Mất hàng trăm triệu vì nghi trồng phải cam dại
Là người có thâm niên trồng cam từ hàng chục năm nay, ông Thiều Sỹ Hùng (SN 1951), trú tại thôn 4, xã Hương Thủy cho biết, vào năm 2011 ông mua thêm 400 gốc cam từ nguồn cung cấp giống Hồng Tài, thuộc Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch để về trồng.
Dù ông đã chăm sóc, cắt tỉa rất kỹ càng, nhưng cây cam vẫn còi cọc, phát triển chậm. Đến năm 2013, cam cho lứa quả đầu tiên thì rất bé, vỏ dày và chua.
Cho rằng lứa quả đầu tiên không tốt là do cách chăm sóc, nhưng đến năm 2017 thì tình trạng càng thậm tệ hơn. Quả ăn vẫn rất chua, bán cũng không ai mua.
“Do cam này là cam này dày vỏ, quả nhỏ, chất tép khô nên có những ngày chở cả mấy tạ ra chợ bán nhưng cũng chỉ bán được ít, có ngày tôi phải mang đi đổ bỏ. Càng ngày tình trạng càng thậm tệ hơn nên chung tôi đành phải chặt bỏ số cam này để trồng mới”, ông Hùng nói.
Cũng theo ông Hùng, đối với các loại cam thông thường khác, ông bán với giao động từ 30-35 ngàn/kg, tuy nhiên với loại cam này, ông chỉ bán được giá cao nhất là 10 ngàn/kg.
Do cam cho quả kém chất lượng nên người dân đã đồng loạt chặt bỏ hàng ngàn gốc để trồng mới. Ảnh Hoài Nam |
“Bán với giá đó thì không thể đủ để bù số vốn bỏ ra. Tiền cây giống rồi phân bón, công chăm sóc cũng mất hàng trăm triệu đồng. Giờ chặt bỏ đi cũng rất tiếc vì trồng cả 6 năm trời. Giờ trồng lại thì chúng tôi tự cắt và ghép chứ không mua giống ngoài nữa”, ông Hùng cho hay.
Về nguyên nhân dẫn đến việc cam kém chất lượng thì ông Hùng cho rằng là do nguồn giống, bởi ông đã trồng đúng theo quy trình và đất phù hợp, không bị ngập úng.
“Đất chúng tôi trồng cam này không bị ngập úng, việc chăm bón thì tôi làm tốt. Nếu do đất hay do cách chăm sóc thì tại sao trên cùng một diện tích đất, loại cam gia đình tự ghép để trồng lại cho chất lượng tốt, quả to và ngọt, còn loại giống mua lại vậy”, ông Hùng thắc mắc.
Ông Trần Đình Dũng (thôn 4, xã Hà Linh) cho biết, sau 5 năm trồng 400 gốc cam, đến nay ông phải chặt bỏ vì cam cho quả kém chất lượng, không bán được.
“Bình thường 3 năm sẽ cho quả, nhưng cam tôi trồng đến năm thứ 4 mới cho quả. Quả toàn quả dại, không bán được. Bao nhiêu công sức, của cải chúng tôi bỏ vào đó, giờ đã trôi sông trôi bể, thiệt hại ước tính hơn 400 triệu đồng. Không thể giữ vườn cam, tôi tính thuê máy về đào bỏ và trồng giống cam mới”, ông Dũng cho hay.
Ông Thiều Sĩ Hùng cho biết, loại cam sau 6 năm trồng để càng lâu quả cam càng nhỏ, vỏ dày và có vị chua. Ảnh Hoài Nam |
Còn theo bà Tô Thị Thất (55 tuổi, trú tại xóm 4, xã Hà Linh) thì sau 4 năm trồng, hơn 1.000 gốc cam trên diện tích 1,3ha dần dần còi cọc, không cho quả và lá biến thành màu vàng.
“Năm ngoái tôi có thu hoạch quả bói và bán được hơn 2 triệu đồng, nhưng như năm nay thì không có một quả nào. Có hoa, có quả nhưng nó cứ rụng hết. Nhiều hộ đã thuê máy về cắt và phá bỏ, nhưng tôi vẫn đang cố chăm sóc xem có cứu vãn được gì không”, bà Thất than vãn.
Theo tìm hiểu của chúng tôi thì không chỉ riêng ông Hùng, ông Dũng, bà Thất lâm vào tình cảnh “dở khóc dở cười” như thế này, mà đây là thực trạng của nhiều hộ dân thôn 4, thôn 7 của xã Hương Thủy.
Cam bị như vậy là điều khác lạ
Trước những thông tin do nguồn giống kém thì ông Võ Tá Tài, Trung tâm Bảo tồn gen giống bưởi Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) khẳng định, giống cam cung cấp cho các hộ dân ở xã Hương Thủy luôn đảm bảo chất lượng.
“Muốn cam phát triển tốt thì phải xem các yếu tố thổ nhưỡng, khí hậu và cả ảnh hưởng của thiên nhiên và cả việc bón phân đúng quy trình hay không. Về cây kém phát triển không thể đổ lỗi cho giống kém chất lượng được, bởi giống chúng tôi cung cấp đảm bảo chất lượng”, ông Tài nói.
Liên quan đến sự việc này, ông Bạch Đình Hữu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hương Thủy, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết, toàn xã có hơn 120ha trồng bưởi và cam, trong đó có khoảng 10ha với hơn 5.000 cây cam cho quả kém chất lượn, tập trung nhiều nhất ở thôn 4 và thôn 7.
Người dân chặt hạ hàng loạt cam không mang lại hiệu quả. Ảnh Hoài Nam |
“Sau khi nắm được thông tin, chúng tôi đã về xác định, kiểm tra. Nguyên nhân thì ngoài ảnh hưởng của mưa lũ, sâu bệnh, có thể do chất đất chưa phù hợp, quy trình chăm sóc chưa đúng. Còn về giống thì chưa thể khẳng định”, ông Hữu cho biết.
Theo ông Lê Quang Vinh, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hương Khê thì việc nhiều diện tích cam cùng bị như vậy là điều khác lạ, nhưng chưa thể khẳng định cam bị vậy là do giống hay quy trình chăm sóc.
“Nguyên nhân ban đầu có thể do quy trình chăm sóc không đảm bảo và ánh hưởng của thổ nhưỡng, đất đai thường… Việc nhiều diện tích cam cùng bị như vậy là điều khác lạ, nhưng chưa thể khẳng định cam bị vậy là do giống hay quy trình chăm sóc. Chúng tôi đang kiểm tra và tìm hiểu rõ nguyên nhân để có biện pháp”, ông Vinh cho biết.
Bệnh viện vận động 140 cán bộ để có 200 triệu hỗ trợ gia đình sản phụ tử vong sau ca mổ
Liên quan đến việc hỗ trợ 200 triệu đồng cho sản phụ bị tử vong sau ca mổ, phía Bệnh viện Đa khoa Nghi Xuân ... |