Nhiều động lực thúc đẩy bất động sản du lịch và nghỉ dưỡng trở lại thời hoàng kim

Bất động sản nghỉ dưỡng đang có thời cơ để phục hồi và phát triển mạnh mẽ, thậm chí có thể quay trở về thời hoàng kim những năm 2016 - 2018 khi các vướng mắc pháp lý được tháo gỡ.

Trong những năm vừa qua, du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc bất động sản bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19. Giới hạn về việc đi lại, giãn cách xã hội và đóng cửa biên giới là những đòn giáng mạnh mẽ đến đà tăng trưởng của ngành du lịch Việt Nam, cũng như các loại hình sản phẩm bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.

Cũng chính vì vậy, với những thuận lợi trong kiểm soát dịch, mở cửa kinh tế và tín hiệu tích cực về mặt pháp lý như hiện nay, thị trường này được kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ, thậm chí phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

Mở cửa du lịch trở lại

Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2022, thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng được bổ sung nguồn cung mới từ một số khách sạn, khu nghỉ dưỡng mới khai trương và đi vào hoạt động, nổi bật như: khách sạn Holiday Inn Resort Ho Tram Beach 5 sao tại Bà Rịa - Vũng Tàu, khu nghỉ dưỡng An Lâm Retreats Saigon River tại TP HCM. Nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng cũng được mở bán mới trong quý, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư như: Maia Resort Quy Nhơn (Bình Định), Khu nghỉ dưỡng sinh thái Pù Luông Bocbandi Retreat, Flamingo Hải Tiến (Thanh Hóa), Hoian d’Or (Quảng Nam), The Filmore Da Nang (Đà Nẵng),…

Công suất thuê phòng khách sạn bình quân toàn thị trường có xu hướng tăng so với quý trước. Tại các địa phương như Tây Ninh, Lâm Đồng, Quảng Ninh, Lào Cai, Khánh Hòa…, công suất cho thuê phòng khách sạn bình quân trong dịp nghỉ Tết Nguyên đán đều đạt mức cao trên 70%. Đối với khách sạn từ 4 - 5 sao, công suất cho thuê phòng đều đạt mức trên 90%. Giá thuê phòng khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng bình quân toàn thị trường trong quý I/2022 tăng khoảng 5 - 10% so với quý IV/2021.

Các tín hiệu tích cực nêu trên của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có được nhờ việc Chính phủ mở cửa du lịch, mở cửa hoàn toàn các đường bay thương mại quốc tế, đưa du khách nội địa và quốc tế quay trở lại.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 4/2022 đạt 101,4 nghìn lượt người, gấp 2,4 lần so với tháng trước và gấp 5,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 192,4 nghìn lượt người, tăng 184,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5, ngành du lịch đã phục vụ khoảng 5 triệu lượt khách nội địa.

Trên thực tế, khoảng 10 ngày trước kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5, nhiều địa phương du lịch nổi tiếng như Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt đều công bố tình trạng “cháy” phòng khách sạn, homestay. Điều này cho thấy nhu cầu thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng Việt Nam bắt đầu hồi phục mạnh mẽ, thậm chí cầu vượt cung. 

 Nhiều động lực thúc đẩy bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng trở lại thời hoàng kim. (Ảnh minh họa: Báo Tin tức).

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels APAC cho biết, nhu cầu du lịch đã bắt đầu quay trở lại từ đầu năm 2022. Hiện nay, Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực có ít rào cản nhất đối với thị trường khách quốc tế.

"Chúng ta đang đứng trước cơ hội đón đầu nhu cầu phục hồi du lịch từ nhóm khách châu Á sau một thời gian dài phải tạm dừng thực hiện các chuyến đi. Các khách sạn trong thành phố cũng ghi nhận sự tăng trưởng nguồn khách quốc tế trong vài tuần qua. Tuy giá phòng và công suất khách sạn vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch và so với một vài điểm đến khác trong khu vực nhưng nhìn chung hai chỉ số này đều có xu hướng cải thiện”, vị giám đốc nhận định.

Động lực hạ tầng giao thông

Không chỉ nhờ mở cửa du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng còn được hỗ trợ phục hồi bởi việc hoàn thiện các hệ thống hạ tầng kết nối vùng miền. Khoảng 103.164 tỷ đồng trong gói chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội giá trị 350.000 tỷ đồng được chi cho hệ thống hạ tầng giao thông chiến lược, bao gồm đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông, một số tuyến cao tốc, tuyến nối các cửa khẩu, quốc lộ.

Việc mở rộng hay xây mới các sân bay, trục cao tốc Bắc - Nam mở ra cơ hội cho thị trường các tỉnh duyên hải miền Trung. Cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, cao tốc TP HCM - Bình Phước cũng mở ra cánh cửa mới cho các tỉnh Tây Nguyên.

Trong tương lai gần, nhiều tuyến đường kết nối hạ tầng được đưa vào sử dụng như cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cao tốc Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… sẽ mang đến sự bứt phá cho thị trường bất động sản các khu vực này.

