Nhà đầu tư bí ẩn muốn thâu tóm bằng được Saigon Co.op

Doanh thu lên đến hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm, tỉ suất sinh lợi trên vốn góp (ROI) đạt bình quân khoảng 30%, Saigon Co.op thực sự là một món mồi béo bở mà các nhà đầu tư, tổ chức cá nhân bên ngoài thèm muốn.

Theo Kết luận thanh tra về việc chấp hành qui định pháp luật tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP (Saigon Co.op), Thanh tra TP HCM đã chỉ ra các dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản tại đơn vị này. 

Trong đó, sai phạm lớn nhất được chỉ ra là bất thường trong việc gấp rút thực hiện tăng vốn điều lệ năm 2020 khi chưa được cơ quan cấp phép kinh doanh chấp thuận. Thông qua các hợp tác xã (HTX) thành viên, lãnh đạo Saigon Co.op đã cho phép nhà đầu tư sở hữu vốn góp tại Saigon Co.op, dẫn đến nguy cơ Saigon Co.op bị thâu tóm. 

Câu hỏi đặt ra là ai đã đứng sau "hậu thuẫn tài chính" cho nhóm HTX vốn hoạt động không mấy nổi bật chi tới hàng nghìn tỉ đồng để sở hữu 50% vốn, qua đó có thể gián tiếp nắm quyền chi phối hoạt động tại Saigon Co.op? 

"Cho sói gửi chân" 

Được thành lập từ năm 1989, Saigon Co.op có tiền thân là Ban quản lí Hợp tác xã mua bán thành phố, sau đó được UBND TP HCM tái cơ cấu thành Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP với 26 HTX thành viên đến từ các quận huyện.

Saigon Co.op là tổ chức kinh tế HTX theo nguyên tắc xác lập sở hữu tập thể, hoạt động sản xuất kinh doanh tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Theo mô hình hoạt động của Saigon Co.op, Đại hội thành viên là tổ chức có quyền quyết định cao nhất.

Vì sao nhà đầu tư bí ẩn muốn thâu tóm bằng được Saigon Co.op? - Ảnh 1.

Chi tiết HTX góp vốn Saigon Co.op (Nguồn: H.N)

Cuối tháng 1/2020, Đại hội thành viên bất thường lần 1 của Saigon Co.op được tổ chức để thống nhất việc huy động vốn, mặc dù trước đó HĐQT của Saigon Co.op chưa xây dựng phương án huy động vốn, mục đích cụ thể của việc tăng vốn là gì.

Dù vậy, Đại hội thành viên bất thường đã đưa ra Nghị quyết thống nhất tăng vốn điều lệ từ 3.200 tỉ đồng lên 6.797 tỉ đồng. Kết quả, 20 trong tổng số 26 HTX thành viên tham gia góp vốn với số tiền hơn 3.597 tỉ đồng, tương đương khoảng 50% vốn sở hữu. Đơn vị góp nhiều nhất là hơn 952 tỉ đồng và đơn vị ít nhất là 50 triệu đồng.

Tuy nhiên, điểm bất thường trong góp vốn được kết luận thanh tra chỉ ra, đó là trong giai đoạn 2018 - 2019, có một số HTX hoạt động ở mức lợi nhuận sau thuế từ 5-6 tỉ đồng nhưng không tham gia góp vốn.

Trong khi đó, các HTX chỉ đạt mức lợi nhuận từ 24 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng lại tham gia góp vốn với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Trong đó, có 11 HTX góp vốn trên 200 tỉ đồng trong đợt này.

Đơn cử, HTX Linh Tây có vốn điều lệ chưa tới 600 triệu đồng, lỗ 49 triệu đồng nhưng số vốn góp vào lại lên đến 952 tỉ đồng. Hay như HTX thương mại Thị Nghè lỗ 163 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 244 tỉ đồng; HTX thương mại Đô Thành lỗ hơn 721 triệu đồng nhưng góp vốn hơn 247 tỉ đồng.

Trong quá trình thanh tra, Thanh tra TP HCM xác định các thành viên đã huy động vốn từ các thành viên bên ngoài, thậm chí còn có trường hợp kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với các cá nhân bên ngoài HTX. Điều này cho thấy đã có các tổ chức, cá nhân thông qua HTX thành viên để tham gia đầu tư vốn vào Saigon Co.op, kết luận thanh tra TP HCM nêu rõ.

Dù vậy, các HTX thành viên lại không cung cấp hồ sơ liên quan việc góp vốn, việc huy động vốn. Đáng chú ý, cho biết có 13 HTX thành viên ủy quyền cho ông Nguyễn Xuân Bính (ngụ phường Dương Nội, quận Hà Đông, TP Hà Nội) làm việc với đoàn thanh tra, nhưng người này cũng không cung cấp được các hồ sơ tài liệu theo yêu cầu của đoàn thanh tra để làm rõ nguồn vốn góp.

"Nếu không làm rõ được nguồn vốn tăng lên, Saigon Co.op sẽ bị chi phối bởi các tổ chức, cá nhân bên ngoài và không giữ được nguyên tắc tổ chức, hoạt động ban đầu", kết luận thanh tra viết.

Thanh tra TP cho rằng, đây là dấu hiệu thâu tóm, chiếm đoạt vốn, tài sản của Saigon Co.op được hình thành từ khi thành lập đến nay, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản chung (tài sản không chia) và tài sản của nhà nước. 

Vì sao là Saigon Co.op?

Được đánh giá là doanh nghiệp bán lẻ số 1 Việt Nam, Saigon Co.op đang chiếm 43% thị phần kênh siêu thị khi xét về doanh số bán hàng, gấp khoảng 4 lần so với doanh nghiệp đứng thứ hai.

