Theo nhận định của Tổng cục Thuế, hiện nay tình trạng mua, bán nhà, đất “hai giá”, giá bán cao nhưng ghi trong hợp đồng giá thấp diễn ra khá phổ biến.
Thực tế vẫn tồn tại song song hai loại hợp đồng. Thứ nhất là hợp đồng chuyển nhượng bất động sản có công chứng chứng thực theo quy định với giá nhà đất khai thấp hơn nhiều so với giá đất thực tế giao dịch để làm thủ tục đăng ký biến động. Thứ hai là hợp đồng viết tay do hai bên tự ký ghi theo giá thực tế giao dịch để phòng ngừa khi tranh chấp.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này chính là tâm lý trốn, tránh thuế của một bộ phận không nhỏ người dân. Khi kê khai gian dối, hai bên mua, bán có thể trốn tránh được hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tiền lệ phí trước bạ và thuế thu nhập cá nhân.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, Bộ Tài chính đã có Công văn số 14257 ngày 15/12/2021, Công văn số 438/BTC-VP ngày 12/1/2022 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Bộ Công an; Bộ Tư pháp để phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp chống thất thu trong hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Ngày 28/4/2022, Bộ Tài chính tiếp tục có Công văn số 3849 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 16.200 tỷ đồng, tăng 68,6% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 6.600 nghìn tỷ đồng.
Đáng chú ý, Bộ trưởng dẫn chứng, một trường hợp ở TP Thủ Đức ban đầu kê khai giá chuyển nhượng là 500 triệu đồng, sau khi được cơ quan thuế giải thích đã kê khai lại lên 10 tỷ đồng - gấp 20 lần so với mức kê khai ban đầu. Có trường hợp kê khai lại cao gấp 40 lần giá ban đầu.
Dưới góc độ pháp lý, Tiến sĩ, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo quy định tại khoản 5, Điều 143 Luật Quản lý thuế năm 2019, hành vi trốn thuế là “Sử dụng chứng từ, tài liệu không phản ánh đúng bản chất giao dịch hoặc giá trị giao dịch thực tế để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm, số tiền thuế được hoàn, số tiền thuế không phải nộp”.
Như vậy, đối với một tài sản nhưng các bên ký nhiều hợp đồng (hợp đồng đặt cọc, hợp đồng chuyển nhượng, văn bản thỏa thuận) với số tiền khác nhau, sau đó sử dụng hợp đồng giá thấp để khai thuế thì đây được xác định là hành vi trốn thuế.
Luật này cũng quy định rõ trách nhiệm của người nộp thuế phải có nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp hồ sơ khai thuế đúng thời hạn, chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các hồ sơ, giao dịch do mình thực hiện.
Do đó với hành vi gian lận nhằm trốn thuế thì đây rõ ràng là hành vi vi phạm pháp luật và tùy từng tính chất, mức độ có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 16 Nghị định 125/2020 của Chính Phủ về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn. Cụ thể là phạt 20% số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã được miễn, giảm, hoàn cao hơn so với quy định. Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm còn buộc áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả buộc nộp đủ số tiền thuế thiếu vào ngân sách nhà nước.
Về chế tài xử lý hình sự, hiện nay hành vi trốn thuế quy định tại Điều 200 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể, trốn thuế với số tiền từ 100 - 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 100 - 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm.
Mức phạt cao nhất là trốn thuế với số tiền 1 tỷ đồng trở lên sẽ bị phạt tiền từ 1,5 - 4,5 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 2 - 7 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 - 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Nói thêm về việc chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản, Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, để ngăn chặn tình trạng lách luật, trốn thuế thu nhập cá nhân trong chuyển nhượng bất động sản, Nhà nước cần sớm xây dựng và quản lý hệ thống thông tin cá nhân đầy đủ, các cơ quan thuế cần kiểm soát lịch sử giao dịch chuyển nhượng bất động sản của các cá nhân để có biện pháp quản lý hiệu quả. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần phải xử lý kịp thời để ngăn chặn hành vi trốn thuế xảy ra.
Mặt khác, đối với với việc kê khai giá thấp hơn thực tế khi chuyển nhượng bất động sản sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro cho người tham gia giao dịch. Vì thế, các tổ chức, cá nhân khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng bất động sản cần cân nhắc kỹ để tránh thiệt hại, quan trọng hơn là hạn chế nguy cơ vi phạm pháp luật.
Hiện nay, theo quy định tại Thông tư số 92/2015 của Bộ tài chính thì căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất là 2%.
Trong đó, giá chuyển nhượng đối với chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với công trình xây dựng trên đất, kể cả nhà, công trình xây dựng hình thành trong tương lai là giá ghi trên hợp đồng chuyển nhượng tại thời điểm chuyển nhượng.
Trường hợp trên hợp đồng chuyển nhượng không ghi giá đất hoặc giá đất trên hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn giá do UBND cấp tỉnh quy định thì giá chuyển nhượng đất là giá do UBND tỉnh quy định tại thời điểm chuyển nhượng theo quy định của pháp luật về đất đai.