Có lẽ vì vậy mà các chủ đầu tư, nhà phát triển dự án cũng “yên tâm” hơn với kế hoạch đầu tư, xây dựng của mình. Theo ghi nhận, chỉ trong những tháng đầu năm 2022, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận khá nhiều dự án được công bố, đề xuất đầu tư với quy mô lớn, báo hiệu sự bùng nổ của thị trường trong thời gian tới. Các chủ đầu tư dự án lớn được kỳ vọng sẽ dẫn dắt sự hồi phục của thị trường bất động sản trong thời gian tới.

Trong ngắn hạn, theo dự báo của DKRA Vietnam, nguồn cung mới biệt thự nghỉ dưỡng sẽ tăng trong quý II/2022, với khoảng 1.700 căn, tập trung chủ yếu tại những địa phương quen thuộc như Bình Thuận, Thanh Hóa, Bà Rịa - Vũng Tàu… Nguồn cung nhà phố/shophouse nghỉ dưỡng dự kiến tương đương quý I/2022, với khoảng 2.700 căn, tập trung chủ yếu ở Bình Thuận, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định.

Riêng nguồn cung condotel dự kiến tiếp tục tăng so với quý I/2022, với khoảng 1.000 căn được đưa ra thị trường. Các dự án tập trung tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng và Quảng Nam.

Tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý

Bất động sản nghỉ dưỡng đang có thời cơ để phục hồi và phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên theo các chuyên gia, để có thể quay trở về thời hoàng kim những năm 2016 - 2018, nhiều vấn đề liên quan đến pháp lý cần được tháo gỡ.

Nêu ý kiến tại Hội thảo “Thị trường bất động sản du lịch Việt Nam: Những nút thắt pháp lý, thực tiễn và giải pháp tháo gỡ” được tổ chức tháng 5 vừa qua, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính – Tiền tệ Quốc gia cho biết, hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản  du lịch đang chịu sự điều chỉnh của ít nhất là 5 luật liên quan, gồm Luật đất đai, Luật xây dựng, Luật kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và Luật Du lịch. Giữa các quy định còn tồn tại những chồng chéo, mâu thuẫn, xung đột, hoặc chưa phù hợp thực tiễn, khó thực hiện… gây thách thức đối với loại hình bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. 

TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, vướng mắc chính sách khiến hàng trăm dự án bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng tại nhiều tỉnh thành, hàng trăm nghìn tỷ đồng của doanh nghiệp và nhà đầu tư “đóng băng”. 

Nhà đầu tư thứ cấp (người mua các đơn vị dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng) chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ đỏ).

Thực tế hiện nay, việc đầu tư của nhà đầu tư chỉ được khẳng định bằng hợp đồng hợp tác đầu tư hay góp vốn… mà không có giấy tờ pháp lý đủ mạnh hơn để họ có thể tự do chuyển nhượng tài sản đầu tư trên thị trường. Điều này dẫn đến việc kém thanh khoản, rủi ro pháp lý, không chỉ gây thiệt hại cho doanh nghiệp, nhà đầu tư và ngân sách mà còn  ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, thị trường bất động sản nói riêng. 

Tín hiệu đáng mừng là các vấn đề nêu trên của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã được nhìn nhận đầy đủ và nhiều lần được đưa ra góp ý, bàn luận để tìm giải pháp tháo gỡ.

Tại thông cáo về thông tin nhà ở và thị trường bất động sản quý I vừa qua, Bộ Xây dựng đề nghị các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) để tạo cơ sở pháp lý đối với hoạt động kinh doanh quyền sử dụng đất; Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) để tạo khung pháp lý cho hoạt động kinh doanh bất động sản, tăng cường hiệu quả quản lý thị trường bất động sản.

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi các nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức mới đây, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Đất đai, cho biết quy định về cấp "sổ hồng" cho các công trình bất động nghỉ dưỡng đã được bổ sung trong dự thảo nghị định hướng dẫn Luật Đất đai lần này.

Theo đó, quy định các chủ sở hữu khách sạn, condotel, officetel, công trình khác phục vụ mục đích lưu trú, du lịch... được cấp "sổ hồng" phải đáp ứng đủ điều kiện của Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản. Các địa phương sẽ thẩm định tính pháp lý của dự án trước khi cấp "sổ hồng". Khi có "sổ hồng", chủ sở hữu có quyền giao dịch, sang tên bình thường như các loại hình bất động sản nhà ở khác.

Bên cạnh những lực đẩy, bất động sản sản nghỉ dưỡng giai đoạn hiện nay cũng phải đối mặt với các thách thức chung của thị trường, nhất là về vấn đề siết tín dụng. Vốn có tỷ lệ đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính cao, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng được dự đoán sẽ là một trong những phân khúc ảnh hưởng đầu tiên bởi chính sách này.

Đặc biệt, trong văn bản gửi đến các tổ chức tín dụng về việc phát triển thị trường bất động sản trên địa bàn ổn định và lành mạnh, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP HCM còn nhắc các tổ chức tín dụng hạn chế tín dụng cho đầu tư bất động sản du lịch, cùng với bất động sản cao cấp và đầu cơ bất động sản. Trong ngắn hạn, chính sách này có thể trở thành lực cản của thị trường bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng.