Tăng thuế với dự án đô thị chậm đưa vào sử dụng: ‘Không phải lúc nào cũng do lỗi chủ đầu tư’

VCCI nhận định, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư. Do đó, cần cân nhắc lại về tính hợp lý của đề xuất tăng thuế dự án đô thị chậm đưa vào sử dụng.

Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến góp ý đối với Dự thảo Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó cho nội dung đề xuất quy định tăng thuế sử dụng đất đối với các khu đô thị bỏ hoang.

Cụ thể, Dự thảo đưa ra Chính sách 3 về nâng cao năng lực tài chính – ngân sách và huy động nguồn lực cho phát triển của thủ đô. Trong đó có đề xuất giải pháp thứ hai là “được quy định tăng thuế suất của thuế sử dụng đất đối với diện tích đất ở, nhà ở tại các dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng cơ bản thiết yếu trong trường hợp chủ đầu tư dự án không đưa dự án vào sử dụng sau 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc dự án theo quyết định phê duyệt dự án đầu tư”.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), chính sách này được suy đoán là một công cụ kinh tế khiến các doanh nghiệp phải nhanh chóng đưa dự án đô thị đã được đầu tư hạ tầng vào sử dụng, tránh lãng phí nguồn lực đã đầu tư. 

Tuy nhiên, VCCI nhận định, trên thực tế, việc các dự án đã đầu tư nhưng chậm đưa vào sử dụng có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau và không phải lúc nào cũng do lỗi của chủ đầu tư. 

“Trong rất nhiều trường hợp, doanh nghiệp muốn đẩy nhanh đưa dự án vào sử dụng để sớm thu hồi chi phí đã bỏ ra đầu tư vào hạ tầng nhưng dự án vẫn bị chậm tiến độ do các nguyên nhân khách quan khác, thậm chí có cả những trường hợp do lỗi của cơ quan nhà nước khi chậm thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp”.

VCCI cho rằng, nếu trong những trường hợp như vậy mà chủ đầu tư phải nộp thuế sử dụng đất cao hơn thì không có tác dụng thúc đẩy mà thậm chí còn gây thêm khó khăn cho chủ đầu tư, khiến dự án càng chậm được đưa vào sử dụng. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lại về tính hợp lý của đề xuất chính sách này.

 Cảng hoang hoá, xuống cấp tại một dự án khu đô thị trên địa bàn huyện Mê Linh, Hà Nội. (Ảnh: Zing).  

Không chỉ riêng Dự thảo Luật Thủ đô, Bộ Tài chính đang cũng đề xuất nghiên cứu xây dựng Luật thuế bất động sản, trong đó đề xuất quy định có mức thuế suất cao đối với nhà, đất lấn chiếm, bỏ trống, chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định hoặc sử dụng chưa đúng mục đích. Dự kiến áp dụng mức thuế suất cao nhất trong biểu thuế áp dụng đối với đất ở.

Điều 80 Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng có nội dung "đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư mà không đưa đất vào sử dụng, chậm tiến độ sử dụng đất theo tiến độ ghi trong dự án đầu tư thì chủ đầu tư phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án đầu tư và tiền thuế tăng thêm theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 147 của Luật này".

Thực tế, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều dự án khu đô thị, khu nhà ở chậm triển khai, hoang hóa gây lãng phí, bức xúc trong dư luận. Thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này, trong đó, Kế hoạch số 334 ban hành ngày 19/12/2022 của UBND TP yêu cầu tổ chức kiểm tra các dự án đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị, trong đó tập trung vào các dự án chậm triển khai năm 2021, 2022 để đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và tiến độ thực hiện dự án. 

Đối với các chủ đầu tư cố tình chây ỳ, năng lực kém, kiến quyết thu hồi để thực hiện đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư khác theo quy định, đồng thời công khai thông tin vi phạm, đưa vào tiêu chí đánh giá và không cho tham gia thực hiện các dự án tương tự trên địa bàn thành phố.

Huyện Mê Linh là một trong các địa bàn có nhiều dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai. Trong đó, có 49/64 dự án là đô thị, nhà ở. Nhiều dự án đang được rà soát, xem xét giải quyết như dự án Khu đô thị Golf Vinashin, dự án Khu đô thị mới CEO Mê Linh, dự án Khu đô thị Thanh Lâm - Đại Thịnh 1, dự án Khu đô thị Mê Linh - Đại Thịnh, dự án Khu đô thị mới Việt Á, dự án Khu đô thị mới BMC, dự án Khu đô thị mới Prime Group, dự án Khu nhà ở cao cấp Phương Viên, dự án Khu đô thị mới Sông Hồng Thủ Đô,... 

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan do năng lực các chủ đầu tư yếu kém hoặc ôm đất không triển khai,.. còn có nguyên nhân khách quan như điều chỉnh quy hoạch, thủ tục đầu tư, chính sách đất đai thường xuyên thay đổi, chênh lệch giá đất về bồi thường, hỗ trợ...

Theo TTXVN, kết quả rà soát của UBND huyện Mê Linh cho thấy, trong các dự án chậm triển khai có những dự án cần được xem xét tháo gỡ thủ tục giao đất, cho thuê đất; có dự án chưa giải phóng mặt bằng, để kéo dài nhiều năm hoặc chủ đầu tư không liên hệ, không phối hợp với chính quyền địa phương để thực hiện giải phóng mặt bằng; có dự án đã thu hồi diện tích đất nhưng chưa chấm dứt đầu tư...

chọn
Hàng nghìn bị hại đổ về phiên tòa vụ Tân Hoàng Minh
8h20, hơn 1.000 bị hại đã được bố trí ngồi tại ba khu vực song hàng trăm người vẫn tiếp tục đến điểm danh tại 8 bàn đón tiếp trong phiên xét xử vụ án Tân Hoàng Minh phát hành trái phiếu khống.