Nhiều dự án chậm triển khai, Hà Nội kiến nghị thu hồi hơn 1.800 ha đất

UBND thành phố Hà Nội kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất đối với 29 dự án có tổng diện tích 1.844,3 ha.

Theo Tiền Phong, UBND TP Hà Nội vừa có báo cáo về các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai, vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn.

Theo báo cáo, thời gian qua UBND thành phố đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thành phố và UBND cấp huyện rà soát, kiểm tra 135 dự án. Kết quả có 11 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh; 12 dự án đề nghị loại bỏ khỏi danh sách do trùng lặp, nhà đầu tư đề xuất nghiên cứu khi chưa có ý kiến của UBND thành phố; 38 dự án đã chấm dứt hoạt động theo quy định; 74 dự án UBND thành phố đã có kế hoạch số 235 ngày 21/10/2021 giao Sở KH&ĐT tiếp tục kiểm tra, rà soát, đề xuất xử lý.

Với các dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, UBND thành phố chỉ đạo kiểm tra 404 dự án. Kết quả cho thấy, có 96 dự án với tổng diện tích 290,9 ha đất sau thanh tra đã được chủ đầu tư chủ động khắc phục vi phạm, đề nghị đưa ra khỏi danh sách dự án chậm triển khai, sử dụng đất có vi phạm.

Có 29 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất, UBND thành phố kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất.

60 dự án với tổng diện tích ̣95 ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng, UBND thành phố đã quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng. Chủ đầu tư phải nộp thêm cho nhà nước khoản tiền tương ứng là 209,346 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có 63 dự án với tổng diện tích 1.426,1 ha đất chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; 20 dự án với tổng diện tích 92,1 ha đất chậm hoàn thành việc thực hiện nghĩa vụ tài chính; 136 dự án có các vi phạm khác, đã kiến nghị và đề xuất các biện pháp xử lý cụ thể tại kết luận thanh tra đối với từng dự án.

Đối với các dự án còn nợ nghĩa vụ tài chính về đất, UBND thành phố có kế hoạch số 235 ngày 21/10/2021 giao Cục thuế thành phố tiếp tục đôn đốc, thu nghĩa vụ tài chính theo quy định. 

Tính đến ngày 30/3, UBND thành phố đã chỉ đạo Cục Thuế thành phố kiểm tra, rà soát đối với 170 dự án chậm thực hiện nghĩa vụ tài chính. Kết quả, 34 dự án còn nợ 3.330.561 triệu đồng. Trong đó nợ gốc là 1.590.378 triệu đồng, nợ tiền chậm nộp là 1.758.739 triệu đồng.

Cũng tại báo cáo, UBND TP Hà Nội đã chỉ ra một số dạng vi phạm chủ yếu của các dự án chậm tiến độ, chậm triển khai.

Đơn cử như dạng dự án đã có quyết định chủ trương (chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận đầu tư, văn bản giao chủ đầu tư nghiên cứu hoặc giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương) nhưng chưa được nhà nước nước giao đất, cho thuê đất, chậm triển khai hoặc không triển khai thực hiện;

Dự án không thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, để kéo dài nhiều năm, chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện.

Bên cạnh đó, một số dự án đã được nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư, kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa vào sử dụng.

Báo cáo cũng nêu dạng dự án chậm hoàn thành nghĩa vụ tài chính; dự án chậm hoàn thành các thủ tục về quy hoạch, đầu tư, đất đai, xây dựng…; dự án chậm tiến độ do điều chỉnh quy hoạch, dự án đầu tư; dự án chậm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; dự án sử dụng đất sai mục đích, cho thuê, cho mượn đất; chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất không đúng quy định; tổ chức được nhà nước giao, cho thuê đất thực hiện dự án nhưng không quản lý, sử dụng đất, để đất bị lấn chiếm gây tranh chấp, khiếu kiện…

chọn
Các dự án của Novaland, Nam Long, DIG ở Đồng Nai đón tin mừng
Quy hoạch chung TP Biên Hòa vừa được phê duyệt điều chỉnh cục bộ. MBS đánh giá động thái này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch 1/500 các phân khu thuộc dự án Aqua City, Izumi và Khu đô thị Long Tân.