Nhọc nhằn gieo chữ... ‘dốc cổng trời’

Vượt qua những con đường dốc cheo leo, trơn trượt, các cô giáo tại điểm trường Ea Rớt ngày ngày vẫn thầm lặng “cõng” chữ lên non.

Thầm lặng gieo chữ lên bản Mông

nhoc nhan gieo chu doc cong troi
Đường dẫn đến điểm trường Ea Rớt. Ảnh: Trang Anh

Chúng tôi có dịp ghé thăm điểm trường Ea Rớt (xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) vào những ngày cuối tháng 9 nắng như đổ lửa. Người dân gọi ưu ái là “cổng trời” bởi để đến được đây người dân phải vượt qua con dốc cao, gấp khúc và vô cùng ngoằn ngoèo. Ngày nắng thì bụi bay mù mịt, mưa xuống đường trở nên trơn trượt như bẫy người đi đường.

Cách Trường Tiểu học Cư Pui 2 khoảng 20 km, điểm trường Ea Rớt được xem là một trong những địa bàn khó khăn nhất ở Cư Pui. Mỗi khi mưa xuống, để vào điểm trường, các thầy cô giáo ở đây phải gửi xe ở ngoài và cuốc bộ khoảng 10 km mới có thể mang con chữ đến với các em học sinh nơi bản Mông.

Năm học 2017-2018, điểm trường Ea Rớt có 6 lớp Tiểu học, với 158 học sinh, đặc biệt 100% đều là người dân tộc thiểu số. Mặc dù cơ sở vật chất mới được tu sửa lại, nhưng nơi đây vẫn còn nhiều thiếu thốn. Sáu cô giáo được phân công dạy ở điểm trường này đều còn rất trẻ, có những cô mới ra trường hoặc có gia đình ở xa. Tuy dạy ở đây điều kiện sinh hoạt còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các cô vẫn nhiệt huyết và tận tâm với các em học sinh.

Cô Nguyễn Thị Minh Mạnh (ở xã Hòa Sơn, huyện Krông Bông) – giáo viên lớp 1 cho hay, lớp cô có 34 em học sinh, 100% là đồng bào dân tộc H’Mông nên việc dạy kiến thức cho các em khó khăn bởi các em ít tiếp xúc với người Kinh.

“Đa phần khi mới vào lớp 1 các em không hiểu giáo viên nói gì. Chính vì thế, mỗi lần dạy kiến thức tôi đều phải dùng hành động kèm theo, như vậy các em mới có thể tiếp thu được một phần nào đó”, cô Mạnh tâm sự.

nhoc nhan gieo chu doc cong troi
Cô Trang và cô Liễu mỗi lần đi dạy phải đi bè qua một con suối mới đến được điểm trường. Ảnh: Trang Anh

Tương tự, cô Trần Thị Duyên - giáo viên lớp 5 cho hay, gia đình cô ở huyện Cư Mgar (tỉnh Đắk Lắk) cách điểm trường Ea Rớt hơn 120km nên chỉ cuối tuần cô mới về nhà một lần.

Như thường lệ, cứ chiều thứ 6 cô Duyên lại một mình chạy xe máy từ trường về nhà, rồi 4h sáng thứ 2 với chiếc xe máy cũ cô lại đến trường để dạy con chữ cho các em. Vượt qua những đoạn đường ngoằn ngoèo, những con dốc thẳng đứng đến 7h30 cô mới đến được điểm trường.

“Do điểm trường ở xa khu vực trung tâm nên mỗi lần ở nhà lên giáo viên đều phải chở lương thực lên ăn dần. Khi nào hết đồ ăn thì chúng tôi mua tạm đồ khô ở quán nhỏ trong buôn”, cô Duyên tâm sự.

Trượt ngã trên đường gieo chữ

nhoc nhan gieo chu doc cong troi
Cô Nguyễn Thị Minh Mạnh mỗi khi dạy cho các em phải kèm theo hành động để các em có thể hiểu. Ảnh: Trang Anh

Mặc dù cách trường hơn 50km, nhưng do con chỉ mới được 12 tháng tuổi nên cô Nguyễn Thị Trang (huyện Krông Năng - giáo viên lớp 2) sáng sớm vẫn chạy xe đến lớp. Đến trưa, sau khi kết thúc giờ dạy, cô lại vội vã về nhà để cho con bú.

