Trong dự án Luật sửa đổi 6 luật về thuế trước khi báo cáo Thủ tướng xem xét trình Quốc hội vào năm 2018, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật thuế thu nhập cá nhân với hai phương án tính thuế đối với thu nhập tiền lương và tiền công.
Theo tính toán, phương án 1 sẽ khiến thu ngân sách giảm khoảng 1.300 tỷ đồng (tính tác động trên số thu của năm 2015). Còn phương án 2, ngân sách có thể tăng 500 tỷ đồng.
Bậc | Hiện hành | Phương án 1 | Phương án 2 | |||
Thu nhập tính thuế | Thuế suất | Thu nhập tính thuế | Thuế suất | Thu nhập tính thuế | Thuế suất | |
1 | Đến 5 | 5% | Đến 10 | 5% | Đến 5 | 5% |
2 | Trên 5-10 | 10% | Trên 10-30 | 15% | Trên 5-10 | 10% |
3 | Trên 10-18 | 15% | Trên 30-50 | 25% | Trên 10-40 | 20% |
4 | Trên 18-32 | 20% | Trên 50-80 | 30% | Trên 40-80 | 30% |
5 | Trên 32-52 | 25% | Trên 80 | 35% | Trên 80 | 35% |
6 | Trên 52-80 | 30% | ||||
7 | Trên 80 | 35% |
* Đơn vị tính: Triệu đồng
Với phương án 1, số bậc thuế giảm, thu nhập tính thuế được làm tròn.
Ví dụ, nếu trước đây thu nhập tính thuế dưới 5 triệu đồng, phải đóng thuế suất 5% thì phương án mới là 10 triệu mới phải nộp.
Tương tự, nếu phần thu nhập tính thuế 20 triệu đồng, nếu theo quy định cũ phải đóng thuế suất 20% theo bậc 4 thì với phương án 1 chỉ đóng theo bậc 2 là 15%.
Với phương án mới, nhiều người làm công ăn lương có thể đóng thuế nhiều hơn.
Nhưng bản thân Bộ Tài chính cho rằng, phương án này sẽ có lợi cho người giàu nhiều hơn là cá nhân có thu nhập thấp. Ví dụ, cá nhân có thu nhập tính thuế 10 triệu mỗi tháng sẽ được giảm 250.000 đồng, thu nhập tính thuế 30 triệu giảm 850.000 mỗi tháng và thu nhập tính thuế 80 triệu đồng được giảm 650.000 đồng mỗi tháng. Như vậy là thu nhập càng cao sẽ được giảm thuế nhiều hơn với phương án này.
Do vậy, Bộ này đồng thời đưa ra phương án 2. Theo đó, số bậc trong biểu thuế lũy tiến từng phần cũng được giảm xuống còn 5 bậc. Bậc thuế từ 3 đến 6 giảm chỉ còn 2 bậc nên những người có thu nhập ở ngưỡng này sẽ phải nộp thêm tiền thuế so với hiện nay.
Với phương án này, người có thu nhập tính thuế lần lượt 15 triệu và 30 triệu đồng sẽ nộp thêm 250.000 và 400.000 đồng. Tương tự, nếu thu nhập tính thuế 80 triệu đồng phải nộp thêm 650.000 đồng. Do đó, tổng số thu ngân sách ước tăng khoảng 500 tỷ đồng.
Đánh giá về hai phương án mới này của Bộ Tài chính,
Tiến sĩ Bùi Quang Tín, chuyên gia kinh tế tại TP HCM cho rằng phương án 2 có nhiều tác động tiêu cực đến người dân hơn.
Theo ông, mức thu nhập từ 10 đến 40 triệu theo phương án 2 phải chịu mức thuế là 20%, trong khi luật hiện tại thì tính theo bậc thang, trong đó 10-18 triệu chỉ đóng 15% thuế - đây là mức thu nhập chiếm đa số của người lao động hiện nay. Do đó, sẽ tăng gánh nặng cho người dân.
Ngoài ra, theo ông Tín, cả hai phương án mới cũng giống quy định hiện tại là chưa thay đổi mức thuế cho người có thu nhập chịu thuế từ 50 triệu đồng trở lên, mà chủ yếu là điều chỉnh mức thuế cho người có thu nhập tính thuế ở những mức thấp. Song song đó, mức giảm trừ gia cảnh cũng không được thay đổi cho phù hợp.
Do vậy, cả 2 phương án theo ông là chưa thực sự tốt và sẽ làm cho người dân ngày càng khó khăn hơn. "Tuy nhiên, nếu phải lựa chọn giữa 2 phương án thì chúng ta nên lựa chọn phương án 1 vì sẽ ít thiệt hại cho người có thu nhập thấp hơn và đây cũng là phương án tốt hơn quy định hiện tại", ông nói.
Theo Nghị định số 65/2013 ngày 27/6/2013 quy định, mức giảm trừ gia cảnh đối với cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công, từ kinh doanh như sau:
- Giảm trừ cho bản thân người nộp thuế là 9.000.000 đồng một tháng.
- Giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc thuộc diện được giảm trừ là 3.600.000 đồng một tháng.
Do đó, những cá nhân có tổng thu nhập lớn hơn số tiền giảm trừ gia cảnh (9 triệu cho bản thân + 3,6 triệu x số người phụ thuộc) và các khoản giảm trừ khác như bảo hiểm y tế bắt buộc, đóng góp từ thiện... mới phải đóng thuế.