Nhiều dự án ở khu Nhân Chính, Thanh Xuân Trung không 'được lòng' cư dân, hệ quả của một giai đoạn cơi nới quy hoạch

Xây vượt chỉ giới xây dựng, nâng tầng cao để tăng số lượng căn hộ, tự ý chuyển đổi công năng... Đó là tình trạng chung của không ít dự án cao ốc chung cư khu vực bên đường Lê Văn Lương, quận Thanh Xuân. Mâu thuẫn giữa người mua nhà và các chủ đầu tư cũng từ đó ngày càng gia tăng.

Ngày 4/4 vừa qua, tại chung cư The Legacy số 10 Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội, nhiều cư dân dự án đã tập trung dưới sảnh công trình cùng với băng rôn, biểu ngữ do mâu thuẫn với chủ đầu tư. 

Trước đó không lâu một dự án khác trên địa bàn phường Nhân Chính là Harmony Square (199 Nguyễn Tuân) người mua nhà đã đồng loạt tập trung phản đối chủ đầu tư dù công trình đang xây dựng dở. Các dự án xung quanh như Mỹ Sơn Tower, Việt Đức Complex, Hei Tower, Imperia Garden... cũng từng ghi nhận tình trạng tương tự.

Nếu lấy đường Nguyễn Trãi, vành đai 3, Lê Văn Lương và Vũ Trọng Phụng làm ranh giới, có thể hình dung ra một khu đất vuông vức với diện tích chưa đến 100 ha. Trên khu đất này đếm sơ qua có hàng chục toà chung cư, khu phức hợp cao tầng đã và đang xây dựng.

Mật độ dân cư ngày càng đông đúc, hạ tầng không đủ sức đáp ứng, bản thân nhiều dự án trên đường Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Huy Tưởng, Nguỵ Như Kon Tum... còn vướng vào những sai phạm như xây sai quy hoạch, cơi nới thiết kế, chậm bàn giao phí bảo trì... khiến cuộc sống của những người mua nhà bị ảnh hưởng. 

Một góc dày đặc cao ốc trên đường Lê Văn Thiêm. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Nhìn lại một giai đoạn phá vỡ quy hoạch

Vào tháng 9/2018, Thanh tra Chính phủ đã ban hành kết luận số 1468 về một số dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2003 - 2016. 

Tại Dự án nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại tại lô đất 2.6 - NO đường Lê Văn Lương (Times Tower) do CTCP Xây dựng số 1 Hà Nội (HACC1) làm chủ đầu tư, kết luận cho thấy chủ đầu tư đã xây dựng bổ sung 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch tổng mặt bằng đã được chấp thuận, sau đó sử dụng không đúng công năng kỹ thuật, đưa vào dịch vụ công cộng cho thuê dịch vụ công cộng.

Cũng nằm trên đường Lê Văn Lương, dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ công cộng, nhà trẻ và nhà ở để bán tại ô đất 3.7 CC do Công ty Đầu tư Xây dựng số 2 Hà Nội (Hacinco) làm chủ đầu tư, tầng hầm của công trình cao tầng đã vượt chỉ giới xây dựng 2 m so với quy định về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. 

Tại dự án Khu văn phòng - dịch vụ và nhà ở tại ngõ 164 Khuất Duy Tiến (tên thương mại là Việt Đức Complex), chủ đầu tư là CTCP Đầu tư Sông Đà - Việt Đức đã xây dựng 2 tầng kỹ thuật không đúng quy hoạch tổng mặt bằng đã được chấp thuận, sau đó đã sử dụng vào mục đích văn phòng và cho thuê thương mại dịch vụ công cộng.

Ở số 47 Vũ Trọng Phụng, dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng Sakura Tower cũng vướng sai phạm. Cụ thể, chủ đầu tư là CTCP Hùng Tiến Kim Sơn đã xây dựng công trình 28 tầng, vượt 2 tầng căn hộ ở so với phương án kiến trúc và hồ sơ xin phép xây dựng. Tự ý chuyển đổi công năng 2 tầng kỹ thuật và chia thành 14 căn hộ ở. Kết quả, có 78 căn hộ sai phép đã bán cho cư dân mà không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Times Tower và Sakura Tower. (Ảnh: Hoàng Huy).

Dự án PVV - Vinapharm. (Ảnh: Hoàng Huy). 

Tại dự án Rivera Park số 69 Vũ Trọng Phụng do liên danh Vinaremon - Long Giang Land làm chủ đầu tư, tầng hầm dự án vượt chỉ giới xây dựng phía phố Nguyễn Huy Tưởng 4 m và vượt phía phố Vũ Trọng Phụng 3 m, vi phạm quy định về Quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị. Bên cạnh đó, tầng kỹ thuật tại khối công trình A và B không phù hợp quy hoạch tổng mặt bằng, chưa lắp đặt thiết bị kỹ thuật. 

Tại số 109 Nguyễn Tuân (The Legend Tower), dự án cũng vi phạm quy định quản lý không gian xây dựng ngầm, xây 2 tầng kỹ thuật không phù hợp quy hoạch tổng mặt bằng, chủ đầu tư không sử dụng đúng mục đích công năng.

Ở số 60B Nguyễn Huy Tưởng, dự án PVV - Vinapharm, thời điểm thanh tra chủ đầu tư chưa đưa tầng kỹ thuật vào sử dụng đúng công năng. Dự án Commatce Tower (đường Nguỵ Như Kon Tum) thời điểm thanh tra vẫn nợ tiền sử dụng đất...

Bên cạnh những sai phạm về quy hoạch, thiết kế của dự án, việc các chủ đầu tư tại khu vực này chậm bàn giao phí bảo trì 2% cũng nhiều lần gây bức xúc cho người mua nhà. 

 Năm 2020, UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận có 7 tòa chung chưa bàn giao kinh phí bảo trì, trong đó có 3 tòa nhà tái định cư ở phường Nhân Chính kinh phí bảo trì thấp, ban quản trị chưa đề nghị chủ đầu tư bàn giao. Tại tòa chung cư 282 Nguyễn Huy Tưởng vừa mới thành lập ban quản trị; chung cư PVV - VINAPHARM ở phường Thanh Xuân Trung chủ đầu tư sử dụng phí bảo trì không đúng mục đích.  

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.