Nhiều dự án trọng điểm tại Lạng Sơn giải phóng mặt bằng vẫn chậm

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trong những ngày cuối của năm 2022.
 

Ngày 16/12, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, Lương Trọng Quỳnh chủ trì cuộc họp chuyên đề tháo gỡ khó khăn vướng mắc giải phóng mặt bằng và kiểm điểm tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tháng 11/2022.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn đánh giá, kết quả giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm tháng 11/2022 có nhiều chuyển biến tại một số dự án, tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu theo kế hoạch của UBND tỉnh đề ra. Cụ thể, vẫn còn nhiều dự án trọng điểm tiến độ giải phóng mặt bằng vẫn chậm, không có nhiều chuyển biến so với tháng 10/2022.

 Nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện các dự án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn chỉ đạo các huyện tiếp tục tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trong những ngày cuối của năm 2022; khẩn trương thực hiện tổng kết công tác giải phóng mặt bằng năm 2022 đề xuất danh mục và kế hoạch cụ thể thực hiện giải phóng mặt bằng năm 2023 bảo đảm hiệu quả.

 Cùng với đó, các huyện cần rà soát đánh giá lại hoạt động của các trung tâm phát triển quỹ đất, các tổ nhóm trực tiếp được giao phụ trách từng dự án trọng điểm.

 Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn Chu Văn Thạch, qua rà soát trong tháng 11/2022, có 6/11 huyện, thành phố báo cáo phát sinh vướng mắc khi thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định tại 14 dự án trên địa bàn các huyện Lộc Bình, Đình Lập, Chi Lăng, Hữu Lũng, Cao Lộc và thành phố Lạng Sơn.

Trong 23 dự án trọng điểm; có 19 dự án đủ điều kiện thực hiện thu hồi, bồi thường, hỗ trợ tái định cư và có 11 dự án đã bàn giao mặt bằng trong tháng được 22,16 ha; có 4 dự án có diện tích bàn giao mặt bằng đạt cao trong tháng là dự án khách sạn sân golf Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn bàn giao được 7,74 ha; dự án quần thể khu du lịch sinh thái cáp treo Mẫu Sơn được 6,73 ha; dự án khu đô thị mới Hữu Lũng được 2,28 ha và dự án khu đô thị phía Đông thị trấn Đồng Mỏ được 2,35 ha.

 Ông Chu Văn Thạch cho rằng, các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tháng chủ yếu là cho phép áp dụng hỗ trợ khác cho một số hộ gia đình bị ảnh hưởng có xây dựng nhà ở, các công trình vật kiến trúc trên đất nông nghiệp trước thời điểm ban hành thông báo thu hồi đất.

Cùng với đó là trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp nay bị thu hồi nhưng không có chỗ ở nào khác; trường hợp sử dụng đất, xây dựng công trình trên đất công ổn định từ rất lâu; trường hợp bị thu hồi đất ở không còn chỗ ở nào khác và trong gia đình có nhiều thế hệ sinh sống; trường hợp bị thu hồi đất nông nghiệp nhưng không trực tiếp sản xuất nông nghiệp…

Tại cuộc họp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành và các huyện đã giải trình cho ý kiến từng dự án, từng trường hợp nhằm tháo gỡ khó vướng mắc.

chọn
Địa phương được dự báo là 'thủ phủ công nghiệp' mới ở phía nam vừa hút hơn 1,5 tỷ USD vốn ngoại sau một quý
Quý I/2024, Bà Rịa - Vũng Tàu đã thu hút 13 dự án FDI với tổng vốn đầu thu thu hút hơn 1,56 tỷ USD và 10 dự án trong nước với tổng đầu tư thu hút gần 25.000 tỷ đồng.