Từ ngàn xưa, người Việt Nam luôn coi trọng Tết Nguyên đán - Tết cổ truyền của dân tộc bởi đây là dịp quan trọng để con cháu hiếu kính với ông bà cha mẹ, đặc biệt là với tổ tiên đã mất.
Nhà nghiên cứu Toan Ánh, trong sách Nếp cũ - Làng xóm Việt Nam, đã thống kê lại một số những tục lệ, lễ nghi của con cháu Việt xưa thực hiện để tưởng nhớ tổ tiên của mình dưới đây.
Trong dịp Tết, con cháu thường biếu Tết ông bà cha mẹ còn sống. Còn đối với ông bà cha mẹ đã khuất núi, người con trưởng giữ việc khói hương, ngày Tết phải có cỗ bàn cúng các cụ; còn những người con thứ ngoài gửi Tết từ trong năm còn làm cỗ mang tới nhà con trưởng để cúng Tết, cỗ này gọi là cỗ đơm.
Ngày mùng 2 Tết, những người con thứ mang cỗ đơm tới nhà người gia trưởng để đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên. Hết một tuần nhang, những cỗ bàn này được dọn xuống để tất cả con cháu cùng ăn.
Việc làm cỗ đơm ngày Tết có những ý nghĩa rất đẹp là để con cháu tỏ lòng biết ơn tổ tiên và cũng là dịp đại gia đình sum họp, cùng nhắc lại những kỷ niệm của ông bà cha mẹ đã khuất.
Mâm cỗ có thể đơn sơ nhưng trầu cau, rượu, vàng hương là những đồ lễ cúng bái không thể thiếu được.
Trong 3 ngày Tết, ngày hai lần, người ta thường có mâm cơm cúng các cụ và đốt đèn hương trên bàn thờ liên tục.
Đến sáng mùng bốn, người ta làm lễ cúng tiễn ông vải. Đối với những nhà gặp phải ngày xấu, không hợp tuổi của người chủ nhà, phải cúng tiễn các cụ trước hoặc sau một ngày.
Sau lễ cúng tiễn ông vải là lễ hóa vàng. Bao nhiêu vàng mã đã cúng trong ngày Tết đều được đem đốt sau tuần cúng tiễn các cụ.
Khi vàng đốt gần hết, người ta đổ vào đống tro vàng một chén rượu cúng. Tục tin rằng có như vậy thì ở dưới cõi âm, vàng mã mới biết thành vàng để các cụ nhận được và tiêu.
Sau đó, người ta đem hai cây mía (dựng ở hai bên bàn thờ gia tiên được mua từ trong năm để thờ 3 ngày Tết) ra hơ trên những tàn vàng mã còn đang đỏ ối. Tục tin rằng hai cây mía đó được các cụ dùng để gánh vàng về cõi âm và cũng là khí giới chống lại bọn quỷ sứ muốn cướp vàng.
Lễ hóa vàng chấm dứt ngày Tết tạ các gia đình. Do đó, sáng mùng bốn Tết, các con cháu thường tề tựu tại nhà gia trưởng để cùng nhau ăn uống kết thúc ngày Tết. Sau bữa cơm này, những còn cháu làm ăn nơi xa lại ai đi phương nấy.
Người Việt thường chuẩn bị những mâm cỗ thịnh soạn để cúng gia tiên. Ảnh: Quỳnh Trang.
Tại nhiều làng, người ta không đi thăm mộ trước Tết mà đợi qua năm, sau khi hóa vàng tiễn các cụ mới cùng nhau đi viếng mộ đầu xuân.
Hầu hết già trẻ lớn bé trong gia đình đều đi viếng mộ. Họ mang hương để cắm, vàng để đốt tại mộ và cuốc xẻng để nhổ hết các khóm cây dại mọc lẫn rồi đắp các nấm mộ cho cao, đẹp.
Thăm mộ là một tục rất đẹp và ý nghĩa. Tục này còn, gia đình còn và con người sẽ không bao giờ mất gốc.
Động thổ nghĩa là động đến đất, và lễ động thổ là lễ động đến đất.
Hàng năm, sau ngày mùng 3 Tết, các làng thường làm lễ động thổ, trong đó có lễ cúng Thổ thần để trình xin cho dân làng được bắt đầu cuốc xới làm nông. Lễ vật gồm có hương đăng, trầu rượu, y phục và kim ngân đồ mã.
Sau lễ này, dân làng mới được động tới đất. Trong 3 ngày Tết, nếu không may có ai qua đời, tang gia không được chôn ngay mà phải chờ làng làm lễ động thổ xong mới được đào huyệt làm ma.
Lễ khai hạ còn gọi là lễ hạ nêu, nghĩa là hạ cây nêu xuống. Cây nêu trồng trong năm khi sửa soạn đón Tết, được giữ cho đến ngày mùng 7 tháng Giêng mới được hạ xuống sau một cuộc cúng lễ trời đất ở ngoài sân. Đồng thời người ta cũng cúng gia tiên, Thổ công và Thần tài.
Sau lễ này, mọi công việc của người dân dần dần trở lại.
Khu đô thị nhà giàu Phú Mỹ Hưng (quận 7, TP.HCM) vừa khai mạc hội hoa xuân, thu hút nhiều du khách đến tham quan và chụp ảnh.
Hai ngày cuối tuần cuối cùng của năm cũ, nhiều gia đình và khu dân cư ở Hà Nội tụ họp, quây quần rửa lá dong, đãi đỗ, bắc bếp gói bánh chưng chuẩn bị đón Tết Mậu Tuất.
cỗ đơm
lễ khai hạ
lễ động thổ
tảo mộ
hóa vàng
Bình luận