Chị Lành (29 tuổi) là giáo viên tiểu học, làm giờ hành chính. Chồng chị (53 tuổi) là nhân viên lái xe, làm theo ca, hôm làm đêm, hôm làm ngày. Năm 2012, họ nên nghĩa vợ chồng, đến nay đã có một con gái hơn 4 tuổi.
Gần 5 năm làm vợ là chừng ấy thời gian chị vô cùng mệt mỏi, chán nản, có lúc vợ chồng chiến tranh lạnh cả tháng, chỉ vì anh ghen vô lối, không kiểm soát. Để chồng bớt nghi ngờ, chị chứng minh bằng cách công khai hết mật khẩu các tài khoản điện thoại, mạng xã hội..., đi đâu là thông báo, nói rõ nơi đến, hạn chế tiếp xúc với người khác giới nhưng anh vẫn không bỏ được tật xấu.
Cụ thể là, facebook của chị có bạn thời cấp 3, bạn đại học và bạn đồng nghiệp... trong đó có cả nam và nữ. Mỗi lần thấy nick chị sáng đèn họ thường hỏi thăm sức khỏe, công việc, gia đình rồi chuyện vợ chồng. Có mấy người bạn nam cũng thường xuyên hỏi thăm tình hình của chị. Bạn hỏi thì phải trả lời, vậy mà anh đọc được là ghen, chì chiết, tra khảo, nếu không được giải thích thỏa đáng là đập phá đồ đạc trong nhà.
“Tôi làm giáo viên, thường phải giao lưu với đồng nghiệp, bạn bè, hàng xóm, các phụ huynh, nhưng chỉ cần thấy vợ đứng nói chuyện với người khác giới là anh ấy ghen. Những cơn ghen của anh ấy làm tôi mệt mỏi, chán nản, nhiều lần mất mặt với bạn bè”, chị nói.
Một lần, có hai người đàn ông lạ đến gần chỗ ở, chị tò mò ra xem. Thấy vậy, người chồng lớn tiếng mắng chửi, đập bể các đồ dùng trong nhà. “Anh ấy ghen cả lúc tôi mang thai, còn bảo ‘chắc gì nó là con tao’. Tôi nghe mà đắng cay chua xót”. chị nói.
Những ngày phải đi làm đêm, anh khóa cửa, mang chìa khóa theo để chị không thể ra ngoài. Cả đêm bị đói, chị chỉ biết cầu cứu hàng xóm giúp đỡ qua cửa sổ. Đi làm về, thấy trong nhà có đồ ăn, anh cũng ghen, tra khảo vợ: “Mày gọi trai đến chứ gì?”.
Vợ mang bụng bầu vượt mặt đi dạy, bị tụt huyết áp, gọi anh đến đón về thì nhận được câu nói lạnh lùng: “Mày tự đi mà về. Tao không phải là cha nó”. Chị nghe mà thấy tủi thân. “Người ta mang thai được chồng nâng niu, động viên, chăm lo cho từng tí một, còn tôi phải khóc suốt chín tháng mười ngày”, chị nói. Cho đến khi sinh, con gái giống cha như đúc anh mới thôi nghi ngờ.
5 năm, không biết bao nhiêu chiếc điện thoại của hai vợ chồng bị bể, đồ đạc trong nhà rơi vương vãi cũng vì anh ghen, còn chị ra sức giải thích. “Tôi mệt mỏi khi phải sống trong cảnh tù túng vì người chồng ghen vô lý, nhưng khi đưa đơn ly hôn anh lại không chịu ký, ra sức năn nỉ, hứa sửa nhưng vẫn chứng nào tật nấy, chẳng bao giờ nhận mình sai”, chị nói. Chị cũng đọc nhiều sách về tâm lý, hỏi các chuyên gia để giúp chồng nhưng chẳng được.
Cũng vì chồng có những cơn ghen vô lý mà chị Liên (quận 1) đã quyết ly hôn, dù TAND quận 1 (TP HCM) ra sức hòa giải theo hướng hòa hợp vì nhận thấy mâu thuẫn của họ chưa trầm trọng, con cái đang tuổi ăn học, bản thân các đương sự đã hơn 50 tuổi.
