31% doanh nghiệp tại Việt Nam có phụ nữ làm lãnh đạo, mức cao nhất trên toàn khu vực Đông Nam Á. Đây là số liệu được ông Nguyễn Thế Hưng, Phó Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP HCM, đưa ra trong Hội thảo Women Will - "Sức mạnh phụ nữ thời đại Kinh tế số" được Google Việt Nam tổ chức tại TP HCM mới đây.
Tuy nhiên, nữ giời vẫn chịu nhiều áp lực. Đặc biệt khi làn sóng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 ập đến, phụ nữ Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức.
Bà Thi Anh Đào (Denise Thi), CEO và đồng sáng lập Emerald, Isobar - Dentsu Aegis Network, dẫn báo cáo của McKinsey về sự tương quan giữa bình đẳng giới và tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo, nếu nhân loại thúc đẩy bình quyền cho phụ nữ tốt thì GDP toàn cầu có thể tăng 12-28 tỉ USD vào năm 2025, gần bằng với GDP của Hoa Kỳ và Trung Quốc cộng lại.
Thực trạng phổ biến hiện nay, phụ nữ đang mắc kẹt giữa 2 loại công việc: việc được trả lương bởi công ty và xã hội, việc không lương mỗi ngày từ gia đình.
Bà Đào dẫn số liệu rằng phụ nữ Việt Nam trung bình dành 5 giờ/ngày để thực hiện những công việc không lương. Con số này ở nam giới chỉ là 2 giờ/ngày.
Việt Nam hiện đang có khoảng 2 triệu phụ nữ trong tuổi lao động, như thế mỗi ngày đã lãng phí 10 triệu giờ làm việc.
Bà Thi Anh Đào cho biết mỗi ngày Việt Nam đã lãng phí 10 triệu giờ làm việc. (Ảnh: Tất Đạt).
Trong khi nhiều bất công cho phụ nữ được gỡ bỏ, thì những khó khăn mà CEO của Isobar cho rằng "rất đời thường" vẫn luôn hiện hữu. Bà Anh Đào cho biết hiện chỉ có 37% nữ giới có khả năng tiếp cận vốn để kinh doanh hoặc đầu tư. Đáng buồn là nguyên nhân không đến từ thủ tục pháp lí, mà do các ông chồng không ủng hộ vợ mình làm kinh doanh.
Ngoài ra, một qui luật bất thành văn trong giới đầu tư làm kìm hãm bước chân của phụ nữ được CEO này thừa nhận, là các nhà đầu tư luôn có định kiến giới nhất định và tâm lí dè chừng với các công ty có CEO là nữ.
Ngoài các áp lực từ bên ngoài, điều bà Thi Anh Đào muốn nhấn mạnh chính là áp lực nội tại của nữ giới.
"Phụ nữ đang vướn vào rào cản tâm lí, xuất phát từ sự dè chừng, tự ti", bà Đào nói.
CEO này chỉ ra theo một khảo sát gần đây, thấy thông tin tuyển dụng, phụ nữ chỉ nộp đơn khi nhận thấy bản thân đáp ứng đến 90% tiêu chí, trong khi nam giới thường nộp đơn khi bản thân áp ứng đủ 60%.
Và khi được tuyển dụng, chỉ 7% phụ nữ tự tin thỏa thuận lương mà bản thân mong muốn với nhà tuyển dụng. Trong khi đó, tỉ lệ này ở nam giới là 69%.
Phụ nữ tự ti là đang tự giới hạn chính mình. (Ảnh: Tất Đạt).
Con số trên chỉ ra một thực trạng rằng phụ nữ đang thiếu tự tin trong công việc. Bà Đào thẳng thắn: "Chúng ta hãy thành thật với bản thân đi! Chính phụ nữ chúng ta cũng đang đối xử với chúng ta như thế (phụ nữ tự gán định kiến giới cho mình - PV)".
Một trong những giải pháp để nữ giới phát triển trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, theo CEO của Isobar là ngưng bào chữa cho bản thân. "Hãy nâng cao nhận thức của bản thân và đừng bao giờ bào chữa trước mọi hoàn cảnh rằng 'bởi vì mình là phụ nữ nên…'", bà nói.
