Đầu tháng 7/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang vừa có văn bản đề nghị Thủ tướng cho dừng việc lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc thành Đặc khu kinh tế cho tới khi Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (còn gọi là Luật Đặc khu) được Quốc hội thông qua. Đồng thời, lãnh đạo địa phương đề xuất cho phép tỉnh sử dụng ngân sách địa phương lập mới quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đảo Phú Quốc theo hướng trở thành Khu kinh tế Phú Quốc.
Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi 4 bộ: Xây dựng, Tư Pháp, Kế hoạch & Đầu tư, Tài chính để có ý kiến về đề nghị tạm dừng qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế đã thu hút sự quan tâm của dư luận cũng như các nhà đầu tư.
Một dự án của MIK tại Phú Quốc. (Ảnh: VnEconomy).
Ngày 29/7, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 với chủ đề: "Kiên Giang – Tiềm năng, cơ hội đầu tư và phát triển bền vững". Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành và các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL tham dự.Cụ thể, đã có 18 nhà đầu tư với 20 dự án có tổng số vốn 43.385 tỉ đồng vừa được UBND tỉnh này trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 diễn ra cuối tháng 7/2019. Một nửa trong số đó là đầu tư vào Phú Quốc đã cho thấy sức hút từ Đảo Ngọc lớn đến cỡ nào.
Theo thống kê, trong số các dự án đầu tư vào Phú Quốc có Công ty TNHH Mặt Trời Phú Quốc với 2 dự án Khu đô thị sinh thái An Thới, Hồ chứa nước Suối Lớn và nhà máy xử lý nước (Phú Quốc), tổng vốn đầu tư 5.100 tỉ đồng.
Công ty Cổ phần Trường Thịnh Phát với Tổ hợp thương mại, nhà ở biệt thự capital complex (Phú Quốc), vốn đầu tư 4.940 tỉ đồng. Công ty Cổ phần Đầu tư Địa ốc TP - Đảo Phú Quốc với Khu du lịch sinh thái và khu dân cư Rạch Tràm (Phú Quốc), vốn đầu tư 4.900 tỉ đồng; Khu đô thị cao cấp Đại Thành (Phú Quốc) có số vốn đầu tư 2.100 tỉ đồng của Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Nam Đại Thành.
Ngoài ra cũng phải kể tới các dự án mà mỗi dự án trị giá 2000 tỉ đồng gồm Khu đô thị cao cấp Dương Đông - Phú Quốc của Công ty Cổ phần Điện lực Hà Nội; dự án Khu phức hợp thương mại, căn hộ cao cấp Resident Hill Phú Quốc của Công ty Cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư và xây dựng Kiên Giang.
Đồng thời Phú Quốc cũng ghi nhận cam kết đầu tư từ Công ty CP Thương mại Tổng hợp Toan Vân với dự án Khu dân cư xã Cửa Cạn SUNCITY Phú Quốc có vốn đầu tư 900 tỉ đồng; Khu nhà ở cao cấp và thương mại dịch vụ Hasco (Phú Quốc) của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hasco có vốn đầu tư 900 tỉ đồng và Khu phố Palm Garden Phú Quốc của Công ty TNHH BIM Kiên Giang có vốn đầu tư 634 tỉ đồng.
Số vốn đầu tư của các dự án trên khoảng 23.474 tỉ đồng, chiếm 54,1% tống số vốn mà tỉnh Kiên Giang thu hút được từ hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Kiên Giang năm 2019 vừa qua.
Nhận định về đề nghị tạm dừng qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu kinh tế, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) cho rằng đã có một làn sóng đầu cơ bất động sản tại Phú Quốc khi có thông tin huyện đảo này sẽ trở thành đặc khu. Và nhiều nhà đầu tư lướt sóng đã có mặt để tìm kiếm cơ hội. Vời đề xuất tạm dừng qui hoạch Phú Quốc thành đặc khu của tỉnh Kiên Giang sẽ có tác động trực tiếp đến thị trường bất động sản và nó sẽ thiết lập lại mặt bằng giá để chấn chỉnh tình hình đầu tư trên địa bàn. Đây cũng là cơ hội để các cơ quan chức năng đấu tranh với các hoạt động đầu cơ.
"Như vậy những nhà đầu tư "lướt sóng", những nhà đầu cơ cuối cùng (những người mua đất và lưu lại với giá cao) trong thời gian vừa qua có thể sẽ bị thiệt hại. Đó cũng là cái giá phải trả bởi đầu tư nhằm mục đích lướt sóng, đầu cơ, hưởng chênh lệch giá thì không bền vững", ông Châu nói.