Mỹ phẩm, thực phẩm chức năng dỏm ‘nóng’ dịp cận Tết | |
Phát hiện kho mỹ phẩm ngoại cực lớn nhưng không rõ nguồn gốc |
Mẫu son Shu nổi tiếng Nhật Bản được cho là xách tay về Việt Nam do một chủ cửa hàng bán mỹ phẩm giới thiệu với chúng tôi. Ảnh Đại Việt |
Chúng tôi liên hệ với một shop chuyên bán mỹ phẩm xách tay Nhật Bản tại phường 4, quận Tân Bình và tỏ ý muốn mua một cây son Shu Uemura. Người bán hàng báo giá 590.000 đồng cho sản phẩm này.
Sau đó, chúng tôi liên hệ với một shop khác ở quận 10 thì giá của thỏi son này là 650.000 đồng và một shop khác tại quận Gò Vấp là 500.000 đồng.Tại Việt Nam, các loại mỹ phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc hay collagen được cho là xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc đang bày bán trên hàng nghìn wedsite và tài khoản facebook.
Chỉ với 3 điểm bán son mà giá của loại son Shu Uemura đã chênh nhau đến 150.000 đ/thỏi.
Bạn Nguyễn My (người Việt Nam sống tại Nhật Bản) chia sẻ, ở Nhật Bản không có nơi nào bán rẻ hơn giá niêm yết của các hãng đưa ra, cho dù vào siêu thị mua với số lượng lớn thì giá cũng không thay đổi, trừ khi đó là dịp giảm giá. Một thỏi son Shu Uemuara ở Nhật có giá khoảng 3.456 Yên Nhật (tức khoảng 700.000 đồng) nên khi về Việt Nam sẽ không thể có giá 500.000 đồng được. Bởi, người bán sẽ phải cộng thêm tiền vận chuyển, tiền lợi nhuận kinh doanh vào sản phẩm.
Theo My, những sản phẩm son môi được cho là xách tay và có giá thành rẻ đều rất “đáng ngại”.
“Có thể những loại mỹ phẩm rẻ tiền được xách tay từ Nhật Bản về Việt Nam đều được lấy từ các cửa hàng mỹ phẩm giá rẻ của người Trung Quốc đang bày bán tại nhiều nơi ở Nhật Bản hoặc chỉ là hàng nhái, hàng kém chất lượng. Đừng vì rẻ mà để ảnh hưởng đến sức khỏe, sắc đẹp của mình. Hãy là người tiêu dùng thông minh”, My nói.
Nhiều cửa hàng bán mỹ phẩm giá rẻ của người Trung Quốc có mặt tại nhiều nơi ở Nhật Bản. Ảnh Nguyễn My |
Ngoài son môi, chúng tôi tiếp tục khảo giá các loại mỹ phẩm được cho là xách tay từ Nhật Bản như: kem dưỡng ban đêm, sữa dưỡng da, sữa rửa mặt, nước hoa hồng, sữa dưỡng ẩm… và nhận thấy giá cả mỗi nơi mỗi khác. Giá các sản phẩm cùng loại chênh lệch nhau có khi lên đến 20-30%.
Ngọc Linh, chủ một cửa hàng bán mỹ phẩm xách tay tại quận Phú Nhuận tư vấn cho chúng tôi về sản phẩm sữa dưỡng da Revital Moisturizer. Theo Linh, đây là sản phẩm được xách tay từ Nhật Bản về và đang được giảm giá, giá bán hiện tại là 1,3 triệu đồng, trước đó, sản phẩm này có giá 1,6 triệu đồng.
Tôi hỏi “Sản phẩm có tem nhãn, xuất xứ hay giấy tờ kiểm định chất lượng sản phẩm không?”
Linh tỏ vẻ khó chịu và nói “Anh không mua thì thôi, hàng xách tay làm gì có mấy thứ đó”.
Chị Trần Thị Vân Anh (ngụ quận Tân Phú) cho biết, ngày trước chị cũng có lần mua mỹ phẩm xách tay từ Hàn Quốc về dùng nhưng bị dị ứng nên chị đã ngưng dùng sản phẩm này. Chị cảm thấy bất an với những sản phẩm không rõ thông tin, nguồn gốc nên hiện nay, chị Vân Anh chỉ vào siêu thị và trung tâm thương mại lớn để mua mỹ phẩm cho mình.
Hàng ngàn chai mỹ phẩm xách tay từ nước ngoài không rõ nguồn gốc bị Đội Quản lý thị trường quận Bình Thạnh phát hiện, bắt giữ. Ảnh Đại Việt |
Theo đại diện một công ty chuyên nhập khẩu mỹ phẩm về Việt Nam thì sản phẩm chính hãng phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt với những thông tin cơ bản để người tiêu dùng phân biệt được thành phần, công ty chịu trách nhiệm về sản phẩm, đăng ký chất lượng. Một số hàng nhái còn làm cả tem phụ bằng tiếng Việt nhưng cũng có rất nhiều lỗi để phân biệt, như ghi hàng sản xuất tại Singapore (trên thực tế một đất nước với diện tích nhỏ như Singapore lại không có nhà máy), cho in công ty chịu trách nhiệm nhưng lại không có địa chỉ chính xác. Nhãn bị sai lỗi chính tả tiếng Anh, hoặc thông tin trên tiếng Anh và tiếng Việt sai lệch nhau.
Trong khi đó, mỹ phẩm chính hãng phải có số lô sản xuất, ngày sản xuất, ngày hết hạn. Được in ấn với thiết bị tiên tiến, hoàn toàn khác biệt với sản phẩm nhái, được in mực hoặc nổi. Ngoài ra, còn vô số cách nhận biết mỹ phẩm kém chất lượng trên mạng mà người tiêu dùng có thể tham khảo.
Bác sĩ Lê Hoa, Bệnh viện Da liễu Trung ương khuyến cáo, nhiều bệnh nhân đến bệnh viện trong tình trạng mặt mũi sưng đỏ, biến dạng, nổi sần, chảy nước… Nhiều nguyên nhân khiến bệnh nhân bị dị ứng với mỹ phẩm, có thể là do cơ địa hoặc cũng có thể là trong thành phần của mỹ phẩm có quá nhiều hàm lượng các chất không cho phép, gây tổn thương cho các khu vực tiếp xúc.
Nếu tùy tiện sử dụng mỹ phẩm mà không tìm hiểu kỹ các thành phần bên trong thì có thể bị dị ứng ngay sau vài giờ hoặc vài ngày sử dụng. Nhẹ thì đỏ mặt, phù nề, ngứa. Nặng có thể dẫn đến hoại tử, tê liệt bộ phận tiếp xúc với mỹ phẩm hoặc tử vong.
“Mọi người nên chú ý các thành phần có trong mỹ phẩm để tránh những chất có thể gây dị ứng cho da. Trước khi dùng phải thử vào phần da phía trong của cánh tay, xem có bị dị ứng không và cần bảo quản mỹ phẩm đúng cách để tránh làm cho các chất bên trong mỹ phẩm biến tính. Khi bắt đầu có dấu hiệu bị dị ứng, nên đến ngay những cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và chữa trị kịp thời”, bác sĩ Hoa nói.