Nhiều dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam chậm tiến độ khi chưa xong đấu thầu

Bộ GTVT cho biết việc chuyển từ đầu thấu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước là yếu tố khách quan, làm chậm tiến độ khoảng 3 tháng với 8 dự án PPP.

IMG_2954

(Ảnh minh họa: Di Linh).

Chuyển sang đấu thầu trong nước làm chậm tiến độ 3 tháng

Ngày 11/10, Bộ GTVT thay mặt Chính phủ có văn bản báo cáo Quốc hội về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020.

Cụ thể, Bộ GTVT cho biết, đối với 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP, đến ngày 26/8/2019, các Ban quản lí dự án đã trình kết quả đánh giá hồ sơ dự sơ tuyển.

Theo kết quả đánh giá của bên mời thầu và quá trình thẩm định làm rõ của các cơ quan thẩm định có 4 dự án không có nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 2 dự án có duy nhất 1 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 2 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển, 1 dự án có 3 nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển.

Tuy nhiên, do hệ thống pháp luật về hình thức PPP của Việt Nam chưa hoàn thiện, chưa cho phép Chính phủ áp dụng cơ chế bảo lãnh về doanh thu tối thiếu, bảo lãnh doanh thu tối thiểu, cam kết chuyển đổi ngoại tệ, bảo hiểm bên thứ ba thay thế Chính phủ thực hiện cam kết trong hợp đồng..., nên dự án chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng quốc tế.

Bộ cho biết điều này phản ánh qua thực tế số lượng nhà đầu tư quốc tế tham dự sơ tuyển cũng như kết quả đánh giá của bên mời thầu như nêu trên (nhiều dự án không có nhà đầu tư nào vượt qua sơ tuyển hoặc rất ít nhà đầu tư vượt qua sơ tuyển), cho thấy tính cạnh tranh không cao.

Do đó, trên cơ sở ý kiến thống nhất của các cơ quan, ngày 14/9/2019, Bộ trưởng Bộ GTVT đã quyết định hủy sơ tuyển theo hình thức đấu thầu quốc tế và chuyển sang đấu thầu rộng rãi trong nước.

"Việc hủy sơ tuyển nêu trên đã được qui định tại hồ sơ mời sơ tuyển quốc tế đã phát hành, bên mời thầu có quyền hủy sơ tuyển mà không cần nêu bất kì lí do nào", Bộ GTVT cho hay.

Sau khi hủy sơ tuyển, Bộ GTVT đã điều chỉnh hồ sơ mời sơ tuyển để phù hợp với hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Ngày 10/10/2019, Bộ GTVT đã thông báo mời sơ tuyển và dự kiến hoàn thành công tác sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư khoảng tháng 2/2020.

Đối với vấn đề sơ tuyển nhà đầu tư trong nước, Bộ GTVT cho biết trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác sơ tuyển trong tháng 2/2020.

Nhà đầu tư có thời gian tối thiểu 60 ngày để chuẩn bị hồ sơ dự thầu, dự kiến đóng thầu tháng 6/2020. Thời gian đánh giá hồ sơ dự thầu khoảng 90 ngày và thời gian thẩm định, phê duyệt kết quả đấu thầu khoảng 50 ngày.

"Như vậy, trường hợp thuận lợi có thể hoàn thành công tác đấu thầu nhà đầu tư khoảng tháng 11/2020", Bộ GTVT cho hay.

Đáng chú ý, Bộ cho biết tiến độ dự kiến nêu trên là theo qui định pháp luật và không có các tình huống đấu thầu phức tạp phát sinh.

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng cho biết việc chuyển từ đầu thấu quốc tế sang đấu thầu rộng rãi trong nước là yếu tố khách quan, làm chậm tiến độ khoảng 3 tháng với 8 dự án PPP.

Nhà đầu tư nội sẽ "gặp khó" về vốn?

Theo Bộ GTVT, việc huy động tín dụng của các nhà đầu tư trong nước chủ yếu dựa vào tổ chức tín dụng trong nước.

Trong khi dư nợ nguồn vốn vay tín dụng dài hạn của các ngân hàng trong nước đang ở mức cao, hình thức chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn.

Bộ cho biết, theo qui định của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ tối đa sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn giảm dần còn 40% từ ngày 1/1/2018 và sẽ tiếp tục giảm trong giai đoạn tới.

Do đó, để tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn tín dụng cho dự án, Chính phủ đang chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành liên quan đánh giá tác động và đề xuất các giải pháp phù hợp bảo đảm cung cấp đủ các nguồn vốn đáp ứng việc triển khai dự án.

"Đối với các dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước có thể kiểm soát được tiến độ bảo đảm theo yêu cầu của Quốc hội", Bộ GTVT thông tin.

Tuy nhiên, đối với các dự án đầu tư theo hình thức PPP, Bộ cho biết còn phụ thuộc vào thị trường và khả năng huy động vồn vốn tín dụng dài hạn như đã nêu ở trên.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Bộ GTVT cũng đề xuất Chính phủ kiến nghị Quốc hội có ý kiến với các Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua quan tâm hỗ trợ vấn đề giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Tại họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV đã thông qua chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017 với nội dung chủ yếu:

Giai đoạn 2017 - 2020 đầu tư 654km đường bộ cao tốc trên các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), đoạn Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên Huế), đoạn Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và Cầu Mỹ Thuận 2 (Tiền Giang và Vĩnh Long).

Tổng mức đầu tư 118.716 tỉ đồng, trong đó gồm 55.000 tỉ đồng vốn Nhà nước đầu tư tham gia thực hiện Dự án; 63.716 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

Phương án triển khai chia thành 11 dự án thành phần gồm 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP; trình tự, thủ tục, thẩm quyền thẩm định và quyết định đầu tư căn cứ quy mô của từng dự án thành phần theo quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đến tháng 10/2018, Bộ GTVT đã phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi của toàn bộ 11 dự án thành phần. Tổng chiều dài toàn tuyến là 654,3km, cơ bản không đổi so với Nghị quyết số 52/2017/QH14.

Tổng mức mức đầu tư của 11 dự án là 102.513 tỉ đồng, gồm 50.811 tỉ đồng vốn ngân sách nhà nước (trong đó 3 dự án đầu tư công sử dụng toàn bộ vốn ngân sách nhà nước là 14.279 tỉ đồng và 8 dự án đầu tư theo hình thức PPP là 36.532 tỉ đồng) và 51.702 tỉ đồng vốn huy động ngoài ngân sách.

chọn
BĐS Hồ Gươm đang tiến vào khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 sau thương vụ 45 tỷ đồng
Sau khi cổ phần hóa, Viwaseen cùng đối tác DAF đã nhượng lại quyền phát triển khu đô thị hơn 126 ha ven Vành đai 4 Hà Nội cho Công ty CP Đầu tư Bất động sản Hồ Gươm với khoản tiền 45 tỷ đồng.