Ngồi tâm sự với chúng tôi, cô Trang cho hay, trước đây khi mang bầu ở tháng thứ 7, cô vẫn đến trường đi dạy như bao giáo viên khác.

“Có những lần trên đường đi dạy, đường dốc cheo leo, lại ghồ ghề nên tôi bị trượt ngã, lăn mấy vòng. Nhưng may mắn thay cả hai mẹ con đều bình an vô sự”, cô Trang nhớ lại.

Theo cô Trang, do cô và chồng làm việc ở hai huyện khác nhau, nhà lại ở giữa hai nơi làm nên chồng cô đành phải nghỉ việc để về nhà làm rẫy và tiện chăm sóc cho con nhỏ.

Các cô giáo nơi đây còn cho hay, hiện nay đang vào mùa nắng thì việc đi lại còn dễ dàng, nhưng đến khi mưa xuống thì quãng đường đến trường khó khăn hơn gấp trăm lần.

Khi đó, các cô phải gửi xe ở nhà dân và đi bộ khoảng 10km để vào được điểm trường Ea Rớt.

Dù biết là khó khăn, nguy hiểm nhưng chưa bao giờ những cô giáo tại điểm trường Ea Rớt có suy nghĩ và có ý định bỏ trường, bỏ các em.

Bởi có lẽ các cô thấu hiểu được sự khó khăn, thiệt thòi của các em khu vực này. Nếu các cô từ bỏ thì chắc các em sẽ mãi không thể tiếp cận được con chữ.

Ông Vũ Đình Tùng, hiệu trường Trường Tiểu học Cư Pui 2 cho biết, điểm trường Ea Rớt là điểm xa nhất trong 7 điểm trường trên toàn xã. Chính vì thế việc dạy, học của giáo viên và học sinh nơi đây rất khó khăn.

“Đa số các giáo viên ở điểm trường đều là giáo viên họp đồng nên chưa được hưởng chế độ vùng 3. Bên cạnh đó, 6 giáo viên dạy ở đây nhưng chỉ có một phòng để sinh hoạt tạm bợ”, ông Tùng thông tin.

Theo ông Tùng, vào mùa mưa các cô giáo phải gửi xe và đi bộ gần 10km để đến được điểm trường nên rất khó khăn, vất vả. Bên cạnh đó, có hai giáo viên do vướng công việc gia đình nên phải về trong ngày.

“Ở điểm trường Ea Rớt hiện tại có cô Trang và cô Nguyễn Thị Liễu – giáo viên lớp 4 phải đi về trong ngày do có con nhỏ, trong nhà lại có người đau ốm. Mùa mưa xuống, các cô phải đi qua một con suối để đến điểm trường nên rất nguy hiểm”, ông Tùng nói.

Ông Tùng còn cho hay, do điều kiện tại điểm trường thiếu thốn nên vừa qua lãnh đạo trường đã đề xuất xin 100 bộ bàn ghế cho học sinh. Trường cũng mong muốn xây đựng được nhà công vụ để các cô giáo có chỗ ở. 'Nhà trường cũng mong muốn các cơ quan ban ngành xem xét để làm đường, làm cầu cho giáo viên và học sinh đến trường thuận tiện, an toàn", ông Tùng nói.

nhoc nhan gieo chu doc cong troi Chiếm dụng công quỹ, nữ kế toán bị kỷ luật hạ bậc lương

Nữ kế toán xã Cư Suê (huyện Cư Mgar, tỉnh Đắk Lắk) bị kỷ luật hạ bậc lương vì mắc nhiều sai phạm, trong đó ...

chọn
Công ty con Kinh Bắc tăng vốn gấp rưỡi trước thềm xây khu công nghiệp 466 ha ở Long An
Sài Gòn Tây Bắc (SCD) - công ty con của Kinh Bắc sắp xây dựng KCN Lộc Giang gần 5.200 tỷ tại Đức Hòa, Long An. Vừa qua, doanh nghiệp này đã thực hiện tăng vốn điều lệ từ 750 tỷ đồng lên 1.181 tỷ đồng.