Từ Atlanta (bang Georgia), Tallahassee (bang Florida) và Austin (bang Texas) đến Bismarck (bang North Dakota), Boise (bang Idaho) và Phoenix (bang Arizona), người biểu tình tập trung thành đám đông từ vài chục đến vài nghìn người để phản đối chiến thắng của ông Biden.
Thậm chí, một số họ còn công khai mang theo súng và tranh chấp nổ ra ở một số thành phố, AP đưa tin.
Bên ngoài Atlanta, thành trì lâu năm của Đảng Cộng hòa tại bang Georgia, người biểu tình hô vang "Bắt nhốt ông ta [Biden] lại!".
Trong khi đó, số khác lại la lớn "Chuyện này vẫn chưa kết thúc!" và "Tin giả!". Ước tính có khoảng 1.000 người ủng hộ ông Trump tham gia. Đường phố thì ngập tràn cờ Mỹ và biểu ngữ về đương kim Tổng thống Mỹ.
Theo AP, cuộc biểu tình không xuất hiện bạo lực, song có lúc cảnh sát phải tách những người phản đối ông Trump ra khỏi nhóm ủng hộ. Ông Joe Biden đang duy trì cách biệt khá suýt soát với ông Trump tại Georgia. Lần cuối cùng bang Georgia ngả về Đảng Dân chủ là vào năm 1992.
Jordan Kelly, thanh niên 29 tuổi đến từ thành phố Murfreesboro (bang Tennessee), đã lái xe hơn 3 giờ đồng hồ để đến Atlanta tham dự cuộc biểu tình ủng hộ ông Trump.
"Gian lận bầu cử đang diễn ra ở đây", anh Kelly khẳng định. Đồng thời, nam thanh niên còn cáo buộc cử tri tại Georgia đã kiểm phiếu không đúng cách nên ông Biden mới dẫn trước. Georgia vốn là một bang có thống đốc và người đứng đầu cơ quan bầu cử thuộc Đảng Cộng hòa.
"Dù tôi sống tại bang Tennessee, tôi vẫn là một công dân Mỹ và tôi muốn đảm bảo người dân Mỹ có tiếng nói riêng trong cuộc bầu cử năm nay", Kelly nói tiếp.
Vào tuần tới, anh dự định sẽ lái xe 10 tiếng đến thủ đô Washington để đồng hành cùng người biểu tình trước Tòa án Tối cao, nơi Tổng thống Trump và các luật sự đã tuyên bố sẽ khởi kiện vụ việc.
Trong khi đó, người biểu tình chống ông Trump ở thủ đô Washington lại la ó, hét những lời lẽ tục tĩu, hô hào "Kẻ thua cuộc! Kẻ thất bại" và chỉ trỏ đoàn xe của ông Trump khi ông từ sân golf ở Virginia trở về Nhà Trắng hôm 7/11. Hành động của hai phe cho thấy những cảm xúc lẫn lộn của người dân Mỹ trước tình trạng chia rẽ sâu sắc của đất nước.
Ở diễn biến khác, người phản đối còn dán hai tấm biển trước khách sạn của ông Trump tại Washington, kêu gọi ông "Đừng làm kẻ thua cuộc!" và "Hãy chấp nhận thực tế!".
Trái với những cáo buộc gây chia rẽ của đương kim Tổng thống Mỹ, ông Biden lại phát đi thông điệp kêu gọi nước Mỹ đoàn kết vào đêm 7/11. Ông khuyên người dân nên "bỏ qua những lời lẽ gay gắt, hạ bớt cái tôi" và "đừng đối xử với đối thủ như kẻ thù".
Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc gian lận phiếu bầu nghiêm trọng như ông Trump khẳng định. Trên khắp đất nước, một số quan chức Đảng Cộng hòa do dân bầu đã bắt đầu xa lánh ông Trump và thúc giục ông chấp nhận thất bại một cách nhẹ nhàng.
Bà Barbara Perry, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Virgina, nhận định thái độ thẳng thừng từ chối chiến thắng của ông Biden từ phía ông Trump và người ủng hộ dường như đại diện cho một xu hướng mới trong lịch sử chính trị Mỹ.
"Trong quá khứ thường không có mấy nhà lãnh đạo mất chức tổng thống mà quay sang nói với người ủng hộ rằng phiếu bầu của ông ta bị đánh cắp", bà Perry lí giải. "Các tổng thống đương nhiệm từng khá điên rồ, đến mức họ không đến dự lễ nhậm chức của người kế nhiệm nhưng chưa có trường hợp nào như thế này".
Khoảng vài nghìn người ủng hộ ông Trump đã tập trung tại thủ phủ Harrisburg của bang Pennsylvania để biểu tình. Khoảng hai chục người đàn ông khác được trang bị vũ khí hạng nặng cũng tham gia.
Tại thủ phủ Phoenix bang Arizona, đám đông biểu tình đã thu hút hơn 1.000 người tham dự trong vài giờ. Hiện tại, ông Biden đã giành chiến thắng tại bang Arizona.
Bà Kelli Ward, cựu thượng nghị sĩ kiêm Chủ tịch Đảng Cộng hòa bang Arizona, bình luận: "Thật đáng ngờ khi Tổng thống Trump lại thất thế tại Arizona sau khi chứng kiến làn sóng đỏ tại bang này. Tôi muốn biết liệu có sai khác nào với các con số từ máy kiểm phiếu ra hay không".
Hơn 1.000 người khác đã tập trung tại Austin, bang Texas. Cảnh sát phải giữ người ủng hộ ông Trump và ông Biden ở hai phía đối diện của đường phố. Vài trăm người biểu tình đã xuất hiện ở thành phố Salem, bang Oregon để kêu gọi "Ngừng đánh cắp phiếu bầu".
Ngay cả ở các địa phương xa xôi hơn, người biểu tình cũng tụ tập thành từng toán để bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Trump và trút sự thất vọng về kết quả cuộc bầu cử. Bên ngoài thủ phủ Bismarck của bang North Dakota, phái đoàn quốc hội (toàn bộ đều thuộc Đảng Cộng hòa) cũng tham gia cùng người biểu tình.