Nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của dân, chính quyền xã nói do nhầm tên

Người dân bức xúc khi chính quyền tự ý nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của họ. Trong khi đó, lãnh đạo chính quyền xã thừa nhận sai sót do "nhầm tên" nên dân không nhận được thông báo.

Chính quyền lý giải việc nhổ keo nhưng không thông báo cho dân "Chúng tôi có thông báo việc nhổ keo với người dân; tuy nhiên, khi gửi thì chỉ có một hộ nhận được, một hộ bị nhầm tên", ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó chủ tịch UBND Tam Xuân 2 nói.

Ngày 24/9, hàng chục người dân thôn Thạch Kiều (xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam) bày tỏ bức xúc trước việc chính quyền địa phương điều động hơn 10 cán bộ vào gò Núi Tre để nhổ keo của dân trồng.

Ông Doãn Bá Ba (41 tuổi, trú thôn Thạch Kiều) không giấu được bức xúc khi kể lại việc chính quyền không ra thông báo, tự ý đưa người đến nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của gia đình ông.

“Sáng tôi đi làm ngoài đồng thì nghe người dân điện thoại nói xã cho người vào nhổ keo trồng. Tôi bỏ dở công việc chạy đến và chứng kiến cảnh hàng nghìn cây keo nằm ngổn ngang. Xã không có thông báo thu hồi đất hay thông báo về việc nhổ cây nhưng lại tự ý làm như vậy là không chấp nhận được", ông Ba bức xúc.

Nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của dân, chính quyền xã nói do nhầm tên - Ảnh 2.

Ông Doãn Bá Ba bức xúc vì keo trồng hơn 6 tháng bị nhổ nằm ngổn ngang. (Ảnh: Thanh Đức).

Cũng theo ông Ba, khu vực Núi Tre có 4 hộ dân cùng trồng cây hơn 15 năm nay và đã thu hoạch được 3 vụ. Nhiều người bỏ ra hàng chục triệu đồng thuê người trồng cây.

Đầu năm 2019, họ tiếp tục mua cây đến khu vực này trồng, đến nay được hơn 7 tháng, cây lên cao hơn 1 m thì xảy ra vụ việc.

Còn bà Mai Thị Thảo (40 tuổi) cho hay nếu địa phương có thông báo việc nhổ keo trong vùng quy hoạch làm nghĩa địa, người dân sẽ chấp thuận. Tuy nhiên, sáng nay hơn 10 người, trong đó phó chủ tịch xã dẫn đầu đoàn cho người đến nhổ keo. "Chúng tôi đành phải giữ chân những cán bộ nhổ keo và yêu cầu xã giải thích rõ nguyên nhân", bà nói.

Nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của dân, chính quyền xã nói do nhầm tên - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, cho rằng khi gửi thông báo đến người dân chính quyền bị "nhầm tên". (Ảnh: Thanh Đức).

Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Tấn Đồng, Phó chủ tịch UBND xã Tam Xuân 2, người trực tiếp chỉ đạo việc nhổ keo của người dân, cho biết năm 2012 UBND huyện Núi Thành có phê duyệt quy hoạch khu vực Núi Tre là nghĩa địa.

"Trước đây, chính quyền không có  kinh phí nên việc thực hiện quy hoạch phải dừng lại. Đến năm 2019, khi có kinh phí xã bắt đầu triển khai và có mời 5 hộ dân có diện tích đất cây trồng đến làm việc nhưng chỉ có 1 hộ dân đến", ông Đồng cho hay.

Lí giải về việc không ra thông báo nhưng tự ý nhổ cây của người dân, ông Đồng cho rằng xã có gửi thông báo về việc thực hiện thu hồi keo trồng của người dân, trả lại mặt bằng quy hoạch khu nghĩa địa, nhưng lại "sai sót nhầm tên".

"Xã có gửi thông báo đến 4 hộ dân nhưng lại bị 'nhầm tên' nên chỉ có một người nhận được thông báo. Chúng tôi thừa nhận có sai sót trong quy trình làm việc. Xã sẽ lập biên bản ghi nhận vụ việc, đồng thời mời các hộ dân về trụ sở UBND xã để giải quyết", vị lãnh đạo xã thông tin.

Nhổ hơn 3.000 m2 keo trồng của dân, chính quyền xã nói do nhầm tên - Ảnh 4.

Xã Tam Xuân 2, huyện Núi Thành, Quảng Nam. (Ảnh: Google Maps).

chọn
Cận cảnh lô đất vàng quy hoạch cho Vietcombank ở khu đô thị mới Cầu Giấy
Ngân hàng Vietcombank sở hữu mảnh đất khoảng 5.054 m2 để xây dựng tòa nhà thương mại dịch vụ và văn phòng làm việc ở khu đô thị mới Cầu Giấy.