Nhật Bản giảm nhập khẩu cá ngừ do dịch Covid-19

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sự bùng phát đại dịch Covid-19 tại thị trường Nhật Bản tiếp tục ảnh hưởng tới ngành cá ngừ nước này.

Người dân Nhật Bản đang phải thay đổi thói quen tiêu thụ cá ngừ của mình bằng cách chuyển từ ăn nhà hàng sang ăn tại nhà. Các nhà hàng sushi mặc dù đã chuyển đổi sang hình thức mua hàng mang về nhưng doanh số vẫn sụt giảm.

Nhật Bản giảm nhập khẩu cá ngừ vì dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nguồn: VASEP

Theo số liệu thống kê của ITC, sau sự tăng trưởng nhập khẩu trong 3 tháng đầu năm 2020, nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản có xu hướng sụt giảm trong những tháng gần đây. 

Tính tổng nhập khẩu cá ngừ của thị trường này trong 5 tháng đầu năm 2020 đạt 120 nghìn tấn, trị giá 838 triệu USD, tăng 6% về khối lượng, nhưng giảm 16% về giá trị. 

Trong đó, Nhật Bản nhập khẩu nhiều nhất cá ngừ chế biến đóng hộp và thịt/philê cá ngừ đông lạnh. 

So với cùng kỳ năm 2019, Nhật Bản đang tăng nhập khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến và đóng hộp, giảm nhập khẩu phần lớn các mặt hàng cá ngừ tươi sống và đông lạnh.

Giá cá ngừ tại Nhật Bản trong 5 tháng đầu năm nay đã giảm từ 10-30% so với cùng kỳ năm 2019 do hậu quả của đại dịch. 

Mặc dù doanh số bán lẻ sushi và sashimi bán cho các hộ gia đình tiêu thụ tại nhà tăng mạnh, nhưng doanh số bán các sản phẩm cá ngừ vây xanh và cá ngừ mắt to cao cấp cho các nhà hàng đã bị đình trệ. Thị trường cá ngừ tươi Nhật Bản đang sụt giảm. 

Bên cạnh đó, sự gián đoạn của các chuyến bay đã ảnh hưởng tới nguồn cung cá ngừ tươi nguyên con ướp đá. Việc huỷ bỏ lễ hội mùa xuân và dời lịch tổ chức Thế vận hội 2020 sang 2021 cũng đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại thị trường này suy giảm.

Việt Nam cùng với 3 nước Đông Nam Á khác là Thái Lan, Indonesia và Philippines đang là nguồn cung cá ngừ chế biến đóng hộp lớn nhất cho thị trường Nhật Bản trong giai đoạn này. 

So với các nước trong khu vực, Việt Nam đang có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp cao nhất trong 5 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, thị phần của Việt Nam tại thị trường Nhật Bản vẫn còn rất khiêm tốt so với 3 nước kia.

Hơn thế nữa, sau khi tăng trưởng tốt trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng giảm. 

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Nhật Bản trong tháng 6 đã giảm 39,4%, đạt hơn 1,7 triệu USD.

Nửa đầu năm 2020, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác của Việt Nam sang Nhật Bản có xu hướng tăng cao, trong khi xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ tươi, sống, đông lạnh và đóng hộp giảm. 

Điều này đã khiến tỉ trọng xuất khẩu các sản phẩm cá ngừ chế biến và đóng hộp đã tăng từ 61% trong quý II/2019 lên gần 77% trong cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến khác, đặc biệt các sản phẩm loin cá ngừ hấp đông lạnh mã HS16041490 tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2019. 

So với cùng kỳ năm 2019, giá trung bình xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến sang Nhật Bản giảm, trong khi giá các sản phẩm thịt/philê cá ngừ đông lạnh có xu hướng tăng. 

Hiện dịch bệnh Covid-19 tại Nhật Bản vẫn chưa được kiểm soát, điều này dự kiến sẽ tiếp tục tác động đến nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản. Nhập khẩu cá ngừ của Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong những tháng tới.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.