Lãnh đạo LPBank tăng tiền gửi gần 10 lần, nhóm Xuân Thành rút mạnh đầu năm 2025

Nửa đầu năm nay, lượng tiền gửi của nhóm lãnh đạo LPBank tăng gần 10 lần, trong khi nhóm công ty Xuân Thành rút ra một lượng lớn tiền gửi tại ngân hàng này.

Một số nhóm nợ xấu tăng mạnh, chưa kéo được LDR về dưới 100%

Ngân hàng Thương mại CP Lộc Phát Việt Nam (LPBank) đã công bố BCTC giữa niên độ quý II/2025. Theo đó, BCTC ghi nhận dòng tiền 7.468,2 tỷ đồng chi ra để trả cổ tức. Đây là mức trả cổ tức bằng tiền mặt thuộc top cao nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Kết quả kinh doanh quý II của LPBank có nhiều điểm sáng với lợi nhuận sau thuế đạt 2,4 nghìn tỷ đồng. Con số này giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm vẫn đạt hơn 4,9 nghìn tỷ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2024.

6 tháng đầu năm, hoạt động cho vay khách hàng của LPBank tăng trưởng 11,2%. Cụ thể, tại thời điểm cuối quý II, lượng cho vay khách hàng của LPBank ghi nhận là 368,7 nghìn tỷ đồng, trong khi đầu năm ở mức 331,6 nghìn tỷ đồng.

 

Hoạt động cho vay của LPBank vẫn chủ yếu tập trung vào nhóm bán buôn, bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô tô, xe máy và xe có động cơ khác (chiếm 32,8%). Tỷ lệ cho vay vào các lĩnh vực rủi ro cao vẫn duy trì ở tỷ lệ thấp, trong đó nhóm kinh doanh bất động sản chỉ chiếm 2,8%, xây dựng 8,9%.

Về tình hình nợ xấu, BCTC của LPBank ghi nhận nợ nhóm 4 giảm tích cực 8,2%, từ 1.921,1 tỷ đồng đầu năm, xuống 1.762,7% cuối quý II. Tuy nhiên, nợ nhóm 3 lại tăng mạnh, ở mức 1.233,1 tỷ đồng, tăng 44,2% so với đầu năm. Nợ nhóm 5 cũng tăng 44,5%, từ 2.422,5 tỷ đồng đầu năm lên 3.427,5 tỷ đồng cuối quý II.

LPBank đã tăng mức dự phòng rủi ro cho vay từ 4,3 nghìn tỷ đồng đầu năm lên 4,8 nghìn tỷ đồng cuối quý II. Dù vậy, tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 82,7% xuống 75%.

Về huy động vốn, lượng tiền gửi của khách hàng tại LPBank tại thời điểm 30/6 là 313,2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm 31/12/2024. Trong đó, tiền gửi không kỳ hạn là 23.846,9 tỷ đồng, tương ứng CASA ở mức 7,6%.

Như vậy, chỉ số LDR của LPBank chưa kéo được về mức dưới 100% (LDR thuần, chưa bao gồm giấy tờ có giá đang ở mức 117,7%; LDR bao gồm giấy tờ có giá là 100,1%).

Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của LPBank đạt 513,6 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 1,04% so với thời điểm 31/12/2024.

Tinh giảm nhân sự, tăng lương

Nửa đầu năm nay, không chỉ các cổ đông của LPBank đón tin vui khi nhận cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ lớn, mà các nhân sự làm việc tại LPBank cũng được cải thiện thu nhập nhờ chiến lược tinh gọn bộ máy của ngân hàng.

Tại thời điểm 30/6, lượng nhân sự của LPBank là 9.203 người, giảm 2.909 người so với thời điểm cách đây 1 năm. Trong khi cắt giảm nhân sự, nửa đầu năm nay, LPBank đồng thời tăng chi cho lương cơ bản lên mức 1.400,8 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Nhờ vậy, tiền lương bình quân/tháng của mỗi nhân sự LPBank đang ở mức 24,22 triệu đồng so với 18,39 triệu đồng cùng kỳ năm ngoái.

