Ông Hoàng Văn Dùng (bìa trái) trở về với bố mẹ sau gần 40 năm bặt tin |
Những ngày qua, cả xã Tiên Cường xôn xao chuyện ông Dùng trở về nhà sau gần 40 năm mất tích. Biết tin, UBND H.Tiên Lãng đã đến thăm hỏi, động viên gia đình, đồng thời giao Huyện đội Tiên Lãng tiến hành các bước để làm chế độ chính sách cho ông Dùng.
Theo ông Trần Văn Khanh, Phó chủ tịch UBND H.Tiên Lãng, ông Dùng là con trai cả của ông Hoàng Văn Dược (87 tuổi) và bà Nguyễn Thị Cảnh (86 tuổi). Tháng 5/1974, ông Dùng xung phong đi bộ đội và chiến đấu tại chiến trường miền Nam.
Sau năm 1975, ông Dùng thuộc C18, Trung đoàn 141, Sư đoàn 7, Quân đoàn 4 đóng tại Bến Dầu, tỉnh Tây Ninh. Trong một trận chiến với Kmer đỏ, ông Dùng bị thương rồi mất tích.
Kể từ đó, đồng đội và người thân đã cố gắng tìm kiếm ông Dùng bằng nhiều cách. Đặc biệt là sự quyết tâm kiếm tìm của ông Trần Văn Hoàn (59 tuổi, ngụ tại Q.12, TP.HCM), người anh em con cô con cậu với ông Dùng.
“Năm 1996, tôi quyết định vào Nam lập nghiệp. Trước khi chia tay mọi người, tôi hứa với bố mẹ anh Dùng rằng chỉ cần tôi còn sức thì sẽ tìm cho được anh Dùng. Chết phải tìm được mộ, sống phải tìm được người”, ông Hoàn kể lại.
Đến năm 2015, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh có công văn thông báo ở nghĩa trang Bến Dầu có mộ liệt sĩ Hoàng Văn Dùng (sinh năm 1955, quê Tiên Cường, H.Tiên Lãng, TP.Hải Phòng).
“Lúc này, cả nhà nghĩ anh Dùng đã hy sinh nên lập bàn thờ. Chính quyền cũng đang làm hồ sơ liệt sĩ cho anh”, ông Hoàn cho biết.
Hồi ức tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 của người lính đặc công |
Tuy nhiên, đầu tháng 4 vừa qua, ông Hoàn nhận được cuộc gọi cho biết ông Dùng còn sống và đang ở Bình Dương, người gọi đến còn cung cấp số điện thoại liên lạc với ông Dùng.
“Tôi gọi cho anh Dùng thì anh ấy tắt máy. Tôi sợ gọi nhiều quá anh ấy đổi số thì rất khó để tìm nên nhờ công an tìm ra vị trí số máy. Tôi đến nơi mới biết anh ấy không còn bình thường, lúc nhớ lúc quên.
Gặp tôi, anh ấy tránh mặt và chỉ nói “tìm kiếm làm chi”. Tôi đi đi lại lại nhiều lần để gần gũi và xác minh rõ xem anh ấy có phải là anh Dùng hay không”, ông Hoàn nói.
Theo ông Hoàn, ông Dùng đang sống với vợ là bà Nguyễn Thị Sê, hơn ông Dùng 13 tuổi. Bà Sê chính là người tìm thấy ông Dùng đang bị thương và sốt rét trong một khu rừng ở Tây Ninh, giáp biên giới Campuchia. Bà Sê đã đưa ông Dùng về chăm sóc, rồi họ trở thành vợ thành chồng. Từ đó đến nay, ông Dùng sống cùng bà Sê ở P.Thới Hòa (TX.Bến Cát, Bình Dương).
Nước mắt mẹ già
Do ảnh hưởng của vết thương và bệnh tật, ông Dùng đã mất trí nhớ. Gần 40 năm qua, ông Dùng không một lần nhắc đến bố mẹ hay họ hàng người thân khiến người nhà bà Sê có nhiều thắc mắc. Đến khi con riêng của bà Sê đọc được thông tin tìm kiếm ông Dùng của ông Hoàn đã chủ động liên lạc.
Sau hơn 1 tháng kiểm tra các thông tin và đặc điểm cơ thể, ông Hoàn khẳng định ông Dùng chính là người anh họ đã mất tích gần 40 năm của mình. “Thuyết phục mãi, tôi mới đưa được anh Dùng về quê vào trưa 6.5. Trước đó, anh ấy thường xuyên thay đổi ý định. Hôm 4.5 còn trốn không cho tôi gặp”, ông Hoàn nói.
Nhận được tin con trai trở về, bà Nguyễn Thị Cảnh mừng vui trong nước mắt. “Tôi gần đất xa trời rồi, cứ ngỡ chỉ gặp được con dưới suối vàng mà không ngờ có ngày nó trở về với tôi.
Thấy nó tôi nhận ra ngay, nó giống bố nó như đúc, từ dáng đi đến cử chỉ. Tôi ôm nó khóc, nó ngơ ngác không nhận ra tôi”, bà Cảnh vừa nói vừa đưa mắt nhìn ông Dùng đang nằm ôm đầu trong nhà.
Từ khi về nhà đến nay, ông Dùng không nhận ra ai. Đã quá nhiều năm trôi qua, ông Dùng lại có trí nhớ không bình thường, thật khó để ông nhận ra người thân.
Thế mà đêm 6.5, khi họ hàng, bà con lối xóm về hết, trong nhà chỉ còn ông Dùng ngồi ngẩn ngơ, bà Cảnh lại gần vỗ về, hỏi: “Mày có nhận ra ai không?” thì ông Dùng nhẹ nhàng nói: “Mẹ, con nhận ra mẹ mà”. “Sao mày không nói?”, bà Cảnh hỏi tiếp thì ông Dùng lại im lặng quay mặt đi.
“Chắc nó mệt và sốc, nhưng như thế là tôi vui lắm rồi, hạnh phúc lắm rồi. Bây giờ tôi chỉ mong nó mạnh khỏe thôi”, bà Cảnh chia sẻ trong sự hân hoan lộ rõ trên gương mặt đầy nếp nhăn và đồi mồi.
Bà mẹ dặn dò tân binh: Sống xứng đáng là một người lính cụ Hồ
Sáng 16/2, tại TP HCM gần 4.000 tân binh đã lên đường nhập ngũ, trong đó có 5 nữ, trình độ trung cấp trở lên ... |