“Tôi không thể sống chung với người chồng mà hết lần này đến lần khác khiến mình mất mặt với bạn bè, đồng nghiệp và đối tác. Vậy mà, anh ta chẳng chịu nhận mình sai, khăng khăng bảo do tôi cố tình tiếp xúc với người khác giới để ngoại tình. Tôi mệt mỏi vô cùng”, chị nói.
Chị Liên cho biết, hai vợ chồng có công ty riêng, làm ăn rất thuận lợi. Anh có nhiệm vụ quán xuyến kinh doanh ở nhà. Còn chị phải thường xuyên gặp, giao lưu với đối tác làm ăn, mở rộng thị trường. Vậy mà mỗi khi thấy chị gặp người khác giới là anh ghen, sỉ vả, chì chiết vợ. Điều đó khiến không biết bao lần hợp đồng ký kết với đối tác thất bại, bạn bè ngại tiếp xúc, nhiều lần vợ chồng mâu thuẫn, chiến tranh lạnh.
Theo bác sĩ, thạc sĩ tâm lý Trần Đăng Thảo (TP HCM) cho rằng, ghen có hai loại, ghen vừa phải và ghen mặc cảm tự ti. Đối với ghen vừa phải, là chất xúc tác để yêu nhau hơn. Còn ghen mặc cảm tự ti là một hành động mất kiểm soát, những người rơi vào trường hợp này thường mặc cảm hoặc không tự tin vào điều gì đó hay còn gọi là ghen bệnh. Để chữa dứt điểm cần phải tìm hiểu nguyên nhân và phải có liệu pháp cụ thể.
Chuyên gia tâm lý cho rằng, hai người chồng trên rơi vào trường hợp thứ hai, ghen mặc cảm tự ti. Họ thấy mình thua vợ hoặc kém người đàn ông khác nên thường lo lắng, sợ bạn đời ngoại tình. Vì thế, chỉ cần thấy điều gì ở người vợ khác một chút là họ ghen, buộc phải kiểm soát bằng mọi giá.
Chuyên gia cho rằng, người đàn ông ghen tự ti sẽ có hai khả năng xảy ra. Một là, anh ta có thể gồng mình lên, ra sức phấn đấu, chứng tỏ bản thân có nhiều thế mạnh. Thứ hai là họ sẽ gây sự hoặc bạo lực với vợ để đánh đòn phủ đầu, phòng ngừa từ xa, tránh không cho vợ mình nhòm ngó đến những kẻ khác.
Hiện tượng này không chỉ xảy ra ở đàn ông, mà cả phụ nữ. Ông Thảo từng tư vấn cho một người vợ quá ghen chồng. Chị đến tư vấn trong tâm trạng rất căng thẳng, giọng buồn và tức giận. Chị cho biết rất hạnh phúc khi lấy được một người chồng thành đạt, thu nhập cao, sợ mất nên lấy đủ lý do để ghen. Chỉ cần thấy chồng đi làm về, cái áo xộc xệch một chút, nhăn đi một chút hay vợ chồng đi ăn, anh nhìn người khác giới chịcũng ghen. Mỗi lần như thế, hai vợ chồng thường to tiếng, chiến tranh lạnh rất lâu, bản thân chị rất buồn.
Được tư vấn, chị đã nhận ra lỗi sai và đến cơ sở y tế tìm nguyên nhân để điều trị. Đến nay, chị sống thoải mái vì không còn những lần ghen vô lý nữa.
Ông Thảo khuyên những người rơi vào trường hợp như hai câu chuyện trên cần đến các cơ sở y tế, các trung tâm chẩn đoán tâm lý để tìm ra bệnh và được chữa trị. Bản thân người vợ cần tìm hiểu nguyên nhân tại sao chồng mình ghen và khéo léo xử lý, đừng đôi co, khó chịu, mà tạo cho anh ấy sự tự tin, an tâm về người bạn đời của mình. Trường hợp phải đi đâu thì nên rủ chồng đi cùng, nếu không được, hãy nói địa điểm rõ ràng, giờ cụ thể hoặc nhờ người mà họ tin tưởng để giải thích hoặc nói về lỗi sai của họ, đừng nên có những hành động thiếu kiểm soát dẫn đến những hành động đáng tiếc.