Tổng thu nhập bình quân mỗi nhân sự tại ngân hàng này trong 6 tháng đầu năm tăng lên mức trung bình 26,94 triệu đồng/tháng (so với mức 21,19 triệu đồng/người/tháng cùng kỳ năm ngoái).

Lượng tiền gửi của lãnh đạo ngân hàng tăng gần 10 lần

Theo BCTC của LPBank, số dư chủ yếu với các bên liên quan nửa đầu năm có nhiều thay đổi.

Trong đó, lượng tiền gửi của Công ty CP Chứng khoán LPBank tăng 493,7%, ở mức 7.637 tỷ đồng vào cuối quý II so với 1.286,3 tỷ đồng cuối năm ngoái. Ở chiều ngược lại, cũng trong khoảng thời gian này, dư nợ cho vay của ngân hàng đối với Chứng khoán LPBank cũng tăng gần 13 lần, từ 451,9 tỷ đồng lên 5.851 tỷ đồng cuối quý II.

Số dư liên quan đến nhóm doanh nghiệp Xuân Thành tại LPBank giảm nhiều trong 6 tháng đầu năm. Trong đó, lượng tiền gửi của Công ty CP Xi măng Xuân Thành giảm từ 512,5 tỷ đồng cuối năm ngoái, xuống còn 37,7 tỷ đồng cuối quý II. Ở chiều ngược lại, dư nợ vay của Xi măng Xuân Thành tại LPBank cũng đã giảm từ 646.2 tỷ đồng xuống còn 600 tỷ đồng.

Lượng tiền gửi của Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng và Phát triển Xuân Thành giảm từ 214,8 tỷ đồng xuống còn 16,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Xuân Thành giảm từ 1.343 xuống còn 1.173 tỷ đồng; Công ty CP Tập đoàn Kinh tế Xuân Thành giảm từ 120 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng.

Trong khi đó, lượng tiền gửi của nhóm thành viên Hội đồng Quản trị, Ban Kiểm soát ngân hàng  tăng gấp 9,6 lần trong 6 tháng đầu năm, từ 22,9 tỷ đồng cuối năm ngoái lên 220,1 tỷ đồng cuối quý II.

Về các giao dịch với bên liên quan, đáng chú ý nhất là khoản 337,5 tỷ đồng chi phí hoa hồng dịch vụ mà ngân hàng chi cho Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam. Được biết, đây là hoa hồng liên quan đến hoạt cho vay khách hàng.

Về các chỉ tiêu ngoài báo cáo tình hình tài chính, tại thời điểm 30/6, khoản bảo lãnh vay vốn của LPBank ở mức gần 44 tỷ đồng, không thay đổi nhiều so với thời điểm đầu năm; hoạt động bảo lãnh khác là 3,8 nghìn tỷ đồng, tăng 26,7%…

Đáng chú ý, từ đầu năm đến nay, LPBank có tín hiệu đa dạng hoạt động kinh doanh, mở rộng mảng tài trợ thương mại quốc tế, khi khoản mục cam kết trong nghiệp vụ L/C có giá trị tăng gấp đôi so với thời điểm cuối năm 2024 (từ 484,5 tỷ đồng lên 1.050,5 tỷ đồng).

Liên quan đến việc xử lý nợ xấu, LPBank cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã xử lý được 10,8 nghìn tỷ đồng nợ khó đòi.

Tag:
chọn
Một công ty sở hữu 447 ha đất công nghiệp ở khu bắc Ninh Bình, chuẩn bị phát triển hai dự án 5.500 tỷ đồng
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình là chủ đầu tư KCN Châu Giang 2 và KCN Thanh Bình 2 - giai đoạn 1. Cả hai dự án này đều nằm trên địa bàn Hà Nam (cũ) với tổng vốn hơn 5.500 tỷ đồng.