Tiếp xúc với nhiều startup có lãnh đạo là nữ, bà Trương Lý Hoàng Phi, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp BSSC, khẳng định việc các nhà đầu tư ngại rót vốn khi phụ nữ là người sáng lâp, là có lí do.
Bà Trương Lý Hoàng Phi: "Chính phụ nữ đang tự giới hạn bản thân chứ không hẳn là do các nhà đầu tư phân biệt giới tính". (Ảnh: Tất Đạt).
Theo bà Phi, đa số phụ nữ thường làm việc với tâm thế: đến một thời điểm nào đó, mình sẽ lui về hậu trường, tìm một nơi yên bình nương tựa. Là một nhà đầu tư, không ai muốn bỏ tiền vào những lãnh đạo có tư duy an toàn, không cầu tiến. Bà Phi cho rằng: "Chính phụ nữ đang tự giới hạn bản thân chứ không hẳn là do các nhà đầu tư phân biệt giới tính".
"Tất cả những gì mình thành công là do nỗ lực của bản thân. Tương tự, tất cả những gì người khác thành công, dù họ là nam giới hay nữ giới, đều có lí do riêng của họ. Việc ta nên làm là phải không ngừng học hỏi", Giám đốc BSSC đưa ra lời khuyên.
Trong các giải pháp được đưa ra, bà Thi Anh Đào muốn nhấn mạnh đến việc nâng cao nhận thức của bản thân. Theo bà Đào, các việc không lương hàng ngày cũng sẽ giúp phụ nữ rèn luyện được đức tính giỏi quán xuyến.
Nhiều nghiên cứu chỉ rõ phụ nữ có kĩ năng quản lí tốt hơn nam giới và tăng dần theo thời gian. Bà Anh Đào ví von: "Gia đình có bao nhiêu thành viên, phụ nữ chúng ta quản lí bấy nhiêu. Nhờ đó mà ở công ty cũng thế".
Từ nhận thức đó, một nửa thế giới nên đặt ra tâm lí đừng mong đợi vào sự công nhận từ người khác. CEO Isobar giải thích: "Nếu cứ mong đợi, chúng ta sẽ thấy bản thân quá tội nghiệp". Phụ nữ chỉ cần tập trung hoàn thành tốt công việc của mình, bỏ ngoài tai những gièm pha nhân thế. "Mình làm là vì mình", bà Đào nhấn mạnh.
Đồng ý với quan điểm này, bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại EU, cho rằng: "Phụ nữ có khả năng chịu đựng và vượt qua nghịch cảnh giỏi hơn nam giới rất nhiều. Thế giới đang có xu hướng đưa phụ nữ vào hội đồng quản trị để giúp các công ty vượt qua khủng hoảng".
Bà Tôn Nữ Thị Ninh muốn phụ nữ phải luôn chủ động, vì có nhiều việc họ giỏi hơn nam giới. (Ảnh: Tất Đạt).
Vì thế, bà cho rằng nữ giới hãy chủ động, đừng rơi vào tâm thế "há miệng chờ sung".
Khởi nghiệp từ năm 19 tuổi, thành lập được 2 doanh nghiệp chỉ sau 5 năm, doanh nhân trẻ Helly Tống cũng cho rằng phụ nữ cần phát huy nội lực của mình. Theo cô, phụ nữ Việt Nam và Á Đông luôn được lớn lên trong kì vọng của gia đình và xã hội rằng "mong con sẽ tìm được tấm chồng tốt" hơn là tìm ra giá trị của bản thân.
Nhưng nếu cầu tiến và suy nghĩ tích cực, người phụ nữ vẫn vận dụng được những đức tính mà xã hội áp đặt cho mình để phát triển bản thân.
Helly Tống nhấn mạnh: "Nếu chúng ta biết cách đem sự quán xuyến ở gia đình ra áp dụng vào kinh doanh, tương lai thế giới sẽ thay đổi".