Báo cáo thị trường nông, lâm, thủy sản số ra mới nhất ngày 31/8 của Bộ Công Thương dẫn số liệu thống kê của Bộ Thương mại Ấn Độ cho biết trong 5 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cao su (mã HS 4001,4002,4003,4005) của Ấn Độ đạt 358.410 tấn, trị giá 614,42 triệu USD, giảm 15% về lượng và giảm 19% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 4 cho Ấn Độ, đạt 25,24 nghìn tấn, trị giá 38,23 triệu USD, giảm 46,3% về lượng và giảm 43% về trị giá.
Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu cao su của Ấn Độ giảm từ 11,1% trong 5 tháng đầu năm 2019, xuống còn 7% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Trong 5 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cao su tự nhiên (mã HS: 4001) của Ấn Độ đạt 149.980 tấn, trị giá 222,87 triệu USD, giảm 18,6% về lượng và giảm 16,3% về trị giá.
Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 2 cho Ấn Độ, đạt 25.040 tấn, trị giá 37,88 triệu USD, giảm 46,5% về lượng và giảm 43,3% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm từ 25,4% trong 5 tháng đầu năm 2019, xuống còn 16,7% trong 5 tháng đầu năm 2020.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy cơ cấu thị trường chính cung cấp cao su tự nhiên cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su của Việt Nam, Malaysia và Thái Lan trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Indonesia, Bờ Biển Ngà và Singapore tăng.
Với mặt hàng cao su tổng hợp (mã HS: 4002), Ấn Độ cũng giảm nhập khẩu với kim ngạch đạt 170.110 tấn, trị giá 324,5 triệu USD, giảm hơn 15% về lượng và giảm gần 24% về trị giá so với cùng kì năm 2019.
Cơ cấu thị trường cung cấp cao su tổng hợp chính cho Ấn Độ trong 5 tháng đầu năm 2020 có sự thay đổi khi thị phần cao su tổng hợp của Hàn Quốc, Singapore, Nga trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm, trong khi thị phần của Ba Lan, Mỹ và Nhật Bản tăng. Thị phần cao su tổng hợp Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ mới chỉ chiếm 0,12%.