Người đàn ông hơn 20 năm sửa xe, nấu nước miễn phí cho người nghèo ở Sài Gòn

Từ nhiều năm nay, người dân con hẻm 96 Phan Đình Phùng (quận Phú Nhuận, TP HCM) đã quen với hình ảnh của ông Đỗ Văn Út - người thợ sửa xe có tấm lòng thơm thảo với người nghèo, người khuyết tật.

Say mê giúp đời

Hơn 20 năm hành nghề sửa xe tại đầu hẻm 96 là cũng từng ấy thời gian ông Út gắn với những công việc "ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng". Ngồi cùng PV trong cái nóng của tiết trời Sài Gòn, ông tâm sự: "Đa phần những người khuyết tật mà tôi gặp đều bán vé số hoặc chạy xe ôm. Với mình 5, 10 nghìn đã khó kiếm thì với người ta có được số tiền đó còn vất vả cỡ nào. Mình khó khăn một thì người ta khó khăn gấp đôi, ba lần mình." 

Cứ thế, những chiếc xe lắc tay, xe máy của người khuyết tật khi ghé vào chỗ của ông đều không phải mất tiền.

P1

Ông Đỗ Văn Út hành nghề sửa xe tại hẻm 96 Phan Đình Phùng. (Ảnh: Minh Quân).

Không chỉ vá xe miễn phí, ông Út còn là cầu nối giúp đỡ cho đám tang của những người nghèo quanh khu vực Bình Thạnh, Gò Vấp, quận 1. Theo lời ông, từ việc tình nguyện viết đơn xin quan tài cho những người nghèo qua đời, ông được một chủ trại hòm ở Gò Vấp biết đến và ngỏ ý hỗ trợ. 

Người này nói rằng, chỉ cần ông gọi đến báo thời gian, địa điểm tổ chức thì sẽ mang quan tài đến mà không cần bất cứ giấy tờ, thủ tục. Tiếng lành đồn xa, cái tên thân thương "ông Út xin hòm" ngày càng được nhiều người biết, gọi điện đến để xin và tặng.

P2

Trước khi có những tấm bảng này, ông Út đã thầm lặng vá giúp cho không ít người khuyết tật. (Ảnh: Minh Quân).

Bên cạnh đồ nghề sửa xe, ông Út còn "trang bị" gần 20 bình nước năm lít đựng trà và nước lọc nằm trên chiếc thùng xốp to chứa đá cây. Chỉ vào những bình nước với vẻ tự hào, ông nói đây là "đồ nghề" hàng ngày để ông làm thêm một việc tốt nữa - trà đá miễn phí. 

Cứ mỗi 20h, người đàn ông này lại nấu trà để nguội, rót vào bình chuẩn bị cho ngày hôm sau. Trời nắng thì có hơn 20 bình, mưa cũng khoảng chục bình cùng nước đá, mỗi ngày ông Đỗ Văn Út làm gần trăm lít trà đá miễn phí cho mọi người.

Chị Ngân (bán vé số) nói: "Nhờ có ổng (ông Út) với bình nước ở đây mà mấy người bán vé số, xe ôm đỡ tốn tiền mua nước bên ngoài, cũng tiết kiệm được thêm một vài đồng".

P3

"Đồ nghề" hàng ngày của người đàn ông hào hiệp. (Ảnh: Minh Quân).

Vui buồn nghiệp "vác tù và"

Trong suốt hơn chục năm giúp đời, người đàn ông này đã sở hữu cho mình một "gia tài" đặc biệt. Đó là những mạnh thường quân, người thì giúp quan tài cho người nghèo, người thì góp vài trăm ngàn để duy trì bình nước từ thiện, người lại gửi tặng chi phí để mua lốp xe thay mới cho người khuyết tật… Tất cả những tấm lòng thơm thảo đó, thông qua ông Út đã tìm đến được với những người cần giúp đỡ. 

P4

Mấy chục năm ông Út miệt mài giúp đỡ những mảnh đời khốn khó. (Ảnh: Minh Quân).

Ông Út kể, nhiều khi vừa dọn hàng, vá được vài chiếc xe là nhận được điện thoại có người cần xin quan tài. Thế là chẳng kịp thu dọn, ông chạy đến với người cần, lo liệu chu tất xong xuôi nhiều khi về đến nơi là kịp lúc… dọn dẹp đồ nghề. Nhiều người hiểu rồi tìm đến giúp đỡ nhưng cũng có người xì xầm chắc ông được tiền bạc hay lợi ích gì nên mới làm việc này, chứ ai lại làm việc không công.

Bỏ qua những lời không hay và sự vất vả, động lực để người đàn ông này tiếp tục trong hơn chục năm trời chỉ đơn giản là nụ cười và niềm vui của người được giúp đỡ. Với ánh mắt thật hiền, ông nhớ lại: "Hồi trước có hai vợ chồng kia gặp tai nạn giao thông, vợ chẳng may bị chấn thương nặng qua đời, còn chồng dù chỉ xây xát nhẹ nhưng phải gánh nỗi lo chi phí để chuẩn bị đám tang cho vợ. May nhờ có người chỉ dẫn mà người chồng tìm đến tôi". 

Không chỉ xin quan tài, ông còn chạy ngược chạy xuôi để nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ những khoản chi phí khác. Cầm số tiền được hỗ trợ, người chồng ấy rớt nước mắt: "May mà còn có tấm lòng của người Sài Gòn, chứ mình tôi cũng không biết xoay sở sao".

P5

Ông Út bỏ ngoài tai sự nghi kị, lời dèm pha để tiếp tục làm "ông bụt" giữa đời thường. (Ảnh: Minh Quân).

Tạm biệt người đàn ông với làn da sạm nắng ở một con hẻm giữa Sài Gòn náo nhiệt, PV vẫn nghe văng vẳng câu nói: "Mình nghèo, người ta cũng nghèo. Nhưng nếu mình vì vài lời nói mà bỏ cuộc thì ai giúp mấy người nghèo bây giờ?"...

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.