Vàng được coi là một loại tài sản đảm bảo an toàn và là nơi để gửi gắm tài sản của nhà đầu tư mỗi khi xảy ra những biến cố chính trị, kinh tế, thiên tai, bệnh dịch với quy mô toàn cầu. Do đó, thay vì bỏ tiền vào chứng khoán, bất động sản... thì năm 2020, năm đại dịch Covid-19 toàn cầu, nhà đầu tư đã dịch chuyển sang đầu tư vàng.
Theo đó, giá vàng thế giới và giá vàng trong nước bước sang những ngày đầu năm 2020 đã bắt đầu lập đỉnh liên tục, đặc biệt khi diễn biến khó lường của dịch Covid-19 bùng phát trên toàn thế giới, kim loại quý này càng có cơ hội "lên cơn điên" dữ dội nhất trong lịch sử của chính mình.
Từ mốc chỉ hơn 42 triệu đồng/lượng vào đầu tháng 1/2020 đối với vàng SJC và quanh mốc hơn 1.500 USD/ounce đối với vàng thế giới, giá vàng tăng không ngừng và chạm mốc cao nhất kể từ năm 2012 vào đầu tháng 3.
Tưởng chừng đà tăng đó là mạnh mẽ nhất trong năm, nhưng xu hướng tăng của kim loại quí này vẫn không ngừng nghỉ ở những tháng tiếp sau đó. Cao điểm có thể nhắc đến là tháng 8/2020 khi giá vàng điên loạn xổ đổ hàng loạt kỉ lục chỉ trong thời gian ngắn được thiết lập.
Đỉnh điểm của giá vàng thế giới, có lúc lên gần 2.050 USD/ounce, còn vàng trong nước cũng hơn 62 triệu đồng/lượng, ghi nhận vào ngày 6/8. Đây là mức giá cao nhất mọi thời đại của vàng.
Thời điểm đó, giá vàng SJC đã tăng tăng hơn 47% so với cuối tháng 12/2019. Đồng nghĩa nhà đầu tư lời khoảng 20 triệu/lượng sau khoảng 8 tháng mua vào.
Tuy nhiên, sau lần tăng dồn dập lên đỉnh hồi đầu tháng 8, cả giá vàng trong nước và vàng thế giới đều quay đầu đi xuống sâu vào tháng 11 do sự lạc quan về vắcxin ngừa Covid-19 khiến vàng khó tiếp tục thu hút các nhà đầu tư.
Vào ngày 9/11, Pfizer thông báo rằng vắc xin ngừa Covid-19 được phát triển cùng với BioNTech có hiệu quả hơn 90% trong giai đoạn 3.
Một tuần sau, Moderna báo cáo rằng vắc xin tiềm năng của họ cho thấy hiệu quả 94,5%. Vàng mất hơn 5% trong tháng 11 và giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7 là 1.764 USD/ounce.
Tuy nhiên, tâm lý thị trường được cải thiện trong quý cuối cùng của năm cũng đè nặng lên đồng USD và cho phép vàng tăng trở lại để hướng về mức 1.900 USD/ounce.
Ghi nhận vào những ngày cuối cùng của năm, giá vàng dần phục hồi khi đồng USD xuống mức thấp kỷ lục hai năm qua.
Theo đó, giá vàng giao ngay tăng 0,01% lên 1.894 USD/ounce theo Kitco, vàng giao tháng 2/2021 tăng 0,07% lên 1.900 USD/ounce, ghi nhận vào lúc 6h00 (giờ Việt Nam) hôm nay (31/12).
Mức giá này tương đương 53 triệu đồng/lượng khi quy đổi theo tỷ giá USD của ngân hàng Vietcombank.
So với thời điểm cách đây một năm (31/12/2019) ở ngưỡng 1.522 USD/ounce, kim loại quý này tăng khoảng 380 USD/ounce.
Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, từ mức bình quân 42 triệu đồng/lượng hồi tháng 1, giá vàng trong nước đã có thời điểm lên hơn 62 triệu đồng/lượng, hiện đang xoay quanh mức giá 56 triệu đồng/lượng.
Cụ thể, giá vàng tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn giao dịch ở mức 55,5 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 56,05 - 56,07 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Hay tại hệ thống PNJ, giá vàng trong nước cũng được mua vào 55,5 triệu đồng/lượng và bán ra 56,1 triệu đồng/lượng.
Như vậy với giá được xem là đã giảm mạnh, nhưng giá vàng hiện tại vẫn cao hơn mức bình quân đầu năm hơn 33%.
Nguyên nhân giúp giá vàng có một năm bứt phá vừa qua là do dịch bệnh Covid-19 tác động mạnh mẽ đến xu hướng đầu tư.
Theo đó, với tình hình diễn biến của đại dịch lịch sử và những tác hại nặng nề của nó tới các nước trên toàn thế giới thì việc lo sợ của những nhà đầu tư về một cuộc đại khủng hoảng kinh tế hoàn toàn có cơ sở.
Ngoài ra lý do khiến cho vàng hưởng lợi là nhờ vào những gói kích thích quy mô lớn từ các ngân hàng trung ương và Chính phủ.
Cụ thể, trong hai cuộc họp khẩn diễn ra vào ngày 3/3 và ngày 15/3, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã cắt giảm lãi suất chính sách tổng cộng 150 điểm cơ bản xuống 0% -0,25%.
Ngày 6/4, Ngân hàng Trung ương Mỹ đã giới thiệu ba cơ sở cho vay khẩn cấp mới, Cơ sở Thanh khoản Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPPFL), Chương trình Cho vay Kinh doanh Main Street và Cơ sở Thanh khoản Thành phố.
Vào tháng 7, Ủy ban Thị trường mở (FOMC) đã quyết định gia hạn tất cả các chương trình cho vay khẩn cấp thêm 3 tháng đến cuối năm 2020.
Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), vốn không còn khả năng cắt giảm lãi suất, đã thông báo vào ngày 12/3 rằng họ quyết định mua thêm 120 tỷ Euro theo giao dịch mua tài sản hàng tháng cho đến cuối năm.
Một tuần sau, ngân hàng đã khởi động Chương trình Mua hàng Khẩn cấp cho Đại dịch (PEPP) trị giá 750 tỷ Euro và mở rộng chương trình thêm 600 tỷ lên 1.350 tỷ vào tháng 6.
Cuối cùng, ECB đã tăng mức chi theo PEPP thêm 500 tỷ Euro lên tổng số 1.850 tỷ Euro và kéo dài thời hạn đến ít nhất là cuối tháng 3/2022.
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã giảm lãi suất cơ bản 65 điểm cơ bản xuống 0,1% trong hai cuộc họp diễn ra vào tháng 3. Ngoài ra, BoE đã mở rộng Cơ sở mua tài sản của mình ba lần riêng biệt và nâng tổng số tiền từ 435 tỷ Bảng vào tháng 2 lên 895 tỷ Bảng vào tháng 11.
Việc nới lỏng tiền tệ chưa từng có tiền lệ do các Ngân hàng Trung ương lớn đưa ra đã khởi động một đợt phục hồi ấn tượng đối với kim loại quý, vốn thường được coi là tài sản trú ẩn an toàn cách ly khỏi áp lực lạm phát.
Bên cạnh đó, đồng USD suy yếu, giá dầu mỏ xuống thấp do bất ổn của nền kinh tế Mỹ, những cuộc chiến thương mại vẫn đang tiếp diễn trên thế giới và chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt...cũng là nguyên nhân tạo nên xu hướng tăng giá dữ dội của vàng trong năm 2020.