Cận cảnh 9 mẫu kiến trúc tuyệt đẹp của sân bay Long Thành |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam - CTCP tổ chức lấy ý kiến cộng đồng tại TP HCM. Ảnh Đại Việt |
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam – CTCP (ACV) đang tiếp tục lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ban tổ chức đã chọn ra 9 phương án thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành tiêu biểu được chọn lọc từ 16 đơn vị tham gia để lãnh đạo TP HCM, chuyên gia và người dân lựa chọn. Việc lựa chọn sẽ được diễn ra tại Nhà trưng bày triển lãm TP HCM nằm trên đường Lê Thánh Tôn, quận 1. Tại đây, chuyên gia và người dân sẽ được tận mắt thấy các phương án thiết kế được trưng bày bằng mô hình lẫn hình ảnh sinh động để có thể đưa ra sự lựa chọn chính xác. Việc lấy ý kiến cộng đồng tại TP HCM bắt đầu triển khai từ ngày 13/1 đến 23/1. Trước đó, việc lấy ý kiến cộng đồng đã diễn ra tại Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai…
Các mô hình thiết kế được trưng bày trong tủ kính tại địa điểm lấy ý kiến. Ảnh Đại Việt |
9 phương án thiết kế được trưng bày đáp ứng yêu cầu đảm bảo công năng sử dụng bền vững, hiệu quả, giữa bản sắc dân tộc, gần gũi thiên nhiên và gây ấn tượng cho hành khách về văn hóa, con người Việt Nam. Các đơn vị thiết kế mang đến nhiều ý tưởng độc đáo như : cây tre, chim sẻ, ruộng bậc thang, cánh bướm, lá cọ… Đặc biệt, có tới 3 phương án lấy ý tưởng từ hoa sen.
Ông Lê Quang Ninh (ngụ phường 11, quận Phú Nhuận) đến bỏ phiếu lựa chọn mẫu thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh Đại Việt |
Ông Lê Mạnh Hùng, Tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, việc tổ chức lấy ý kiến cộng đồng về phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành nhằm tham khảo đánh giá từ các tổ chức, cá nhân, giúp lựa chọn phương án hiệu quả cao nhất.
Ảnh chụp lại một bản phối cảnh thiết kế nhà ga sân bay Long Thành lấy ý tưởng từ cây tre Việt Nam. Ảnh Đại Việt |
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, đầu tư xây dựng một đường cất, hạ cánh, một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Chậm nhất đến năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác.
Giai đoạn 2, tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một đường cất hạ cánh cấu hình mở và một nhà ga hành khách để đạt công suất 50 triệu hành khách/năm và 1,5 triệu tấn hàng hóa/năm.
Giai đoạn 3, hoàn thành các hạng mục của dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm.
9 phương án thiết kế nhà ga hành khách sân bay Long Thành đều rất đẹp và độc đáo. Ảnh Đại Việt |
Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ACV sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển của Tổng công ty làm chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 của dự án.
Theo ACV, trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án phải qua 9 bước. Trong đó bước 8 là trình Quốc hội thông qua dự án đầu tư xây dựng trong kỳ họp tháng 10/2018.
Sau khi Quốc hội thông qua sẽ trình Thủ tướng phê duyệt dự án đầu tư xây dựng vào tháng 12/2018. Sau đó, giai đoạn thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán được thực hiện trong tháng 1/2019 đến tháng 9/2020.
Từ tháng 10/2020 sẽ thực hiện giai đoạn chuẩn bị xây dựng, tiến hành đấu thầu, hoàn thiện, ký kết hợp đồng để khởi công xây dựng dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành dự kiến vào ngày 1/4/2021.
Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD).
Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.