người ta. Về được lán có khi đã 2-3h đêm; anh em lại chong đèn đến sáng", Cương (SN 1992, Chiêm Hóa, Tuyên Quang) chia sẻ.

Theo Cương, trông đào thuê cũng không vất vả vì nhiều khi toàn ngồi không nhưng phải thức đêm và có khi vận chuyển những chậu đào nặng vài tạ đến rã tay.

"Hôm đầu em chưa quen, nghe chủ bảo "cẩn thận gẫy tay" lại tưởng lo cho mình chứ không nghĩ là "gẫy tay đào" (cành đào - PV). Sau mới biết lỡ có gẫy tay đào chắc không có tiền mà đền", cậu thanh niên cười buồn.

Trông đào thâu đêm, tới sáng

"Chú trông đào thuê mấy năm nay rồi. Năm nay ông chủ quen lại gọi xuống. Gần đây an ninh trật tự tốt chứ trước đó toàn phải thắp đèn trông qua đêm vì trộm cắp nhiều lắm", anh Tuân (Bắc Sơn, Lạng Sơn) cho biết.

Anh Tuân sinh năm 1970, "kẹp nách" một vợ ba con nhưng nghề thợ xây chẳng đủ lo nổi gia đình.

"Sát Tết việc không có mấy thì phải đi kiếm cân thịt với cái bánh chưng chứ. Đêm hôm vất vả tí nhưng công còn cao hơn đi xây, lại có nuôi cơm nữa", anh nói.

nhoc nhan nghe trong dao thue o ha noi dip tet
Mặc áo mưa trông đào thuê tới sáng.

Lúc 11h đêm, cô con gái út gọi bố hỏi được ngủ chưa, có rét lắm không? Anh cười: "Bố đang ngủ ấm bị con gọi dậy đó". Nói rồi anh loay hoay kéo chiếc áo mưa che, cố che những cơn gió đang lùa vào cửa lều.

"Được cái các cháu ngoan lắm chú ạ! Nghe bố đi Hà Nội làm nhưng cũng không hỏi quà phố gì cả. Chúng chỉ mong tôi về", anh cười.

Gần 12h đêm, mưa ngớt nhưng gió mạnh thêm. Phố hoa Lạc Long Quân vắng bóng xe cộ; lác đác chỉ có tiếng những người trông đào thở dài xao xác sau khi đưa chậu đào nặng lên xe tải. "Xe tải chạy có khung giờ nên toàn phải chuyển đêm hôm thôi chú. Vất vả lắm! Nay may tôi không có chuyến nào" anh Tuân bảo.

Theo những người trông đào thuê tại đây, thông thường họ sẽ làm việc đến 29 Tết. Những người tỉnh xa chỉ kịp bắt chuyến xe cuối về nhà còn không thì chạy xe máy. "Nghề nào cũng vất vả mà anh. Xuống đây kiếm việc chẳng dám nói là Cử nhân sợ người ta cười. Năm mới mong no đủ là được", Cương cười nói với tôi khi chia tay.

chọn
5 điểm nổi bật trong quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030
Thừa Thiên Huế là một trong những tỉnh được quy hoạch lên thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025. Cùng điểm qua những điểm nổi bật về quy hoạch tỉnh này thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.