Nhiều dự án bất động sản trên “đất vàng” của Transerco

Là doanh nghiệp nhà nước quản lí hệ thống xe buýt toàn TP Hà Nội, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) nằm trong danh mục sẽ thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020 theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo tài chính của Transerco cho thấy, doanh nghiệp này đã và đang sở hữu cổ phần trong nhiều dự án bất động sản (BĐS) trên các khu đất đắc địa tại Thủ đô.

Đây có thể là một trong những yếu tố giúp cổ phần của Transerco hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư.

Hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ, lợi thế của Transerco là nắm trong tay các khu đất nằm tại các khu vực sầm uất, cạnh các trục giao thông huyết mạch của nội thành Hà Nội. Thực tế, Transerco đã và đang tận dụng lợi thế này để cho ra đời các dự án bất động sản tầm cỡ.

Đơn cử như Dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán nằm tại vị trí 122 - 124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Dự án được động thổ vào cuối tháng 3/2019 và đang được xây dựng cũng như quảng bá rầm rộ trên các phương tiện truyền thông.

Chủ đầu tư Dự án là Công ty CP Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy được thành lập vào tháng 6/2016, địa chỉ trụ sở chính nằm ngay tại Dự án. Tại thời điểm thành lập, Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng do Công ty CP Hóa dầu Quân đội (MIPEC) nắm giữ cổ phần chi phối 51%, Transerco sở hữu 28% và Công ty CP Hoa Cương nắm giữ 21% còn lại.

Dù mới được động thổ vào cuối quí I/2019, nhưng ý tưởng về một khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán trên khu đất đắc địa 122 -124 Xuân Thủy đã được hình thành từ trước đó nhiều năm. Cụ thể, vào năm 2011, UBND TP Hà Nội đã có Công văn số 7909/UBND-KHĐT chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch tại ô đất 122 - 124 đường Xuân Thủy với diện tích 39.662 m2 để giao 3 nhà đầu tư trên lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở.

Khai thác khu đất trên vốn là Xí nghiệp Trung đại tu ô tô và Trung tâm Tân Đạt - các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc của Transerco.

Tổng công ty Vận tải Hà Nội tiền thân là Công ty Vận tải và Dịch vụ công cộng Hà Nội, được thành lập theo Quyết định số 45/2001/QĐ-UB ngày 29/6/2001 của UBND TP Hà Nội trên cơ sở hợp nhất nguyên trạng 4 công ty: Công ty Xe buýt Hà Nội; Công ty Vận tải hành khách Nam Hà Nội; Công ty Xe du lịch Hà Nội; Công ty Xe điện Hà Nội.

Nhiều năm trở lại đây, việc doanh nghiệp có quĩ đất ở vị trí đẹp nhưng lại không có tiền phát triển dự án bất động sản bắt tay cùng doanh nghiệp có vốn nhưng không có quĩ đất để cùng triển khai dự án đã khá phổ biến. Trong trường hợp này, Transerco là nhà đầu tư có quĩ đất, còn MIPEC và Hoa Cương là những nhà đầu tư bất động sản có tiềm lực tài chính mạnh.

Tương tự, báo cáo tài chính năm 2017 của Transerco cũng cho biết, doanh nghiệp này nắm giữ 26% cổ phần Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Hồ Tây, đơn vị phát triển tổ hợp khách sạn, văn phòng và trung tâm thương mại tại địa chỉ 69B Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội. Địa chỉ này hiện là Dự án Sun Grand City Thụy Khuê Residence.

Hay Transerco nắm trong tay 40% cổ phần Công ty liên doanh Sakura Hà Nội Plaza, chủ sở hữu Dự án Khách sạn Nikko tọa lạc tại vị trí "vàng" 84 Trần Nhân Tông. Từ 1/1/2019, khách sạn này đã được đổi tên thành Hotel Du Parc Hà Nội.

Bên cạnh đó, khu đất số 90 Nguyễn Tuân, quận Thanh Xuân - nơi hình thành dự án 900 căn nhà liền kề và chung cư cao tầng do Công ty CP Đầu tư đô thị và khu công nghiệp Sông Đà 7 (Urinco7) làm chủ đầu tư. Đây vốn là nơi Xí nghiệp Xe khách Nam Hà Nội (đơn vị trực thuộc Transerco) khai thác.

Ngoài ra, Transerco cũng từng sở hữu cổ phần trong Công ty CP Máy - Thiết bị Dầu khí (PVMachino). Transerco và PVMachino đã bắt tay khai thác dự án tại số 1, 3, 5 Đinh Tiên Hoàng (thường gọi là tòa nhà Hàm Cá Mập).

Transerco sở hữu 5 công ty con và khoảng 10 đơn vị trực thuộc đều hoạt động trong lĩnh vực vận tải, khai thác bến xe và điểm đỗ. Nhiều đơn vị trong số đó cũng đang sở hữu những khu đất đắc địa như: Xí nghiệp Toyota Hoàn Kiếm (số 7 Đặng Thái Thân, quận Hoàn Kiếm), hay Xí nghiệp Xe buýt nhanh BRT (Trạm trung chuyển bến xe Kim Mã, số 1 Kim Mã, quận Ba Đình)…

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.