Nhiều hạng mục của cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi chưa hoàn thiện do thiếu vốn

Ước tính, chi phí hoàn thành các hạng mục còn tồn đọng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản gửi UBND Quảng Ngãi trả lời về việc giải quyết các tồn tại của dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Theo Bộ, dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng chiều dài hơn 139 km do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư.

Đoạn qua địa bàn huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi dài 12,3 km sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), đã hoàn thành các hạng mục trên chính tuyến và đưa vào khai thác từ ngày 2/9/2018.

Tuy nhiên, hiện khu vực dự án đoạn qua địa bàn huyện Bình Sơn hiện còn tồn tại một số vấn đề như: Công tác sửa chữa, hoàn trả 7 tuyến đường địa phương thuộc địa bàn xã Bình Trung do nhà thầu thi công gói thầu A3 sử dụng làm đường công vụ thi công dự án chưa hoàn thành. Nhà thầu thi công mới sửa chữa, hoàn trả 0,6/1 km của 1/7 tuyến đường, khối lượng còn lại chưa được thực hiện.

Từ ngày 29/4/2019 đến nay, dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vướng mắc về nguồn vốn nên công việc còn lại của nút giao chưa được thực hiện. (Ảnh: Zing).

Bên cạnh đó, một số vị trí thửa đất canh tác của dân bị bồi lấp chưa được đền bù; một số đoạn đường ngang, đường gom chưa được triển khai thi công; các nhánh nút giao Dung Quất kết nối giữa tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với tuyến đường Bình Sơn - Dung Quất chưa hoàn thành.

Tháng 3 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo VEC thực hiện việc xử lý các ý kiến chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải trong việc xử lý các tồn tại của dự án.

Bộ Giao thông vận tải cho biết, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với Ủy ban để chỉ đạo VEC cho đến khi hoàn thành toàn bộ nội dung này.

Đối với việc bố trí nguồn vốn để tiếp tục thi công nút giao Dung Quất và các đoạn đường gom, đường ngang còn lại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành về việc bố trí vốn đối ứng cho VEC theo hướng VEC tự bố trí vốn đối ứng để thực hiện các dự án từ năm 2019 trở đi.

Về nguồn vốn thay thế nguồn vốn vay của WB, hiện VEC đã rà soát, hoàn thiện phương án tài chính hòa chung dòng tiền 5 dự án của VEC (phương án tái cơ cấu nguồn vốn đầu tư các dự án của VEC) để báo cáo cấp có thẩm quyền về việc sử dụng nguồn thu phí 5 dự án cao tốc (Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành) hoàn thành các hạng mục tại dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Tại văn bản báo cáo ngày 1/4/2022, VEC cho biết nguyên nhân việc sửa chữa, hoàn trả các tuyến đường địa phương và đền bù bồi lấp đất canh tác của dân bị chậm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhà thầu gói thầu A3 (Quốc tịch Trung Quốc) chưa thể sang Việt Nam để chỉ đạo thực hiện.

Đối với một số đoạn đường ngang, đường gom chưa triển khai thi công do vướng mắc về GPMB và vướng mắc về nguồn vốn để thực hiện từ tháng 4/2019 đến nay - thời điểm hiệp định vay vốn của Ngân hàng Thế giới hết hiệu lực.

Với nút giao Dung Quất, theo thiết kế kỹ thuật, các nhánh nút giao nằm trong khu vực nền đất yếu phải xử lý bằng giải pháp kỹ thuật là cắm bấc thấm, đắp gia tải và theo dõi lún. Đến thời điểm các hiệp định vay vốn của Ngân hàng Thế giới cho dự án hết hiệu lực, công tác xử lý nền đất yếu tại nút giao này vẫn chưa hoàn thành.

Từ ngày 29/4/2019 đến nay, dự án bị vướng mắc về nguồn vốn nên các khối lượng công việc còn lại của nút giao chưa được thực hiện.

Đại diện VEC cho biết đến nay, các nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu nước ngoài (gói thầu A3) vẫn chưa chấp hành yêu cầu của chủ đầu tư.

Trường hợp nhà thầu chưa thể đến thực hiện công tác thi công hoàn trả và thực hiện các hạng mục liên quan, VEC sẽ bố trí vốn làm trước. Sau đó, nhà thầu chi trả phần vốn VEC đã ứng để hoàn thành công việc vốn thuộc trách nhiệm của họ. Ước tính, chi phí hoàn thành các hạng mục còn tồn đọng tại tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi khoảng hơn 2.000 tỷ đồng.

Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi do Tổng Công ty Đầu tư Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) làm chủ đầu tư, tổng chiều dài gần 140 km, trong đó giai đoạn 1 của dự án dài 65 km từ TP Đà Nẵng tới TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam); giai đoạn 2 dài hơn 74 km.

Dự án được khởi công năm 2013 và từ tháng 9/2018 đã đưa vào sử dụng 65 km của giai đoạn 1. Mặc dù mới đưa vào khai thác, đoạn đường 65 km đã xảy ra rất nhiều điểm hư hỏng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành khai thác, an toàn khi tham gia giao thông.

Kết quả điều tra xác định 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án không bảo đảm chất lượng như tiêu chuẩn kỹ thuật, yêu cầu thiết kế dự án, các vật liệu khác của dự án như đá dăm có nhiều chỉ số kỹ thuật không đạt yêu cầu, dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm. Dù vậy, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan vẫn tiến hành nghiệm thu, thanh toán số tiền hơn 811 tỷ đồng cho các đơn vị.

chọn
Công ty liên kết của PC1 gom hơn 600 ha đất công nghiệp
Từ tháng 7 đến nay, Western Pacific đã được chấp thuận đầu tư 3 khu công nghiệp hơn 600 ha ở Bắc Giang và Hà Nam. Theo đánh giá của SSI, điểm nhấn bất động sản năm 2024 của PC1 sẽ xoay quanh việc phát triển các dự án mới từ Western Pacific.