Thông tin trên Zing, PGS.TS Hoàng Công Đắc - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện E (Hà Nội) - cho biết sốc phản vệ xảy ra khi hệ miễn dịch của người bệnh nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà họ được tiếp xúc. Khi bị sốc phản vệ, cơ thể sẽ kích thích sản xuất chất histamine, sau vài phút, người bệnh sẽ có biểu hiện sốc .
Có 3 nguyên nhân chính khiến người bệnh sốc phản vệ, trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu. Tất cả các loại thuốc đều có thể gây sốc phản vệ cho người bệnh, hay gặp nhất là thuốc kháng sinh họ β lactam, chống viêm giảm đau, giãn cơ, chống co giật, cản quang, gây tê, gây mê…, Infonet thông tin.
Khi bị các loại côn trùng như ong, rắn, rết, bọ cạp, nhện…cắn, đốt thì lượng độc tố trong nọc côn trùng cũng có thể gây nên sốc phản vệ cho nạn nhân. Ngoài ra, một số loại thức ăn hay phấn hoa, nhựa cây cũng có thể gây sốc phản vệ.
Sốc phản vệ xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc ăn thức ăn lạ.
Bệnh nhân bị sốc phản vệ có dấu hiệu sớm như ngứa bàn tay, chân, tê môi, lưỡi, tím tái, khó thở, nhịp tim nhanh, cảm giác bồn chồn, hốt hoảng.
Sốc phản vệ làm giãn tĩnh mạch, tụt huyết áp, trụy tim mạch. Bệnh nhân bị đau đầu, chóng mặt, chân tay run, nhận thức lơ mơ, nói lảm nhảm, co giật toàn thân và có thể ngất xỉu hay hôn mê.
Nếu nguyên nhân bị sốc phản vệ do thực phẩm hay thuốc qua đường uống, bệnh nhân sẽ đau bụng dữ dội, nôn, buồn nôn, ỉa chảy không kiểm soát, chảy máu tiêu hóa.
Da của người bị sốc phản vệ bị mẩn ngứa, nổi mề đay, phù Quincke (là tình trạng sưng nề xuất hiện nhanh và đột ngột ở cả vùng dưới và trên bề mặt của da và niêm mạc, chủ yếu xuất hiện ở lưỡi, môi, mắt, quanh miệng, bàn tay, bàn chân, hầu họng và bộ phận sinh dục).
Nếu người bệnh thiếu oxy trong máu, giảm thể tích tuần hoàn dẫn đến toan máu và giảm co bóp cơ tim thì tức là đã đến giai đoạn nặng của sốc phản vệ. Triệu chứng của sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao.