Thời gian qua, hàng loạt doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc đã tuyên bố vỡ nợ. Đáng chú ý, nhiều chính quyền địa phương lại là cổ đông lớn tại các công ty này.
Vụ việc làm dấy lên lo ngại rằng một số địa phương có thể sẽ không trả được nợ, bao gồm loạt khoản vay nằm ngoài bảng cân đối kế toán thông qua các kênh tài chính địa phương (LGFV). Hơn nữa, nguy cơ vỡ nợ còn khiến một số chuyên gia lo ngại sẽ dẫn đến thiệt hại kinh tế lớn hơn.
Năm nay, khối nợ của các chính quyền địa phương tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã phình to sau khi Bắc Kinh nâng mức thâm hụt ngân sách tài khóa và hạn ngạch nợ địa phương để đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng và ổn định nền kinh tế hậu Covid-19. LGFV là nền tảng huy động vốn chính cho các dự án cơ sở hạ tầng địa phương, South China Morning Post lưu ý.
Số dư trái phiếu chưa thanh toán do các kênh LGFV báo cáo đã tăng hơn 10% trong quý III năm nay, bất chấp hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị chững lại. Điều này cho thấy "quyết tâm của các chính quyền địa phương trong việc tăng cường hỗ trợ tài khóa để kích thích nền kinh tế", báo cáo tháng trước của ngân hàng Pháp Natixis nhận xét.
Trong một báo cáo công bố hồi đầu tuần này, Moody's Investors Service đánh giá triển vọng nợ công của chính quyền địa phương và khu vực tại Trung Quốc năm 2021 là "tiêu cực" vì đà phục hồi kinh tế của Trung Quốc không đồng đều trên cả nước.
Nhà phân tích Yubin Fu của Moody's cho hay, các đợt cắt giảm thuế để đối phó với đại dịch Covid-19 đã kéo căng các điều kiện tài chính đối với nhiều chính quyền địa phương. Do đó, các chính quyền này buộc phải tăng nợ dự phòng thông qua doanh nghiệp nhà nước tại địa phương và qua các kênh LGFV.
Hôm 8/12, cựu Thứ trưởng Bộ Tài chính Trung Quốc Zhang Hongli cho biết, khoảng 60% trường hợp trong 10 tháng đầu năm 2020, chính quyền địa phương nhiều nơi phải "vay mới để trả nợ cũ". Đây là một dấu hiệu cho thấy hầu hết các chính quyền không thể tạo ra đủ dòng tiền để trang trải nợ nần.
Trong nửa đầu năm nay, nợ qua các kênh LGFV đã tăng thêm 3.700 tỉ nhân dân tệ (tương đương 565,9 tỉ USD), vượt xa mức tăng 3.300 tỉ USD của cả năm 2019, JPMorgan Chase ước tính.
Giới phân tích cho hay, dù các trường hợp vỡ nợ liên quan đến khối nợ do các kênh LGFV nắm giữ thường khá hiếm hoi, rủi ro lại đang tăng cao khi nguồn thu từ thuế và doanh số bán đất của chính quyền các địa phương sụt giảm.
Theo Fitch Ratings, nợ trái phiếu LGFV trên thị trường nội địa, dự kiến đáo hạn vào năm tới, sẽ cao hơn 21% so với cùng kì năm 2020.
"Lượng nợ trái phiếu LGFV đến hạn thanh toán trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ dẫn tới làn sóng vỡ nợ hàng loạt tại Trung Quốc", công ty nghiên cứu Enodo Economics (trụ sở tại Anh) nhận định.
Yongcheng Coal & Power Holding Group, một công ty do chính quyền tỉnh Hà Nam kiểm soát, đã không thể thanh toán nợ trái phiếu vào tháng trước. Điều này làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền địa phương sẽ đứng ra bảo lãnh cho Yongcheng và từ đó kích hoạt một đợt bán tháo trên thị trường trái phiếu.
Theo SCMP, hàng trăm giao dịch bán trái phiếu đã bị hủy bỏ hoặc hoãn lại do nhà đầu tư bắt đầu cân nhắc rủi ro về tình hình tài chính của chính quyền địa phương ở Trung Quốc.
Trong một báo cáo công bố tuần trước, Standard & Poors cho biết: "Chúng tôi tin rằng nhiều chính quyền địa phương vẫn sẽ thâm hụt ngân sách ở mức khoảng 15% tổng nguồn thu trong 2 - 3 năm tới, so với con số ước tính 20% của chúng tôi trong năm 2020".
"Dù các vụ vỡ nợ LGFV còn tương đối hiếm, chúng tôi cho rằng tỉ lệ này sẽ tăng lên", Standard & Poors nhấn mạnh.
Trong tuần qua, các quan chức cấp tỉnh ở Liêu Ninh, Quý Châu, Sơn Tây và Thiểm Tây đã tìm cách trấn an công chúng rằng khối nợ đã được kiểm soát, đồng thời khẳng định họ sẽ cải thiện khả năng quản lí rủi ro và đảm bảo uy tín trên thị trường vốn.
Đặc biệt, chính quyền tỉnh Liêu Ninh còn kêu gọi các doanh nghiệp nhà nước thực hiện trách nhiệm và tăng cường công khai thông tin minh bạch, tờ Liaoning Daily đưa tin.
Các công ty nhà nước do chính quyền cấp tỉnh ở đông bắc Trung Quốc kiểm soát đã được yêu cầu phải nghe theo hướng dẫn của chính quyền trung ương và "không khoan nhượng" với hành vi trốn thuế.
Theo một số nhà phân tích, một vụ vỡ nợ LGFV có thể gây ảnh hưởng lớn hơn đến nền kinh tế Trung Quốc so với vụ vỡ nợ của một công ty do chính quyền địa phương sở hữu.
"Nguyên nhân là do các công ty nhà nước phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng sinh lời, trong khi LGFV phụ thuộc nhiều hơn vào sự hỗ trợ của chính quyền địa phương", một nghiên cứu của Guangfa Securities lí giải.
"Một khi có vấn đề với nền tảng tài chính, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng nghi ngờ toàn bộ chính quyền khu vực hơn, do đó nó có thể gây ra rủi ro hệ thống trên cả một khu vực", báo cáo trên nhấn mạnh.