Theo đó, từ ngày mùng 8 đến ngày 15/10, ba họa sĩ của nhóm G39 gồm Phạm Trần Quân, Phương Bình và Lê Thiết Cương sẽ tổ chức một triển lãm tranh, gốm về chủ đề “3 phố” tại Gallery 39 (số 39A Lý Quốc Sư, Hoàn Kiếm, Hà Nội).
“3 phố” lấy cảm hứng từ không gian của Hà Nội phố (xưa và nay) và được tái hiện thông qua “các cách nhìn” của từng họa sĩ. Từ nhiều chất liệu như: gốm, tranh sơn dầu, giấy dó với khoảng 20 tác phẩm, “3 phố” không bó hẹp ở ba con phố cụ thể nào mà là “những giai điệu màu sắc phố” được vẽ bởi những người đã gắn bó, thậm chí từng sinh ra và lớn lên ở Hà Nội.
Khách mời của triển lãm nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha. Ông sẽ trình diễn một tác phẩm sắp đặt ngẫu hứng các ca khúc về Hà Nội theo năm tháng cùng những bức tranh và các tác phẩm gốm vẽ Hà Nội của các họa sĩ.
Trước đó, lễ hội “Âm nhạc mùa thu Hà Nội” đã mang tới khán giả yêu nhạc thủ đô những ca khúc hay về Hà Nội được diễn ra trong thời gian từ ngày 5 và kết thúc vào ngày 10/10 tại Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long.
Tối 9 - 10/10, tại vườn hoa Lý Thái Tổ, trước cửa Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình, một số địa điểm trên địa bàn thành phố, các khu công nghiệp sẽ diễn ra các chương trình biểu diễn văn hóa, nghệ thuật và thể thao do các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp của Hà Nội biểu diễn.
Đến ngày 10/10, tại cầu Thê Húc, cổng đền Ngọc Sơn sẽ diễn ra chương trình biểu diễn thời trang, nghệ thuật, ca múa nhạc với chủ đề “Hương sắc tháng 10”.
|
Đặc biệt, nhân dịp kỷ niệm 62 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2016) có chương trình ca nhạc “Chuyện nhạc phố cổ” được nhóm Đông Kinh Cổ Nhạc xây dựng với mục đích giới thiệu tổng quan về âm nhạc xưa và nay của đất Kinh kỳ - Thủ đô “Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội”.
Chương trình sẽ diễn ra vào tối thứ sáu 14/10/2016, Trung tâm giao lưu văn hoá phố cổ 50 Đào Duy Từ, Hà Nội.
Tại đây sẽ có sự xuất hiện đặc biệt của nhóm nghệ thuật Kodo đến từ Nhật Bản. Họ là những nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật trống truyền thống của Nhật Bản hay còn gọi là Taiko.
Trong tiếng Nhật, Kodo có 2 nghĩa. Đầu tiên có thể hiểu Kodo là “nhịp đập trái tim”, khởi nguồn của mọi nhịp điệu. Thật vây, nghệ thuật taiko được lấy cảm hứng từ sự mô phỏng tiếng nhịp tim người mẹ như được cảm nhận từ đứa trẻ trong bụng mẹ.
Đặt trong một bối cảnh khác, Kodo cũng có nghĩa là “Người con của trống”, cái tên này thể hiện ước mơ của những nghệ sĩ trong nhóm có thể chơi trống với trái tim thuần khiết như một đứa trẻ. Chương trình bao gồm các tác phẩm nghệ thuật biểu diễn truyền thống được thể hiện bởi các nghệ sĩ, nghệ nhân hàng đầu của từng thể loại.
Ngoài ra, trong dịp này, các quận, huyện của thành phố sẽ tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, chiếu phim phục vụ nhân dân; trưng bày, giới thiệu lịch sử, truyền thống, mở cửa các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng và kháng chiến.