Trong phân khúc đại siêu thị, doanh nghiệp này cũng là đơn vị bán lẻ nội địa duy nhất có đủ sức cạnh tranh sòng phẳng với các ông lớn ngoại như BigC (Thái Lan), Lotte Mart (Hàn Quốc) và Aeon Mall (Nhật Bản).

Theo số liệu gần nhất, doanh thu của Saigon Co.op đã gấp 30.000 lần so với thời điểm mới thành lập năm 1989.

Cụ thể, trong năm 2018 doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu đạt 32.000 tỉ đồng, năm 2019 là 35.000 tỉ đồng. 

Như vậy, từ doanh thu chưa đến 1 tỉ đồng tại thời điểm thành lập vào năm 1989, đến nay con số này của Saigon Co.op đã tăng hơn 30.000 lần sau 30 năm hoạt động, trung bình mỗi năm tăng trưởng doanh thu 1.000 lần.

Tại sao giới đầu tư muốn thâu tóm Saigon Co.op? - Ảnh 1.

Doanh thu Saigon Co.op qua các năm. đvt: tỉ đồng. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

So sánh với các doanh nghiệp bán lẻ nội địa như Bách Hoá Xanh của Thế giới di động và Vincommerce của Masan, dễ thấy Saigon Co.op vẫn đang dẫn đầu thị trường. Cụ thể, doanh thu của Bách Hoá Xanh trong năm 2019 đạt khiêm tốn 10.700 tỉ đồng, trong khi của Vincommerce là 23.500 tỉ đồng.

Đáng nói hơn trong khi Bách Hoá Xanh và Vincommerce vẫn đang trong giai đoạn chịu lỗ để đánh chiếm thị trường thì Saigon Co.op từ lâu đã trở thành cổ máy kiếm tiền và tăng trưởng với lợi nhuận dao động từ 800-1.500 tỉ đồng mỗi năm.

Tại sao giới đầu tư muốn thâu tóm Saigon Co.op? - Ảnh 2.

Doanh thu qua các năm của các đơn vị bán lẻ hàng đầu: Saigon Co.op, Vincommerce và Bách hoá xanh. đvt: tỉ đồng. (Đồ hoạ: Thiên Trường).

Hiện lĩnh vực kinh doanh chính mang về nguồn thu lớn nhất của Saigon Co.op vẫn đang là bán lẻ với hệ thống hàng trăm siêu thị, đại siêu thị, chuỗi cửa chàng thực phẩm, cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, kênh mua sắm qua truyền hình, thương hiệu Co.opmart, Co.op Food, HTVCo.op, Co.opXtra, Sense City, Co.op Smiles, Cheers,….

Tính đến tháng 5/2019, Saigon Co.op đã phát triển gần 700 điểm bán, trong đó có 113 siêu thị Co.opmart, 4 đại siêu thị Co.opXtra cùng hơn 300 cửa hàng Co.op Food, thu hút hơn 1 triệu  lượt khách tham quan mua sắm mỗi ngày.

Cuối năm ngoái, Saigon Co.op đã nhận chuyển nhượng hoạt động của thương hiệu bán lẻ Auchan Reatil Việt Nam (Pháp). Theo đó, Saigon Co.op nhận chuyển giao tất cả hoạt động Auchan tại Việt Nam, gồm: 15 cửa hàng hoạt động bán lẻ và cả kênh thương mại điện tử.

Sau thương vụ hoàn tất kí kết, Saigon Co.op tiếp tục duy trì thương hiệu Auchan cho đến hết tháng 2/2020, sau đó những cửa hàng Auchan tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Tây Ninh sẽ được chọn lọc để chuyển đổi sang thương hiệu bán lẻ của Saigon Co.op như Co.opmart, Co.opXtra hoặc Finelife.

Theo số liệu từ Saigon Co.op, hiện mỗi ngày, Co.opmart cung ứng ra thị trường hơn 4 triệu sản phẩm, trong đó có 200.000 bữa ăn và 250.000 tấn hàng bình ổn, phục vụ cho hơn 300.000 lượt khách.

Tính đến thời điểm hiện tại, Co.opmart trở thành một trong những hệ thống siêu thị hàng đầu và thành công nhất tại Việt Nam đủ sức cạnh tranh với các siêu thị nước ngoài. Nhờ sự am hiểu nhu cầu thị trường nội địa và phát triển các sản phẩm mang nhãn hiệu riêng, giúp Saigon Co.op tạo được giá trị gia tăng trong hoạt động bán hàng.

Bên cạnh đó, hoạt động thương mại, Saigon Co.op còn hoạt động trong lĩnh vực đầu tư bất động sản thương mại thông qua công ty thành viên là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Saigon Co.op (SCID - Mã: SID). 

Ngoài việc độc quyền phát triển hệ thống siêu thị Co-opmart, SCID còn đầu tư, xây dựng và quản lí các trung tâm thương mại như Sense City, SC Vivo City, khu đô thị An Phú…

Trong khi Masan phải tiêu tốn cả hàng tỉ USD cho thương vụ mua lại Vincommerce, thì Saigon Co.op rõ ràng là "miếng mồi ngon" trong mắt những nhà đầu tư đứng sau hậu thuẫn tài chính cho thương vụ thâu tóm này. 

"Tỉ suất lợi nhuận sau thuế đạt được từ 26 - 39% trên vốn góp là cơ sở để các cá nhân, tổ chức muốn thâu tóm Saigon Co.op", Thanh tra TP HCM nhận xét.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.